Khơi thông nguồn lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Theo báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương, Vùng Đông Nam bộ và TP. Hồ Chí Minh đóng góp khoảng 40% GDP và chiếm 50% tổng thu ngân sách nhà nước, GRDP bình quân đầu người của vùng gấp 1,64 lần cả nước; tỷ lệ đô thị hóa là 66,5%, bằng 1,8 lần trung bình cả nước…

hệ thống hạ tầng giao thông tại vùng Đông Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng quá tải

hệ thống hạ tầng giao thông tại vùng Đông Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng quá tải

Đây không chỉ là khu vực kinh tế trọng điểm mà còn đóng vai trò là “đầu tàu” thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư nhờ vị trí địa lý thuận lợi và hạ tầng kết nối quốc tế.

Tuy nhiên, khu vực này đang đối mặt với nhiều thách thức lớn như quá tải hạ tầng giao thông và đô thị, do tốc độ phát triển dân số và kinh tế quá nhanh. Thiếu sự liên kết vùng đồng bộ, làm giảm hiệu quả các dự án phát triển chung. Ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng ngập lụt và suy giảm chất lượng sống. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, trong khi hệ thống giáo dục còn hạn chế…

Hiện nay, hệ thống hạ tầng giao thông tại vùng Đông Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng quá tải, thiếu kết nối đồng bộ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế - xã hội. Chậm tiến độ các dự án trọng điểm: Các tuyến giao thông huyết mạch như Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và Biên Hòa - Vũng Tàu đều gặp khó khăn trong quá trình triển khai. Nguyên nhân chính là thiếu vốn đầu tư, giải phóng mặt bằng chậm và các thủ tục phê duyệt kéo dài. Việc chậm tiến độ đã khiến khả năng kết nối vùng suy giảm, tăng chi phí vận tải và hạn chế cơ hội phát triển kinh tế.

Đặc biệt, hệ thống logistics còn nhiều hạn chế, mặc dù vùng Đông Nam bộ có vị trí chiến lược và lợi thế cảng biển lớn, nhưng các trung tâm logistics quy mô lớn và hạ tầng hỗ trợ như kho bãi, cảng cạn (ICD) còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Điều này làm tăng chi phí lưu thông hàng hóa, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Những hạn chế này đã cản trở giao thương, gia tăng chi phí logistics và làm suy giảm sức cạnh tranh của khu vực trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng đến khả năng kết nối giữa các địa phương, từ đó làm giảm hiệu quả của các hoạt động kinh tế.

Dù là khu vực kinh tế năng động nhất cả nước, vùng Đông Nam bộ và TP. Hồ Chí Minh vẫn đối mặt với nhiều bất cập trong cải thiện môi trường kinh doanh. Thực tế, Thành phố và các địa phương trong vùng đóng góp phần lớn ngân sách quốc gia, nhưng tỷ lệ ngân sách được giữ lại còn rất thấp. Từ năm 2000 đến nay, tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP. Hồ Chí Minh có xu hướng giảm đáng kể. Tỉ lệ này giảm từ 33% năm 2000 xuống còn 23% trong giai đoạn 2011-2016, giảm xuống 18% giai đoạn 2017-2021. Đến giai đoạn 2022-2025, tỉ lệ này tăng lên 21% sau nhiều nỗ lực đề xuất của Thành phố. Điều này hạn chế khả năng tái đầu tư vào các dự án hạ tầng, dịch vụ công và phát triển kinh tế bền vững.

Theo ThS. Vũ Thị Thu Hương, Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, cần có cơ chế và chính sách khơi thông nguồn lực phát triển vùng Đông Nam bộ và TP. Hồ Chí Minh, nhất là cơ chế tài chính đặc thù và thu hút đầu tư. Nhất là cần tăng tỷ lệ ngân sách giữ lại cho TP. Hồ Chí Minh và các địa phương trọng điểm. Trong bối cảnh Đông Nam bộ và TP. Hồ Chí Minh đóng góp hơn 50% tổng thu ngân sách quốc gia, việc tăng tỷ lệ ngân sách giữ lại là điều cấp thiết để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển của khu vực. Tăng tỷ lệ ngân sách giữ lại cho TP. Hồ Chí Minh lên để đảm bảo nguồn vốn tái đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm như hạ tầng giao thông: Đẩy nhanh tiến độ các dự án như Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Dịch vụ công, xây dựng hệ thống bệnh viện, trường học hiện đại nhằm nâng cao chất lượng y tế và giáo dục. Phát triển đô thị thông minh, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị, đảm bảo môi trường sống hiện đại và bền vững.

“Có thể cho phép chính quyền TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để thu hút nguồn vốn dài hạn từ thị trường trong và ngoài nước. Số vốn huy động sẽ ưu tiên đầu tư vào các dự án có khả năng tạo lợi ích kinh tế - xã hội lớn, như hạ tầng giao thông, xử lý nước thải và phát triển đô thị bền vững. Thành lập Quỹ đầu tư phát triển vùng Đông Nam Bộ từ nguồn quỹ được huy động từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn tư nhân và các khoản vay ưu đãi từ tổ chức tài chính quốc tế (ADB, WB)”, Ths. Hương cho biết.

Quỹ sẽ tập trung đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng công nghệ cao và logistics. Phát triển năng lượng tái tạo và kinh tế xanh. Cải tạo đô thị và nhà ở xã hội. Việc tăng tỷ lệ ngân sách và linh hoạt hóa huy động vốn sẽ tạo nền tảng tài chính vững chắc, giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển trọng điểm và nâng cao chất lượng cuộc sống trong khu vực, đồng thời củng cố vị thế kinh tế của Đông Nam bộ trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Để làm được điều này, chuyên gia kinh tế TS. Trần Du lịch cho rằng, cần triển khai đồng bộ các giải pháp đột phá. Trước hết, việc thực hiện chính sách tài chính đặc thù là cần thiết, bao gồm việc tăng tỷ lệ ngân sách giữ lại cho các địa phương và huy động linh hoạt nguồn vốn từ khu vực công để đầu tư vào phát triển. Phát triển hạ tầng giao thông và đô thị thông minh thông qua việc hoàn thiện các dự án liên kết vùng và xây dựng hạ tầng số hiện đại sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng cách đổi mới chương trình đào tạo, thu hút và giữ chân nhân tài phục vụ cho nền kinh tế công nghệ cao là yếu tố then chốt cho quá trình này. Bên cạnh đó, thúc đẩy đối mới sáng tạo và kinh tế số thông qua việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ và đẩy mạnh chuyển đối số trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Thanh Tuyết

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/khoi-thong-nguon-luc-phat-trien-vung-kinh-te-trong-diem-phia-nam-160441.html