Khơi thông nguồn lực cho tăng trưởng

Tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2020

(HNM) - Đầu Xuân Canh Tý 2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có những chia sẻ về một số định hướng, giải pháp khơi thông nguồn lực, duy trì phát triển kinh tế trong năm 2020.

Các bộ, ngành tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, từ đó khơi thông nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Nhật Nam

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ:

Thực thi tốt hơn 3 đột phá chiến lược

Năm 2019, bất chấp những biến động bất thường của kinh tế thế giới, sự suy giảm của đầu tư và thương mại toàn cầu, nền kinh tế nước ta vẫn phát triển rất ấn tượng, năm thứ 3 liên tiếp hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu phát triển về kinh tế - xã hội, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Đặc biệt ấn tượng là tăng trưởng GDP năm 2019 đạt 7,02%, đưa Việt Nam là một trong những nước có tăng trưởng cao nhất của khu vực cũng như trên thế giới.

Ấn tượng nữa là tốc độ tăng trưởng cao nhưng lạm phát rất thấp, chỉ 2,73%. Tốc độ tăng trưởng năm 2019 gấp 2,5 lần chỉ tiêu lạm phát, cho thấy hiệu quả của nền kinh tế, giúp thu nhập thực tế, tích lũy của cả người dân, doanh nghiệp, Nhà nước tăng lên.

Để đạt được kết quả trên, có hai vấn đề lớn mà các nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Quốc hội cũng như trong điều hành của Chính phủ luôn luôn nhấn mạnh. Thứ nhất, coi ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu và nhiệm vụ hàng đầu. Thứ hai, phải khơi thông mọi động lực cho tăng trưởng.

Tăng trưởng cao là một trong các điều kiện để ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng ổn định vĩ mô cũng là một vấn đề rất quan trọng để tạo điều kiện cho đất nước phát triển nhanh theo hướng bền vững; và bên cạnh kinh tế là chăm lo các vấn đề xã hội.

Ngoài cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, xây dựng một Chính phủ kiến tạo cho phát triển..., vấn đề quan trọng nhất hiện nay là đã khơi dậy được ý thức trách nhiệm, tinh thần tự lực, tự cường, khát vọng của người dân Việt Nam vươn lên để thoát nghèo, vì một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng. Điều đó tạo nên sức mạnh rất lớn. Thực tế, thành công được như ngày nay chính là bởi sự nghiệp đổi mới được nhân dân đồng tình ủng hộ và thành tựu của đổi mới người dân được thụ hưởng, kể cả về vật chất và tinh thần.

Về định hướng phát triển, năm 2019, GDP bình quân đầu người của nước ta đã đạt gần 2.800 USD/người, gấp 1,32 lần năm 2015. Dự kiến đến năm 2020, con số này sẽ vượt 3.000 USD, đạt mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2011-2020 đề ra.

Trong việc hoạch định chiến lược cho 10 năm tới, với mốc kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, đến năm 2030, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập ở nhóm nước trung bình cao trên thế giới, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 8.000-9.000 USD.

Đến năm 2045, với dấu mốc 100 năm thành lập nước, Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp, phát triển hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa và có mức thu nhập cao trên thế giới.

Để đưa giấc mơ Việt Nam thịnh vượng, hùng cường thành hiện thực, phải thực thi tốt hơn 3 đột phá chiến lược về thể chế phát triển kinh tế, kết cấu hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời, phải nhấn mạnh hai yếu tố - coi như những mũi đột phá trong thời gian tới, đó là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát huy giá trị văn hóa, tinh thần, khơi dậy được ý chí khát vọng tự hào của con người Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh:

Đồng hành, lắng nghe doanh nghiệp

Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã chính thức cán mốc 500 tỷ USD trong tháng 12-2019 là con số rất ấn tượng, cho thấy sự tăng trưởng và phát triển bền vững của thương mại quốc tế trong cơ cấu kinh tế Việt Nam.

Nhìn lại năm 2011, thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2471/QĐ-TTg (ngày 28-12-2011) phê chuẩn Chiến lược xuất - nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của nước ta mới vừa vượt qua mốc 200 tỷ USD; trong đó nhập siêu gần 10 tỷ USD, chiếm hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu. Chiến lược đề ra 7 nhóm giải pháp cần thực hiện và đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 11-12%/năm, nhập khẩu là 10-11%/năm và giảm dần thâm hụt thương mại, tiến tới cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020.

Theo thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), năm 2018 Việt Nam vươn lên thứ 26 trên thế giới về quy mô xuất khẩu và thứ 23 thế giới về quy mô nhập khẩu. Nếu xét về tăng trưởng cả giai đoạn lên đến 13%, Việt Nam thuộc tốp đầu thế giới duy trì tăng trưởng cao, bền vững.

Năm 2020, dự kiến Việt Nam sẽ tiếp tục khai thác sâu thêm lợi ích từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cũng như các hiệp định thương mại tự do khác. Đây là động lực mới cho xuất khẩu của Việt Nam.

Để tiếp tục khai thác tốt cơ hội này, không chỉ riêng Bộ Công Thương mà còn cần sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ trên tất cả các phương diện, sự phối hợp tốt hơn nữa giữa các bộ, ngành, địa phương trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và không thể thiếu nỗ lực, tinh thần đổi mới sáng tạo, tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp.

Bộ Công Thương sẽ luôn đồng hành và lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp để cùng tháo gỡ những khó khăn về chính sách, phát triển thị trường xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng:

Ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Năm 2019 là năm thứ 3 tiếp tục hoàn thành vượt mức toàn diện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó có các chỉ tiêu về tài chính - ngân sách. Đặc biệt, đây là năm thứ 4 liên tiếp thu ngân sách nhà nước vượt dự toán, tốc độ tăng thu ngân sách cao hơn tăng trưởng kinh tế; là năm thứ hai, trong bối cảnh nhiều nguồn thu sụt giảm, thu ngân sách Trung ương vẫn đạt và vượt dự toán, tạo ra nguồn lực quan trọng cho phát triển.

Ở chiều ngược lại, chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm; bội chi được kiểm soát trong phạm vi Quốc hội quyết định. Nợ công được quản lý chặt chẽ, cơ cấu lại danh mục theo hướng bền vững. Các chỉ tiêu nợ công nằm trong giới hạn an toàn được Quốc hội cho phép.

Năm 2020, dự toán thu ngân sách nhà nước là 1.512,3 nghìn tỷ đồng. Để đạt mục tiêu đề ra, Bộ Tài chính ưu tiên các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển, cạnh tranh bình đẳng, từ đó khơi thông nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững, tạo nguồn thu ngân sách ổn định, vững chắc.

Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, ưu đãi về đất đai, tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực hoạt động, đặc biệt các lĩnh vực thuế, hải quan, Kho bạc Nhà nước, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về lâu dài, Bộ Tài chính tiếp tục từng bước cơ cấu lại thu - chi ngân sách nhà nước, tăng tỷ trọng chi đầu tư hợp lý, giảm chi thường xuyên gắn với đổi mới mạnh mẽ khu vực sự nghiệp công...

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/956578/khoi-thong-nguon-luc-cho-tang-truong