Khơi thông dòng vốn chảy vào các dự án lớn

Trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, việc khơi thông nguồn vốn không chỉ là một nhu cầu cấp thiết mà còn là yếu tố then chốt để thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Còn đó những điểm nghẽn

Nguồn vốn, được coi là huyết mạch của nền kinh tế, cần phải được lưu thông một cách hiệu quả và liên tục. Tuy nhiên, thực tế lại không hề đơn giản. Doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thường xuyên gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn, trong khi ngân hàng lại thận trọng hơn bao giờ hết khi cấp tín dụng. Một phần do các yếu tố bất ổn trong nền kinh tế, một phần từ sự thiếu hụt các cơ chế tài chính minh bạch và ổn định.

Trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, việc tăng trưởng tín dụng hiện nay gặp khó khăn là do sức hút của nền kinh tế và các doanh nghiệp. Đầu tư vốn phụ thuộc vào sức hút nền kinh tế, doanh nghiệp có nhu cầu vốn chính đáng phục vụ sản xuất kinh doanh thì ngân hàng luôn sẵn sàng đáp ứng.

TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó trong sản xuất kinh doanh, nhu cầu vốn phục vụ sản xuất chững lại khiến các doanh nghiệp không thể hấp thụ vốn hiệu quả. Điều này không chỉ làm giảm khả năng tiếp cận nguồn vốn vay, mà còn ảnh hưởng đến sự ổn định của các dự án kinh doanh. Khi doanh nghiệp không có phương án sản xuất khả thi và hiệu quả, khả năng vay vốn từ các ngân hàng cũng bị hạn chế.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nghiêm Thị Thà - Tổng Thư ký Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam nhận định, khu vực doanh nghiệp vốn hấp thụ vốn tốt nhất hiện nay lại đang gặp khó khăn. Một số nguyên nhân khách quan có thể kể đến như xung đột Nga - Ukraine hay lệnh cấm vận của Mỹ khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đứt gãy chuỗi cung ứng, không có đầu ra khiến quy mô sản xuất bị thu hẹp.

Thêm vào đó, khu vực đầu tư tư nhân trước đây hấp thụ vốn mạnh nay cũng gặp khó khăn, dẫn đến nguồn vốn không khơi thông được.

Khu vực doanh nghiệp hấp thụ vốn tốt nhất hiện nay đang gặp khó khăn.

Khu vực doanh nghiệp hấp thụ vốn tốt nhất hiện nay đang gặp khó khăn.

Theo TS. Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, một trong những thách thức lớn nhất là nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc lớn vào ngân hàng. Việc "dựa dẫm" quá nhiều vào nguồn vốn tín dụng có thể gây ra nhiều rủi ro lớn khi sức khỏe của hệ thống ngành ngân hàng đang có nhiều tín hiệu báo động, chẳng hạn như rủi ro nợ xấu tăng cao.

Bên cạnh đó, tín dụng trên đầu người cao hơn rất nhiều so với GDP bình quân đầu người. "Điều này cho thấy sự thiếu liên kết giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP. Phải chăng lượng vốn tín dụng thực sự đi vào nền kinh tế không phải là con số lớn như thống kê chỉ ra?" ông Tú Anh trăn trở.

Trong khi đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp - kênh huy động vốn trung và dài hạn lại chỉ có sự tham gia chủ yếu của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản. Thiếu hụt sự đa dạng về kênh huy động vốn khiến nhiều doanh nghiệp Việt khó tiếp cận nguồn vốn.

Không chỉ doanh nghiệp nhỏ và vừa mà ngay cả các doanh nghiệp trung bình cũng gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn. Điều này cũng khiến nhiều doanh nghiệp không thể "lớn", ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mới với những kế hoạch lớn như phát triển điện hạt nhân, đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

"Nền kinh tế phát triển không thể dựa mãi vào ngân hàng"

Để đạt được những mục tiêu đề ra, theo ông Tú Anh, cần phải đẩy mạnh đầu tư và nâng cao chất lượng đầu tư bằng cách đa dạng hóa các kênh huy động vốn.

"Một nền kinh tế phát triển không thể dựa mãi vào ngân hàng. Chúng ta phải phát triển những thị trường vốn then chốt khác, trong đó có thị trường trái phiếu và chứng khoán. Khi thị trường vốn phát triển, đa dạng hóa hơn, nền kinh tế cũng sẽ có những khởi sắc mới", ông Tú nói với Đời sống và Pháp luật.

