Khơi thông nguồn lực vùng Việt Bắc

Vùng Việt Bắc bao gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Thái Nguyên. Đây là các tỉnh có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đặc biệt, vùng Việt Bắc có truyền thống cách mạng, trở thành ATK đặc biệt trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhưng trong thời kỳ đổi mới, vùng Việt Bắc vẫn còn nhiều khó khăn nên các nguồn lực về lao động, nông nghiệp, du lịch, xuất nhập khẩu… cần nhanh chóng được khai thác để bắt nhịp với sự phát triển của đất nước.

Du lịch sinh thái đang dần hình thành tại xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Du lịch sinh thái đang dần hình thành tại xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

“Quê hương cách mạng dựng nên cộng hòa”

Việt Bắc là căn cứ địa cách mạng ra đời sớm nhất và lớn nhất trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ năm 1940, Bác Hồ đã chọn tỉnh Cao Bằng là nơi hoạt động bí mật để lãnh đạo phong trào cách mạng. Từ Cao Bằng, căn cứ địa đã phát triển rộng khắp các tỉnh vùng Việt Bắc, rồi lan rộng khắp cả nước.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đập tan chính quyền của thực dân phong kiến, lập ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người chủ thực sự của đất nước. Nhưng thực dân Pháp ngoan cố quay lại quyết tâm cướp nước ta, buộc nhân dân ta phải cầm vũ khí đứng lên giữ vững nền độc lập tự do vừa giành được và Việt Bắc lại được Trung ương, Bác Hồ chọn làm An toàn khu kháng chiến.

Trong suốt giai đoạn từ 1946-1954, vùng Việt Bắc đã trở thành căn cứ cách mạng lớn nhất cả nước, nơi tập trung các cơ quan Đảng, Chính phủ. Đặc biệt, Bác Hồ đã sống và làm việc tại Việt Bắc trong những căn nhà tranh, vách đất đơn sơ. Người đã từng viết về cuộc sống ở vùng Việt Bắc thật giản dị mà sâu sắc, ý nghĩa: “Trên có núi; dưới có sông; có đất ta trồng; có bãi ta vui; tiện đường sang Bộ tổng; thuận lối tới Trung ương; nhà thoáng, ráo, kín mát” để rồi “Mười lăm năm ấy ai quên; Quê hương cách mạng dựng nên cộng hòa”.

Vùng Việt Bắc được Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn làm An toàn khu trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Dòng suối tri thức “chảy ngược”

Thái Nguyên hiện là trung tâm giáo dục và đào tạo lớn thứ 3 cả nước và trung tâm giáo dục của vùng Việt Bắc với hệ thống các cơ sở đào tạo nhiều bậc trình độ khác nhau. Riêng Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) có 7 trường đại học thành viên cùng các trường, khoa, phân hiệu và đơn vị trực thuộc. Về nguồn nhân lực, đơn vị này có 3.627 cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên; trong đó có 2.400 giảng viên (8 giáo sư, 128 phó giáo sư, 795 tiến sĩ và 1.794 thạc sĩ; giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên chiếm 33%). ĐHTN đang triển khai 310 chương trình đào tạo, với quy mô trên 55.000 sinh viên trình độ đại học, trên 4.500 học viên sau đại học đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có nhiều thế hệ con em ở tỉnh vùng Việt Bắc học tập và trưởng thành từ cái nôi đào tạo này.

Về hoạt động nghiên cứu và chuyển giao khoa học, công nghệ tiếp tục được ĐHTN đổi mới theo hướng nâng cao hiệu quả, gắn với thực tiễn. 5 năm qua, ĐHTN thực hiện 56 chương trình nghiên cứu khoa học, đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước và cấp Bộ; triển khai 198 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Đại học của giảng viên và 549 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên...

