Khơi thông nguồn lực để Đông Nam Bộ bứt phá
Sau Đại thắng mùa Xuân 1975, vùng Đông Nam Bộ giàu truyền thống cách mạng đã chuyển mình mạnh mẽ, trở thành vùng kinh tế trọng điểm, có đóng góp lớn trong sự phát triển của cả nước.
Nơi đây đã hình thành nên những dấu mốc tiên phong, đột phá trên mặt trận kinh tế, thiết lập những mô hình, thiết chế kinh tế năng động, vững chắc. Dấu mốc bản lề năm 2025 và sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc đã được Đảng bộ, chính quyền các địa phương vùng Đông Nam Bộ phát động, khơi thông mọi nguồn lực trong tăng trưởng kinh tế.
Bứt phá mục tiêu tăng trưởng
Trong quý I-2025, tại tỉnh Bình Dương, một thủ phủ công nghiệp mới vùng Đông Nam Bộ diễn ra nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, hội nghị, hội thảo sôi nổi bàn giải pháp thúc đẩy tăng trưởng. Năm 2025, Bình Dương đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) từ 10% trở lên, riêng ngành công nghiệp tăng trưởng trên 12%, quy mô nền kinh tế của tỉnh ước đạt hơn 572.442 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người đạt hơn 195 triệu đồng/người. Đồng chí Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương chia sẻ: "Không chỉ có bề dày truyền thống lịch sử hào hùng, Bình Dương còn có nhiều lợi thế về bài học, kinh nghiệm, tư duy sáng tạo tiêu biểu trong quá trình gần 40 năm đổi mới, đã tạo lập được cơ sở hạ tầng công nghiệp, thương hiệu điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước, tăng trưởng duy trì ở mức cao những năm qua. Với mục tiêu đạt mức tăng trưởng kinh tế hai con số trong năm 2025, tỉnh nhận diện được thách thức và thể hiện khát vọng vươn lên mạnh mẽ, quyết tâm đưa Bình Dương tiếp tục bứt phá, khẳng định vị thế là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước".
Cũng như Bình Dương, các địa phương thuộc vùng Đông Nam Bộ như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu với nhiều lợi thế, tiềm năng, sự năng động đã tạo nên những thế mạnh đặc sắc riêng về phát triển kinh tế-xã hội. TP Hồ Chí Minh có thế mạnh tiên phong về đầu tàu kinh tế, chuyên sâu phát triển công nghệ cao, du lịch, đầu mối xuất-nhập khẩu. Bà Rịa-Vũng Tàu gắn với thế mạnh cảng biển, dịch vụ logistics, khai thác, dịch vụ dầu khí, du lịch. Đồng Nai tạo dấu ấn là thủ phủ công nghiệp truyền thống đa ngành. Bình Phước dẫn đầu về phát triển, chế biến, xuất khẩu các cây công nghiệp như điều, cao su, tiêu... và đang là điểm đến mới nổi của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong những năm gần đây.
Trước những đặc trưng ấy, trong giai đoạn mới, hướng đến mục tiêu chung của Chính phủ, các tỉnh vùng Đông Nam Bộ đã đề ra mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2025, từ 8 đến 10%, trong đó 10% trở lên có các địa phương: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh. Các năm tiếp theo trong kỷ nguyên mới sẽ quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số. TP Hồ Chí Minh với vị thế đầu tàu kinh tế của vùng và cả nước cũng đã thể hiện ở mục tiêu tăng trưởng cao hơn chỉ tiêu Chính phủ giao. Theo Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5-2-2025 của Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, TP Hồ Chí Minh được Chính phủ giao mục tiêu tăng trưởng 8,5% GRDP. Nhưng thành phố đã đề ra và quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng hơn 10% GRDP.
Giải pháp sáng tạo, khơi thông động lực mới
Tăng trưởng GRDP của các địa phương vùng Đông Nam Bộ có ý nghĩa, tác động lớn đến tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước, tổng thu ngân sách nhà nước toàn vùng chiếm khoảng 42,2% tổng thu cả nước năm 2024. Trong 5 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước năm 2024 thì Đông Nam Bộ có 3 địa phương là TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương. Riêng TP Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước với GRDP năm 2024 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 1,17 triệu tỷ đồng, tăng 7,17%, tương đương 1,78 triệu tỷ đồng theo giá hiện hành; thu ngân sách hơn 508.000 tỷ đồng, đóng góp 27% vào ngân sách cả nước. Trong quý I-2025, thành phố đạt tăng trưởng GRDP 7,51% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2020, tạo tiền đề tích cực cho tăng trưởng các quý tiếp theo trong năm 2025. Nhiều chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định, với quy mô nền kinh tế lớn, đầu tàu, TP Hồ Chí Minh chỉ cần tăng trưởng 1% thì giá trị gấp nhiều lần so với tăng trưởng của nhiều tỉnh, thành phố gộp lại.
