Khơi thông động lực cho tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I-2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước-là mức tăng trưởng rất thấp, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I-2020 khi nước ta áp dụng nhiều biện pháp mạnh để phòng, chống dịch Covid-19.

Đáng chú ý, nhiều chỉ số lâu nay là động lực của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng ấn tượng thì nay đều gặp khó, như: Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hay xuất, nhập khẩu hàng hóa... Chính phủ vẫn quyết tâm giữ vững mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 6,5%. Đây là thách thức lớn, đòi hỏi những giải pháp khơi thông động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Những chỉ số đầy thách thức

Quý I-2023, kinh tế Việt Nam gặp không ít khó khăn do kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn. Lạm phát toàn cầu tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, sự phục hồi chậm và suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất cũng như xuất khẩu của nước ta... Kết quả, GDP quý I của Việt Nam ước tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra (tại Nghị quyết 01/NQ-CP, Chính phủ đề ra kịch bản tăng trưởng GDP quý I là 5,6%). Trong đó, tăng trưởng chủ yếu nằm ở khu vực dịch vụ và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Ngược lại, khu vực công nghiệp vốn luôn là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế nhưng quý này lại đang suy giảm.

Điểm lại những nét chính trong bức tranh kinh tế quý I, thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) quý I giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I chỉ tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước chỉ tăng 1,8%. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào nước ta quý I giảm 38,8% so với cùng kỳ năm trước. Điều này phản ánh xu thế các tập đoàn lớn xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào nước ta trước tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu và phản ứng chính sách của Chính phủ. Đặc biệt, trong quý I năm nay, cả nước có khoảng 60.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, nhiều hơn con số 57.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Lần đầu tiên, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn hơn số doanh nghiệp thành lập. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I và xuất khẩu sang các thị trường lớn đều giảm.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Túi xách Simone Việt Nam (tỉnh Long An). Ảnh: BÙI GIANG

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Túi xách Simone Việt Nam (tỉnh Long An). Ảnh: BÙI GIANG

Bên cạnh đó, dù doanh nghiệp khát vốn nhưng tăng trưởng tín dụng đến ngày 20-3 chỉ tăng 1,61%, cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế khá thấp. Ngoài ra, trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, tăng trưởng của TP Hồ Chí Minh chỉ đạt 0,7%, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương và xếp hạng 56/63 địa phương. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội tăng 5,80%, xếp thứ 32/63 địa phương...

Nhìn nhận lại kết quả tăng trưởng của nền kinh tế trong quý I, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho rằng: "Kết quả này phản ánh thực tiễn như những gì chúng ta đánh giá khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023. Thậm chí, đến nay, những khó khăn, thách thức gặp phải còn lớn hơn so với dự báo". Có cùng quan điểm, phân tích của chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Nguyễn Minh Cường cho hay, những “cơn gió ngược” đối với tăng trưởng kinh tế đã xuất hiện từ quý IV-2022, không phải từ đầu năm 2023. Đây là tình hình chung của tất cả nền kinh tế châu Á, không phải chỉ riêng Việt Nam.

Nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, Chính phủ vẫn quyết tâm giữ vững mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay, phấn đấu đạt mức cao nhất mục tiêu đề ra. Song để đạt được mục tiêu này, tăng trưởng kinh tế quý II cần đạt 6,7% (bằng kịch bản Nghị quyết 01/NQ-CP), quý III và quý IV cần đạt tăng trưởng lần lượt là 7,5% và 7,9% (cao hơn lần lượt là 1 điểm % và 0,8 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết 01/NQ-CP). Đây là kịch bản rất thách thức và một câu hỏi vẫn luôn được đặt ra, đó là có thể trông vào động lực tăng trưởng nào?

Trông chờ vào đầu tư công

Những tháng tới, nền kinh tế nước ta dù đương đầu với nhiều thách thức nhưng vẫn có điểm tích cực. Quan điểm nhất quán của Chính phủ trước tiên là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đây là yếu tố nền tảng, tạo cơ sở để triển khai các giải pháp khác nhằm phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế. Đề xuất các giải pháp khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, nhiệm vụ trước mắt là rà soát ngay tất cả chính sách, động lực tăng trưởng còn lại của nền kinh tế, lấy tăng trưởng của khu vực thuận lợi để bù đắp khu vực khó khăn. Theo đó, cần coi nông nghiệp là trụ đỡ; tập trung vào dịch vụ; đầu tư công là giải pháp then chốt. Cùng với đó, khi xuất khẩu gặp khó khăn, cần áp dụng tất cả giải pháp để khuyến khích thị trường trong nước phát triển hơn. Riêng với đầu tư công, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, Chính phủ đã lập các tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư. Lần này Bộ KH-ĐT tham mưu một cách làm rất mới là tháo gỡ khó khăn ngay từ cơ sở bằng cách lập các tổ công tác đặc biệt ở nhiều địa phương.

Phân tích các động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong 9 tháng còn lại, ADB cho rằng, Việt Nam sẽ đạt được mức tăng trưởng 6,5% GDP trong năm nay nhờ đầu tư công, chuyển hướng chính sách tiền tệ và tận dụng tốt cơ hội khi Trung Quốc mở cửa. “Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ cần phải giải ngân gần 30 tỷ USD (khoảng hơn 700.000 tỷ đồng) đầu tư công. Nếu giải ngân hết được, Việt Nam sẽ có đột phá rất mạnh và đóng góp khoảng 1% tăng trưởng GDP. Còn nếu Việt Nam không đạt được kế hoạch đề ra thì mức tăng trưởng 6,5% sẽ rất khó”, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam nhận định.

Nhìn ở góc độ khác, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để nền kinh tế vượt qua được khó khăn cần cấp bách trợ lực cho doanh nghiệp. Song thực tế cho thấy, hiện còn nhiều quy định gây vướng mắc, làm gia tăng chi phí kinh doanh một cách bất hợp lý cho doanh nghiệp; hoạt động cải cách thủ tục hành chính vẫn còn hình thức, quy định của pháp luật còn chồng chéo, thiếu tính ổn định. Từ thực tế này, trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cải cách thể chế đối với kinh tế là vấn đề tiên quyết. Quan điểm đã rõ, nhưng điều này đòi hỏi cải cách tư duy và quyết tâm thực thi rất lớn.

Bổ sung thêm các giải pháp, theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, hiện nay, hầu hết chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đã hết thời gian thực hiện hoặc hiệu quả thấp. Do đó, cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ mới như giảm thuế, phí... tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/khoi-thong-dong-luc-cho-tang-truong-kinh-te-724187