Thêm vào đó cần định hướng khai thác hoạt động PPP. Theo đó, Nhà nước sẽ tham gia vào dự án với quy mô đủ lớn để đảm bảo dòng tiền, tính an toàn. Khi dự án bắt đầu đi vào hoạt động, dòng tiền ổn định và có tiềm năng, Nhà nước hoàn toàn có thể thoái vốn, lấy vốn đó đầu tư dự án mới, góp phần giảm nhu cầu cấp bách về vốn.

Cần đa dạng hơn về thị trường vốn thay vì phụ thuộc vào ngân hàng.

Cần đa dạng hơn về thị trường vốn thay vì phụ thuộc vào ngân hàng.

Ngoài ra, để có thể huy động nguồn vốn cho các dự án lớn, ông Tú Anh khuyến nghị cần tập trung tối đa nguồn lực để hoàn thành nhanh nhất các dự án, đưa các dự án vào hoạt động, sản xuất kinh doanh để tạo tính lan tỏa, tạo cú hích lớn cho đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài có thể nhìn thấy tiềm năng đầu tư.

Còn bà Nghiêm Thị Thà cho rằng, dòng vốn ngân hàng khó đóng vai trò chủ lực trong việc tham gia vào các dự án lớn bởi các dự án lớn thường đòi hỏi dòng vốn trung và dài hạn, trong khi ngân hàng cung ứng dòng vốn ngắn hạn là chủ yếu.

Muốn có vốn trung dài hạn thì cần phát triển các kênh dẫn vốn khác trên thị trường vốn như cổ phiếu, trái phiếu, thu hút vốn FDI, vốn đầu tư tư nhân…

"Để thu hút vốn từ kênh FDI, cần có cơ chế tháo gỡ quyết liệt, thúc đẩy nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi để thu hút nhà đầu tư ngoại. Đồng thời cần cải cách thủ tục hành chính, cải thiện cơ sở hạ tầng, có cơ chế điều hành tỉ giá linh hoạt hơn để không chỉ nhà đầu tư nước ngoài mà nhà đầu tư trong nước có tiềm năng cũng sẵn sàng tham gia vào thị trường chứng khoán", bà Thà chia sẻ.

Ông Nguyễn Quốc Hùng nhìn nhận, 2025 là đánh dấu bước ngoặt, sự vươn mình trong kỷ nguyên mới, những chủ trương lớn trong định hướng của Đảng, Nhà nước.

Việc chuẩn bị tiềm lực tài chính cho các dự án lớn, dự án xanh sẽ cần sự chung tay của nhiều đơn vị. Chính vì vậy, ông bày tỏ kỳ vọng trong năm 2025 và xa hơn nữa, các ngân hàng có thể bắt tay để tiến tới đồng tài trợ các dự án có nhu cầu vốn lớn.

"Nhu cầu vốn dù có lớn đến đâu mà dự án có hiệu quả, thiết thực, phục vụ cho dân sinh xã hội, nếu một ngân hàng không đáp ứng được thì các ngân hàng có thể đồng tài trợ", ông Hùng nêu quan điểm.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, nếu phụ thuộc hoàn toàn vào vốn ngân hàng mà lại cần vốn trung dài hạn thì vừa tạo áp lực cho ngân hàng, vừa tạo khó khăn cho doanh nghiệp bởi tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của ngân hàng chỉ tối đa 30%.

Chính vì thế, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh thị trường vốn thông qua thị trường trái phiếu, chứng khoán. Cần có bước chuyển mạnh mẽ, đảm bảo minh bạch, lành mạnh hơn nữa để đảm bảo niềm tin với người dân, khách hàng, tạo động lực cho dòng vốn chảy mạnh mẽ ra thị trường.

"Trong bối cảnh hiện nay, thị trường vốn Việt Nam khá nhiều dư địa phát triển. Chính vì vậy, cần có giải pháp để đưa 2 thị trường trên phát triển, làm cho tiền của người dân không chạy vào đầu cơ mà trở thành kênh huy động vốn cho Chính phủ, doanh nghiệp, đưa tiền vào sản xuất kinh doanh", TS. Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương.

Nguyễn Thị Thu Hương

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/khoi-thong-dong-von-chay-vao-cac-du-an-lon-204250121113533321.htm