Khơi thông dòng tiền
Chưa bao giờ các 'nhà băng' thừa tiền như năm nay dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không dưới 4 lần giảm lãi suất, đồng thời tạo dư địa, thanh khoản cho các ngân hàng thương mại (NHTM) có giá vốn rẻ để có thể cho vay lãi suất thấp.
“Bắt mạch, chẩn bệnh, kê đơn” phù hợp
Câu chuyện ngân hàng thừa tiền được ngành ngân hàng “chẩn đoán” khá sớm trên cơ sở Thông tư 06/2023-NHNN quy định về hoạt động cho vay của NHTM đối với khách hàng chính thức có hiệu lực từ ngày 1/9/2023. Vietcombank là NHTM đầu tiên triển khai chính sách cho khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại NHTM khác với lãi vay ưu đãi. Tiếp đó là các “nhà băng” nằm trong nhóm “big”: BIDV, Vietinbank, Agribank và các NHTM cổ phần đều hưởng ứng.
Tuy nhiên, “chưa bao giờ công tác điều hành chính sách tiền tệ lại khó khăn như hiện nay. Toàn hệ thống ngân hàng đang phải “chữa bệnh thừa tiền”, giống như các doanh nghiệp (DN) bị tồn kho hàng hóa, các NHTM cũng đang tồn kho tiền”, lãnh đạo NHNN nhận định. Theo thông lệ, mặt bằng lãi suất đều tăng vào dịp cuối năm; nhưng năm nay thì ngược lại. Lãi suất huy động chỉ bằng nửa năm ngoái, lãi suất cho vay đã về bằng so với thời điểm dịch COVID-19, thậm chí thấp hơn, song tín dụng tăng trưởng không như kỳ vọng.
Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Vĩnh An (TP. Huế) cho rằng: Trước đây, dù lãi suất cao nhưng DN vẫn vay vì có lợi nhuận. Hiện nay, tuy lãi suất thấp nhưng DN sản xuất, kinh doanh (SXKD) gặp nhiều khó khăn, không thể bù đắp chi phí và trả lãi ngân hàng. Giám đốc Công ty Bất động sản Vimilan (Huế) phân tích: Hiện nay, DN phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động từ nhiều yếu tố cả bên ngoài lẫn bên trong nền kinh tế, nhất là những rào cản từ các điểm nghẽn của pháp luật. Hoạt động của các DN gặp nhiều khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn, nhất là các DN bất động sản.
Theo Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh - Dương Tuấn Anh, dù đã có chính sách hỗ trợ và đồng hành cùng DN, tuy nhiên áp lực biến động giá cả, khả năng tiếp cận vốn vay, gánh nặng thuế, phí đã tạo thành những thách thức lớn cho DN, nhất là các DN vừa và nhỏ (DNVVN). Các khoản thu của DN hiện nay chậm được thu hồi, hàng tồn kho lớn, chậm luân chuyển; trong khi đó, các ngân hàng gần như không chấp nhận những tài sản này làm tài sản đảm bảo. Đây chính là rào cản dẫn đến các DN khó tiếp cận nguồn vốn vay…
Tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV mới đây, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội DNVVN - Nguyễn Văn Thân nhìn nhận bối cảnh hiện nay, ngân hàng thừa tiền, DN thiếu vốn, cả hai cùng muốn đến một đích nhưng không đến được. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt, ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn cho người dân và DN. Tuy nhiên, các chính sách đó đến với người dân và DN như thế nào và hấp thụ được bao nhiêu, tháo gỡ được những gì mới là vấn đề quan trọng.
“Hầu hết DN ở Thừa Thiên Huế đều là DNVVN. Chúng tôi cũng đã tổng hợp các kiến nghị của DN trình lên cấp có thẩm quyền…” - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Dương Tuấn Anh cho hay. Theo đó, các DN kỳ vọng ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất; có giải pháp để bơm vốn vào quỹ hỗ trợ DNVVN. Đồng thời, thiết kế gói tín dụng phục vụ SXKD, trước mắt cần tập trung khơi thông các nguồn vốn từ ngân hàng thông qua việc nới lỏng các cái điều kiện cho vay vốn. “Nếu được thì nên mở rộng bảo lãnh tín dụng; giảm các điều kiện cho vay theo chuẩn Basel 3 và Basel 4 để phù hợp với các DNVVN đặc thù của chúng ta”, kế toán một DN hoạt động trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh mong muốn.
Giám đốc SHB Huế - Hà Quang Thoại lý giải: Ngân hàng cũng là một DN. Qua 2 năm dịch COVID-19 và hiện nay, ngân hàng đã đồng hành, chia sẻ cùng DN, bằng chứng là ngân hàng đã cắt giảm lợi nhuận, tiết giảm chi phí, trích lập dự phòng rủi ro… để hạ lãi suất. Ngân hàng cũng không thể hạ chuẩn tín dụng; trong khi bản thân các DNVVN quy mô nhỏ, chuẩn mực kế toán không cao, ít tài sản đảm bảo…
Ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc NHNN tỉnh thông tin: Năm 2023, NHNN Thừa Thiên Huế cùng với các NHTM trên địa bàn triển khai nhiều chương trình tín dụng hỗ trợ lãi suất cho DN; phối hợp với Sở Kế hoạch & Đầu tư, Hiệp hội DN…, tham mưu UBND tỉnh tổ chức đối thoại để lắng nghe tiếng nói từ các DN nhằm gỡ khó trong khả năng có thể. Trong khi đó, NHNN không dưới 4 lần điều chỉnh lãi suất theo xu hướng giảm cả huy động lẫn cho vay.
Hiện lãi suất cho vay bình quân khoảng 8%/năm đối với cho vay mới, lãi suất huy động tiền gửi khoảng 5%/năm. Việc giảm lãi suất phải từng bước và chắc chắn có “độ trễ” bởi có những khoản cho vay 1 - 2 năm mới thu nợ hay những khoản tiền gửi vài năm mới đáo hạn. “NHNN sẽ điều hành lãi suất hợp lý trên cơ sở đảm bảo được tỷ suất lợi nhuận bình quân, lợi nhuận của nền kinh tế, lợi nhuận hợp lý và đảm bảo an toàn cho hệ thống các tổ chức tín dụng, an toàn nền tài chính quốc gia”, ông Sỹ nói.
Dự ước đến cuối năm 2023, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt 69.000 tỷ đồng, tăng gần 15%; dư nợ tín dụng đạt 79.000 tỷ đồng, tăng khoảng hơn 6% so với cuối năm 2022. Điều đó cho thấy, nguồn vốn ngân hàng hiện rất dồi dào; trong khi đó, NHNN vừa nới “room” (hạn mức tín dụng) cho các NHTM...
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/khoi-thong-dong-tien-137591.html