Khơi thông 'điểm nghẽn' dự án PPP

Là đô thị trực tiếp được hưởng lợi từ cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98, TPHCM đã mời gọi hàng chục dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), song quá trình thực hiện thời gian qua vẫn còn nhiều vướng mắc.

TPHCM đang kêu gọi nguồn lực để cải tạo, nâng cấp toàn bộ Nhà hát Bến Thành. Ảnh: N.H.

TPHCM đang kêu gọi nguồn lực để cải tạo, nâng cấp toàn bộ Nhà hát Bến Thành. Ảnh: N.H.

Kêu gọi hàng loạt dự án PPP

Từ đầu năm nay, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM công bố Danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP trong lĩnh vực thể thao và văn hóa, với tổng cộng 23 dự án. Trong số các dự án này, TPHCM huy động nguồn lực cho các dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp toàn bộ Nhà hát Bến Thành (quận 1) và Dự án tu bổ di tích kiến trúc nghệ thuật cấp TP Đình Bình Trị Đông.

Trong nhóm các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa còn lại, hầu hết là xây mới, bao gồm: Dự án xây dựng mới Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Lao động A-B; Dự án xây dựng mới Nhà hát Gia Định và Dự án xây dựng mới Trung tâm Văn hóa thành phố.

Đối với Nhà hát Bến Thành nằm ở vị trí đắc địa trung tâm TPHCM, tuy nhiên nhiều hạng mục hiện nay đã xuống cấp nặng. Nhà hát đã được nhiều lần nâng cấp, thế nhưng đại diện Nhà hát Bến Thành nhiều lần phản ánh về tình trạng cơ sở vật chất không đáp ứng được yêu cầu phục vụ các chương trình văn hóa, giải trí quy mô cấp thành phố.

Tương tự, Ngôi đình Bình Trị Đông đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa lớn, gần nhất là vào các năm 2000 và 2005, trong đó các kết cấu gỗ đã dần bị thay thế bằng cột bê tông, tường gạch. Là di tích kiến trúc nghệ thuật quan trọng nên TPHCM đã huy động nguồn lực để tu bổ ngôi đình khang trang, đảm bảo công tác bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa của thành phố.

Không chỉ các dự án xây dựng và cải tạo dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao, chỉ tính riêng trên địa bàn TP Thủ Đức vừa qua cũng kêu gọi đầu tư vào 11 dự án PPP, với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Trong số này, có 3 dự án giáo dục đã được HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, 8 dự án đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM trình UBND thành phố để bổ sung vào danh mục đầu tư.

Theo ông Mai Hữu Quyết - Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, thời gian qua Nghị quyết 98 của Quốc hội khóa XV đã trao cơ chế đặc thù để TPHCM, trong đó có TP Thủ Đức có các thẩm quyền quan trọng để kêu gọi đầu tư PPP vào các dự án. Mặc dù vậy, hiện nay phương thức đầu tư PPP còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong khoảng 10 năm qua, tính chung trên địa bàn TPHCM vẫn chưa có dự án PPP nào. Tuy nhiên, hiện nay nhờ phân cấp của UBND TPHCM và các cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết 98 đã cho phép TP Thủ Đức thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư. Theo đại diện lãnh đạo UBND TP Thủ Đức, các dự án kêu gọi đầu tư PPP đều nằm ở vị trí đắc địa của thành phố, đa số quỹ đất dự án kêu gọi đều là đất công. Nhà đầu tư cũng có thuận lợi rất lớn khi không phải băn khoăn, lo lắng về vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng.

Vì sao chưa đủ hấp dẫn?

Lý giải về việc các dự án PPP tại TPHCM thời gian qua vẫn triển khai chậm, trong khi các dự án PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao lại chưa hấp dẫn nhà đầu tư, TS Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TPHCM cho rằng, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do các thay đổi, sửa đổi chính sách pháp luật trong lĩnh vực đất đai, hạ tầng, đền bù giải phóng mặt bằng... Mỗi lần thay đổi, nhà đầu tư lại phải hoàn thiện lại hồ sơ, điều kiện thực hiện dự án, dẫn đến tiến độ kéo dài. Trên thực tế, các dự án PPP đều yêu cầu doanh nghiệp chuẩn bị nguồn tài chính rất lớn, rồi tiềm lực về nhân lực, bộ máy quản lý… trong khi nhà đầu tư nắm thông tin về các dự án PPP còn hạn chế.

Bà Sâm dẫn chứng thực tế các dự án PPP đang triển khai trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, nhưng đến nay còn tồn đọng không ít bất cập, bao gồm dự án xây dựng mới cầu Tân Kỳ Tân Quý (quận Bình Tân) và dự án Đường dẫn kết nối cầu Phú Mỹ (đã hoàn thành, nhưng còn tồn đọng pháp lý).

Tại Diễn đàn hỗ trợ pháp lý đầu tư, với chủ đề về đầu tư bằng hình thức PPP tại TPHCM mới đây, TS Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết số 98 của TPHCM cho biết, tính trên toàn TPHCM đến nay đang mời gọi 54 dự án đầu tư theo hình thức PPP, trong đó có đến 41 dự án trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, y tế. Còn lại là các dự án giao thông, giáo dục, tập trung phần lớn ở TP Thủ Đức.

Cũng theo ông Lịch, TPHCM kỳ vọng sẽ vận dụng Nghị quyết 98 để có cơ chế đặc thù cho các dự án PPP, tuy nhiên thực tế quá trình triển khai lại gặp vướng mắc, do thiếu hướng dẫn cụ thể cũng như các vấn đề liên quan đến tính phù hợp với Luật PPP hiện nay.

Mới đây, ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TPHCM đã chủ trì cuộc họp chuyên đề về các dự án PPP, trong đó UBND TPHCM đã mời 3 nhà đầu tư tham gia cùng các sở, ban, ngành liên quan để tìm giải pháp giải quyết khó khăn, tồn đọng. Trong số này, Dự án Đường dẫn kết nối cầu Phú Mỹ (TPHCM) dù đã hoàn thành cách đây 11 năm nhưng đến nay vẫn gặp khó khăn trong quá trình thanh quyết toán. Tương tự, Dự án kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - Quốc lộ (TP Thủ Đức) đã thực hiện 4 năm nhưng ngưng trệ vì nhiều vướng mắc, trong đó có bất cập liên quan đến sự thay đổi chủ trương, chính sách pháp luật lĩnh vực đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng.

Theo chỉ đạo của UBND TPHCM, các dự án đầu tư theo phương thức PPP đang triển khai trên địa bàn buộc phải xử lý dứt điểm tồn đọng trong tháng 8/2024. Đồng thời, các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông vận tải và Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM được yêu cầu phối hợp xem xét, rà soát quy định pháp luật có liên quan, từ đó tham mưu, đề xuất UBND thành phố về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư, pháp lý các dự án PPP để “chốt” thời gian xử lý tồn đọng.

LÊ ANH

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khoi-thong-diem-nghen-du-an-ppp-10289058.html