Khơi thông các điểm nghẽn để phục hồi kinh tế

Dự kiến kinh tế Việt Nam khó có thể phục hồi nhanh theo hình chữ V. Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn trong ngắn hạn cần được khẩn trương thực hiện với nguồn lực chủ yếu từ chính sách tài khóa.

Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam được tổ chức tháng 11 theo hình thức trực tuyến tại Trung tâm điều hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư. (Ảnh: Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam được tổ chức tháng 11 theo hình thức trực tuyến tại Trung tâm điều hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư. (Ảnh: Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Báo cáo Tổng quan kinh tế Việt Nam 2021-2022 với chủ đề "Phục hồi, cơ hội và rủi ro" vừa được công bố tại Hà Nội. Đây là nghiên cứu nằm trong khuôn khổ diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam, do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF - Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc và Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) phối hợp tổ chức định kỳ hai lần mỗi năm với mục tiêu phân tích, đánh giá những vấn đề nổi bật ảnh hưởng đến tăng trưởng và phát triển kinh tế Việt Nam trong ngắn và trung hạn.

Báo cáo chỉ rõ, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư đã bộc lộ nhiều vấn đề trong phát triển kinh tế Việt Nam cũng như sức chống chịu của doanh nghiệp và người dân, ảnh hưởng tới một số yếu tố dài hạn của tăng trưởng.

Đó là tỷ lệ tham gia lực lượng lao động dưới tiềm năng gia tăng, cấu trúc lao động thay đổi do dịch chuyển giữa các ngành; vốn đầu tư sụt giảm do đầu tư công không thể giải ngân đúng tiến độ, đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài đều tăng chậm.

Việt Nam cũng phải đối mặt nhiều rủi ro đến từ sự chuyển dịch dòng vốn trong nước. Đáng lo ngại nhất là việc dòng vốn chuyển sang các lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán,... trong khi vốn sản xuất kinh doanh vẫn thiếu hụt. Nợ xấu có nguy cơ tăng cao trong khi thu - chi ngân sách bắt đầu gặp khó khăn.

Lao động thiếu hụt tại các vùng động lực có thể làm chậm tiến độ phục hồi kinh tế. Giá cả nguyên liệu, chi phí logistics tăng cao gây áp lực lên lạm phát...

“Nền kinh tế khó có thể phục hồi nhanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong quý III là nghiêm trọng. Chúng tôi dự báo kinh tế Việt Nam nhiều khả năng khó phục hồi nhanh theo hình chữ V. Tăng trưởng cả năm 2021 sẽ ở mức dưới 2%. Sang năm 2022, tùy vào bối cảnh trong và ngoài nước, tăng trưởng GDP Việt Nam được dự báo ở mức khoảng 5,8 - 6,7%”, Tiến sĩ Trần Toàn Thắng, Trung Tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia nói.

Yêu cầu đặt ra đối với nền kinh tế Việt Nam tại thời điểm này là thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh; khẩn trương thực hiện các gói hỗ trợ đã công bố cũng như nghiên cứu thực hiện gói phục hồi tăng trưởng trong trung hạn để bảo đảm khơi thông được những tắc nghẽn trong nền kinh tế. Xây dựng chiến lược và kịch bản sản xuất kinh doanh trong điều kiện mới, có sự tiếp cận và tư duy chính sách phù hợp với thực tế.

Chia sẻ bài học kinh nghiệm về tài chính cho phục hồi và phát triển kinh tế từ các quốc gia trong khu vực, Giáo sư Jonathan Pincus, Chuyên gia cao cấp của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc khuyến nghị nếu dựa vào nguồn tài chính trong nước sẽ giúp phát triển nhanh hơn, trong khi phụ thuộc vào vốn nhập khẩu sẽ dễ bị bất ổn về tài chính. Vị giáo sư cũng lưu ý, nếu thị trường tài chính không được kiểm soát cũng dễ xảy ra bong bóng tài sản, bất ổn định.

Sản xuất sợi tại Công ty TNHH Dệt Hà Nam, Khu công nghiệp Châu Sơn, tỉnh Hà Nam. (Ảnh: Thanh Hải)

Sản xuất sợi tại Công ty TNHH Dệt Hà Nam, Khu công nghiệp Châu Sơn, tỉnh Hà Nam. (Ảnh: Thanh Hải)

Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Trung ương cho rằng, trong thời gian tới, Chính phủ cần cải cách kinh tế, thực hiện chương trình tái cấu trúc, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có chất lượng; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số... Về phía các doanh nghiệp cần tận dụng hội nhập từ việc triển khai thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs).

Nhắc đến thực trạng quá trình cải cách đang chững lại vì đại dịch Covid-19, Tiến sĩ Võ Trí Thành khuyến nghị Chính phủ cần đi sâu vào từng lĩnh vực phải cải cách để có thể tạo dựng thể chế mới. Đơn cử như thị trường các nhân tố sản xuất, vấn đề lao động, đổi mới sáng tạo, tái cấu trúc doanh nghiệp…

“Những nội dung này phải sâu và phải có thể chế mới. Như tái cấu trúc doanh nghiệp, không chỉ là có chương trình rất lớn cho tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà còn bao phủ đến khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/khoi-thong-cac-diem-nghen-de-phuc-hoi-kinh-te-672808/