Khơi thông dòng vốn, thúc đẩy sự phát triển bền vững

Thảo luận tại Hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2023 và dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024 tại phiên họp chiều nay, 31.10, nhiều ĐBQH cho rằng, việc khơi thông nguồn vốn, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn là nhiệm vụ cấp thiết. Bởi, điều này không chỉ giúp nền kinh tế phục hồi một cách nhanh chóng mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững trong tương lai.

Doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn

Theo đánh giá của các ĐBQH về thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023, cử tri, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận Quốc hội, Chính phủ đã và đang thực hiện nhiều các biện pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ tháo khó khăn cho doanh nghiệp.

Cụ thể đã liên tục 4 lần giảm mức lãi suất điều hành, tăng cường khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp, thúc đẩy tín dụng tiêu dùng. Tiếp tục triển khai các chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm phí, lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước; giảm thuế giá trị gia tăng, giảm tiền thuê đất, xử lý, tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập của thị trường, nhất là thị trường trái phiếu, bất động sản… Qua đó, giúp cho doanh nghiệp, người dân giảm bớt được khó khăn và phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Bắc Giang) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Bắc Giang) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Tuy nhiên, ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) thẳng thắn chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, thì doanh nghiệp cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng, một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng và số doanh nghiệp giải thể, phá sản cũng tăng…

Còn ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam) cho rằng, với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, khoản thu của doanh nghiệp chậm được thu hồi, hàng tồn kho lớn chậm luân chuyển. Trong khi đó, các ngân hàng hầu như không chấp nhận những tài sản này để làm tài sản bảo đảm là rào cản rất lớn để các doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn vay. Bên cạnh đó, giá cả thị trường thường xuyên biến động và tăng cao, nhất là giá cả vật liệu xây dựng, nhân công. Trong khi nhiều đơn giá của nhà nước chậm thay đổi và còn quá thấp, các doanh nghiệp xây dựng gặp rất là nhiều khó khăn phải thi công cầm chừng, chấp nhận chịu phạt chậm tiến độ còn hơn là để thua lỗ vì giá cả tăng cao…

Đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước (Quảng Nam) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước (Quảng Nam) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Theo nhiều ý kiến ĐBQH, điều này có thể dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc hoạt động cầm chừng. Do đó, việc khơi thông nguồn vốn và tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận vốn là nhiệm vụ cấp thiết ở thời điểm hiện tại.

Tạo điều kiện để các doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn

Đại biểu Dương Văn Phước đề nghị, các ngân hàng thương mại cần sớm hạ các tiêu chuẩn về đánh giá lai lịch, lịch sử trả nợ của khách hàng và doanh nghiệp; giãn nợ, cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm phí thông qua trả nợ chậm tín dụng. Giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 để có thể thêm thời gian phục hồi trả nợ và khắc phục nợ xấu; ban hành các cái gói tín dụng, tính chất phù hợp với mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thuế, lắng nghe, chia sẻ các giải pháp giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến vấn đề thuế; nghiên cứu các chính sách thuế phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và vừa; xem xét điều kiện để có các chính sách giảm, giảm thuế phù hợp… Bởi điều này không chỉ giúp nền kinh tế phục hồi một cách nhanh chóng mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững trong tương lai, đại biểu Dương Văn Phước nói.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Ở khía cạnh khác, với khoảng 25.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế tạo ở nước ta, ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) đề nghị, Quốc hội, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách để đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, nhất là chính sách để đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp cơ khí.

Cụ thể, cần chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhỏ và vừa đẩy mạnh đầu tư công nghệ, thiết bị tiên tiến, lựa chọn phụ tùng, linh kiện mà các doanh nghiệp trong nước có thể sản xuất được, tăng cường sự kết nối giữa các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước với nhau. Có cơ chế để các nhà đầu tư, các nhà thầu ưu tiên sử dụng sản phẩm cơ khí ở trong nước sản xuất được hoặc đặt hàng để các doanh nghiệp trong nước tự sản xuất để hạn chế phải nhập khẩu. Có chính sách cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí trong nước, như hỗ trợ đào tạo hệ thống quản trị sản xuất, hệ thống quản lý kinh doanh, từ đó giúp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước nâng cao năng lực, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, có đủ năng lực đảm nhận được vai trò mắt xích trong chuổi sản xuất - cung ứng toàn cầu.

T. Thành

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/khoi-thong-dong-von-thuc-day-su-phat-trien-ben-vung-i348227/