Tỉnh Bình Dương trong quý I-2025 cũng đã ghi nhận dấu ấn đột phá khi đạt mức tăng trưởng GRDP 7,5%, thu hút FDI tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2024 với giá trị 630 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài và thu hút 31.000 tỷ đồng vốn đăng ký trong nước (tăng 18,3%). Các khu công nghiệp thu hút 588 triệu USD vốn FDI, tăng 32% so với cùng kỳ. Tỉnh phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP 14% trong quý II-2025. Tỉnh Đồng Nai trong quý I-2025 đạt tăng GRDP tích cực với chỉ số 6,84%. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ 19, khóa XI, đồng chí Vũ Hồng Văn, Bí thư Tỉnh ủy đã nhấn mạnh, Đảng bộ và UBND tỉnh tập trung bàn giải pháp, quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP 10% trong năm 2025. Nhiều sở, ngành, địa phương làm việc sáng tạo, thi đua, năng động, làm việc cả ngày nghỉ, ngày lễ để thúc đẩy tiến độ công việc, cụ thể hóa các giải pháp và quyết tâm chính trị để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng.
Để thực hiện mục tiêu đề ra, từ đầu năm 2025, TP Hồ Chí Minh đã có hàng loạt biện pháp, giải pháp quyết liệt trong xây dựng các kế hoạch, đề án, đặc biệt là kế hoạch huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2025, kế hoạch tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư và công tác điều hành... Đặc biệt là huy động nguồn lực, động lực cho các dự án hạ tầng, giao thông, khơi thông, khai thác các động lực, nguồn lực mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế đêm, phát triển du lịch đặc sắc đô thị sông nước, công nghiệp văn hóa...
Đề án huy động nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng trên địa bàn gắn với mục tiêu huy động nguồn lực đầu tư toàn xã hội vừa được UBND thành phố ban hành đã đề ra mục tiêu năm 2025 huy động đạt thấp nhất 600.000 tỷ đồng, phấn đấu đạt 620.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông; hoàn thành xây dựng các tuyến quốc lộ và hệ thống đường kết nối nội vùng, liên vùng theo quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm quốc gia như vành đai 3, vành đai 4, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ...
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, tăng trưởng kinh tế của TP Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận, trong vùng Đông Nam Bộ muốn bứt phá, tăng trưởng đạt hai con số thì bên cạnh đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn thì không thể không chú trọng phát triển thị trường bất động sản, vì lĩnh vực này đóng góp lớn vào nguồn thu, tăng trưởng kinh tế, có liên quan đến chuỗi cung ứng, sản xuất, kinh doanh của hàng trăm ngành nghề, dịch vụ. Do đó, các địa phương cần sát sao, đồng hành, có chính sách để tháo gỡ những điểm nghẽn bất động sản, hạ tầng, hỗ trợ để các doanh nghiệp bất động sản và doanh nghiệp liên quan đến ngành này phát triển.
Tại Hội nghị lần thứ 5 của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ với chủ đề “Tăng trưởng kinh tế hai con số vùng Đông Nam Bộ năm 2025: Thách thức, cơ hội và giải pháp” được tổ chức mới đây, nhiều đại biểu đã cùng quan điểm với giải pháp cần đầu tư đột phá, tạo nhiều nguồn lực để hoàn thành hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng, nội vùng, cảng biển quốc tế... Vì giải pháp này giúp phát huy tối đa hiệu quả đầu tư các tuyến đường cao tốc, vành đai, tạo kết nối thông suốt giữa các địa phương vùng Đông Nam Bộ với TP Hồ Chí Minh và hệ thống cảng biển, sân bay quốc tế. Việc đẩy nhanh các dự án hạ tầng giao thông cũng giúp nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công, phục hồi, phát triển bất động sản, đưa các chuỗi cung ứng dễ dàng gắn kết thuận lợi, tăng lợi thế cạnh tranh, giá trị kinh tế của sản phẩm, dịch vụ, đặc biệt là tăng trưởng xuất khẩu trong giai đoạn phát triển mới, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025 của Chính phủ.
Quyết tâm chính trị và sức bật tăng trưởng của các tỉnh Đông Nam Bộ trong quý I-2025 và những mục tiêu đột phá tăng trưởng cho thấy vùng đất này đang bước vào một chu kỳ phát triển mới mạnh mẽ, bứt phá cùng cả nước. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây đang viết tiếp truyền thống; năng động, sáng tạo trong đổi mới tư duy; tiên phong xây dựng các mô hình trở thành hình mẫu tiêu biểu, nhân rộng trong cả nước việc huy động, khơi thông nguồn lực phát triển, coi đó là sự tiếp nối hào khí cách mạng trong phát triển kinh tế-xã hội, góp phần cùng cả nước thực hiện mục tiêu phát triển hướng đến phồn vinh, văn minh, hiện đại, hội nhập mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.
Tuyến giao thông đường bộ, đường sắt đô thị metro số 1 hoàn thiện đã tạo động lực tăng trưởng cho TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ.