Khơi thông nguồn lực tạo đà tăng trưởng hai con số

Bộ Tài chính đã chủ trì soạn thảo 3 dự thảo Nghị định gồm: Nghị định Quy định một số nội dung về quản lý và đầu tư vốn nhà nước và doanh nghiệp; Nghị định Quy định về giám sát, kiểm tra, đánh giá, xếp loại, báo cáo và công khai thông tin trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Nghị định về Cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Ngày 14/6/2025, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Luật số 68/2025/QH15). Luật được thông qua với tinh thần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông tối đa các nguồn lực hiện có trong doanh nghiệp nhà nước, phục vụ mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025, tạo đà tăng trưởng hai con số trong các năm tiếp theo.

Để triển khai thực hiện Luật số 68/2025/QH15, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2025, Bộ Tài chính đã báo cáo lãnh đạo Chính phủ danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành Luật gồm 5 Nghị định của Chính phủ; trong đó, có 2 Nghị định do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo; 3 Nghị định do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo.

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo 3 dự thảo Nghị định gồm: Nghị định Quy định một số nội dung về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Nghị định Quy định về giám sát, kiểm tra, đánh giá, xếp loại, báo cáo và công khai thông tin trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Nghị định về Cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Ngày 9/7/2025, tại Phú Thọ, Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo lấy ý kiến của các Bộ, ngành, Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước, các tổ chức tín dụng và các cơ quan liên quan đối với 3 Dự thảo Nghị định trên.

Các Dự thảo Nghị định được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp tại các Nghị định hiện hành, có rà soát, điều chỉnh, bổ sung các nội dung phù hợp với tinh thần Luật số 68/2025/QH15 và thực tiễn khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trong thời gian vừa qua.

Quy định quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Cụ thể, về Dự thảo Nghị định quy định một số nội dung về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, với 6 chương và 36 Điều, Dự thảo Nghị định đã quy định cụ thể các nội dung về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp.

Ông Đặng Thái Quý - Trưởng phòng Nghiệp vụ 5 (Cục Phát triển doanh nghiệp Nhà nước) trình bày Dự thảo Nghị định quy định một số nội dung về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Ông Đặng Thái Quý - Trưởng phòng Nghiệp vụ 5 (Cục Phát triển doanh nghiệp Nhà nước) trình bày Dự thảo Nghị định quy định một số nội dung về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Trong đó, phạm vi đầu tư vốn nhà nước gồm thành lập doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; bổ sung vốn tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên có vốn nhà nước; góp vốn thành lập công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên; góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại doanh nghiệp chưa có vốn nhà nước.

Bên cạnh đó, đối với thẩm quyền quyết định đầu tư, Nghị định quy định rõ đối với nguồn từ ngân sách nhà nước; nguồn tài sản công; nguồn Quỹ đầu tư phát triển; nguồn lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các Quỹ, cổ tức được chia bằng cổ phiếu, lợi nhuận sau thuế để lại để tăng vốn, nguồn thặng dư vốn cổ phần; nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định.

Trong đó, việc sử dụng các nguồn nội tại của doanh nghiệp được phân cấp mạnh cho Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đơn giản hóa thủ tục trong quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư vốn.

Về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ, bao gồm các nội dung như: Chiến lược phát triển, kế hoạch kinh doanh hằng năm, việc xác định lại vốn điều lệ, huy động vốn, cho vay vốn, đầu tư, bán tài sản cố định của doanh nghiệp, bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp, chuyển nhượng vốn đầu tư của doanh nghiệp, chuyển nhượng dự án đầu tư; phân phối lợi nhuận sau thuế, việc cơ cấu lại vốn của doanh nghiệp.

Nhiều quy định mới trong gíam sát, kiểm tra, đánh giá, xếp loại trong quản lý và đầu tư vốn

Tại Dự thảo Nghị định Quy định về giám sát, kiểm tra, đánh giá, xếp loại, báo cáo và công khai thông tin trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp nhà nước cho biết, Nghị định gồm 6 chương và 50 điều, với nhiều quy định mới, góp phần khắc phục những hạn chế trong công tác giám sát, kiểm tra, đánh giá xếp loại doanh nghiệp.

Theo Cục Phát triển doanh nghiệp nhà nước, việc giám sát, kiểm tra được thực hiện theo 3 cấp: Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu và giám sát nội bộ của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hoàng - Trưởng phòng Nghiệp vụ 2 (Cục Phát triển doanh nghiệp Nhà nước) trình bày Dự thảo Nghị định Quy định về giám sát, kiểm tra, đánh giá, xếp loại, báo cáo và công khai thông tin trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hoàng - Trưởng phòng Nghiệp vụ 2 (Cục Phát triển doanh nghiệp Nhà nước) trình bày Dự thảo Nghị định Quy định về giám sát, kiểm tra, đánh giá, xếp loại, báo cáo và công khai thông tin trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Trong đó, Bộ Tài chính chủ trì giám sát, kiểm tra ba nội dung, đó là: Đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Còn các Bộ, cơ quan ngang Bộ chủ trì giám sát, kiểm tra công tác quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đơn cử, Bộ Tư pháp kiểm tra, giám sát việc ban hành chính sách pháp luật; Bộ Nội vụ về việc tuyển dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại.

Liên quan đến công tác giám sát, kiểm tra của cơ quan đại diện, các dấu hiệu mất an toàn tài chính tiếp tục được kế thừa từ Nghị định số 87/2015/NĐ-CP. Đồng thời, bổ sung thêm 2 dấu hiệu xem xét, xác định khả năng mất an toàn tài chính đối với doanh nghiệp sau giai đoạn lỗ kế hoạch, bao gồm: Lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh âm liên tiếp 2 năm trở lên; Ý kiến kiểm toán về vấn đề ảnh hưởng trọng yếu tới hoạt động của doanh nghiệp, khả năng hoạt động liên tục.

Đối với giao chỉ tiêu, đánh giá, xếp loại đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, bên cạnh các chỉ tiêu như Tổng doanh thu, sản lượng; lợi nhuận sau thuế; tỷ suất lợi nhuận; nợ phải trả; thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, Dự thảo Nghị định bổ sung mới chỉ tiêu thực hiện hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước.

Đồng thời, đánh giá kết quả hoạt động của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ theo hướng các chỉ tiêu đánh giá có thể định lượng; bảo đảm tính khả thi trong việc giao kế hoạch và đánh giá; nâng cao trách nhiệm của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, người đại diện phần vốn nhà nước trong việc bám sát tình hình sản xuất kinh doanh, dự báo xu hướng phát triển và biến động thị trường.

Việc đánh giá người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, người đại diện phần vốn nhà nước, kiểm soát viên được quy định theo 4 mức: Hoàn thành xuất sắc; hoàn thành tốt; hoàn thành và không hoàn thành.

Cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp

Dự thảo Nghị định về Cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp gồm 8 chương, 100 điều và 3 phụ lục. Dự thảo Nghị định thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới, cơ cấu lại và phát triển doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước; khắc phục những tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn thời gian vừa qua và quy định chi tiết các nội dung giao Chính phủ tại Chương IV Luật số 68/2025/QH15.

Ông Phạm Hải An - Trưởng phòng Sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp Nhà nước (Cục Phát triển doanh nghiệp Nhà nước) trình bày Nghị định về Cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Ông Phạm Hải An - Trưởng phòng Sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp Nhà nước (Cục Phát triển doanh nghiệp Nhà nước) trình bày Nghị định về Cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Theo đó, Nghị định kế thừa quy định còn phù hợp về cổ phần hóa doanh nghiệp; sửa đổi, bổ sung một số nội dung về phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa, việc yêu cầu các doanh nghiệp cổ phần hóa phải thực hiện đăng ký giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán để phù hợp với quy định về quản lý, sử dụng tài sản công, quy định của Luật chứng khoán…

Cơ bản kế thừa các quy định hiện hành về chuyển đổi doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty TNHH hai thành viên trở lên, về: Chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên; Chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể doanh nghiệp.

Đồng thời, hướng dẫn cụ thể về giải thể công ty nông, lâm nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều theo các quy định về xử lý tài chính như các doanh nghiệp khác, sau đó mới xác định các khoản kinh phí còn thiếu đề nghị ngân sách nhà nước hỗ trợ; bổ sung quy định xác định giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất thuê hàng năm trong giá khởi điểm…

Bổ sung quy định về chuyển giao dự án đầu tư, vốn, tài sản giữa các doanh nghiệp; chuyển giao các quyền: mua cổ phần, ưu tiên mua cổ phần, mua phần vốn góp để làm cơ sở thực hiện.

Nêu khó khăn trong việc phê duyệt phương án sử dụng đất trong thời gian qua cũng như vướng mắc về thời gian, gây chậm tiến trình cổ phần hóa, đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp nhà nước cho biết, để gỡ vướng cổ phần hóa, dự thảo sửa đổi đưa ra một số điều chỉnh quan trọng. Cụ thể, công tác cổ phần hóa sẽ không còn gắn với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp. Sau khi doanh nghiệp chuyển đổi thành công ty cổ phần, việc quản lý và sử dụng đất sẽ tuân thủ theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành.

Dự thảo cũng đề xuất bỏ quy định yêu cầu phương án sử dụng đất phải được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt và lấy ý kiến Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố. Thay vào đó, doanh nghiệp sẽ tự xây dựng phương án sử dụng nhà, đất sau khi chuyển đổi, trên cơ sở không gắn với mục đích sử dụng đất.

Bích Hà

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/khoi-thong-nguon-luc-tao-da-tang-truong-hai-con-so.html?source=cat-178