Đối với tỉnh Thái Nguyên, ĐHTN đã có những hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực. Đến hết năm 2021, ĐHTN và tỉnh Thái Nguyên đã triển khai trên 30 đề tài Khoa học công nghệ cấp tỉnh và thực hiện nhiều hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Chương trình ĐHTN ký với UBND tỉnh Thái Nguyên đã có 7 nhiệm vụ khoa học và công nghệ được phê duyệt, triển khai, với tổng kinh phí thực hiện trên 90 tỷ đồng; 3 nhiệm vụ đã được Hội đồng khoa học công nghệ tỉnh nghiệm thu…

Như vậy có thể thấy hoạt động chuyển giao khoa học, công nghệ và tư vấn chính sách của các nhà khoa học ĐHTN đã như dòng suối tri thức “chảy ngược”, góp phần hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho các tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc.

Quýt Quang Thuận là một trong những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Bắc Kạn.

Quýt Quang Thuận là một trong những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Bắc Kạn.

Liên kết để phát triển

Là cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội kéo dài tới biên giới phía Bắc của đất nước, nhưng một số tỉnh trong vùng Việt Bắc còn thuộc diện khó khăn khi tỷ lệ hộ nghèo cao, các công trình kết cấu hạ tầng thiếu, chưa đồng bộ, hiện đại. Do vậy, vấn đề liên kết để các tỉnh vùng Việt Bắc phát huy tiềm năng, thế mạnh để cùng nhau phát triển là yêu cầu, nhiệm vụ quan thiết. Trong đó, có một số lĩnh vực các tỉnh trong vùng Việt Bắc có thể hợp tác sâu rộng để đem lại hiệu quả thiết thực, như: Cung ứng nguồn lực lao động; sản xuất và chế biến các sản phẩm nông nghiệp; xuất nhập khẩu hàng hóa; liên kết hợp tác phát triển du lịch…

Những năm qua, du lịch các tỉnh vùng Việt Bắc đã bước đầu được khai thác. Các địa phương đều coi du lịch là “chìa khóa” giảm nghèo, đòn bẩy để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, lấy bản sắc văn hóa của các dân tộc để làm nền tảng phát triển. Nhiều điểm du lịch trong vùng như: Đồng Văn (Hà Giang), hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), hồ Ba Bể (Bắc Kạn), thác Bản Giốc (Cao Bằng)... đã thu hút đông đảo khách du lịch trong vùng, cả nước và khách quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Cùng với sự đa dạng về các giá trị văn hóa, tài nguyên du lịch, hiện nay vùng Việt Bắc cơ bản đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, phong phú về các loại hình sản phẩm du lịch. Nhưng để phát triển mạnh du lịch của cả vùngthì các tỉnh không chỉ dừng lại ở hình thức trao đổi kinh nghiệm, tổ chức các sự kiện mà còn cần hợp tác chặt chẽ để đem lại hiệu quả thực sự, lấy du lịch làm đòn bẩy để phát triển kinh tế địa phương.

Cùng với du lịch, các tỉnh vùng Việt Bắc còn có lợi thế về xuất nhập khẩu khi có tới 3 tỉnh gồm: Hà Giang, Cao Bằng và Lạng Sơn có cửa khẩu. Thái Nguyên lại là cửa ngõ nối giữa vùng Việt Bắc với đồng bằng sông Hồng, trung tâm phát triển công nghiệp mới nên sẽ tương hỗ rất tốt cho các tỉnh trong vùng giải quyết việc làm, cầu nối trong phát triển công nghệ, chế biến thực phẩm, xuất khẩu.

Tuy nhiên, khó khăn nhất của vùng Việt Bắc vẫn là giao thông, sự kết nối giữa các vùng kém, nguồn lực về lao động, con người phong phú dồi dào nhưng chưa chất lượng, chưa đáp ứng khoa học kỹ thuật mới và sáng tạo phù hợp với thời đại.

Do vậy, để khơi thông được nguồn lực của các tỉnh vùng Việt Bắc, ngoài tiếp tục cụ thể hóa các cơ chế, chính sách lớn trong Nghị quyết số 37, Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị, việc tiên quyết là sớm khởi công các tuyến cao tốc, như: Thái Nguyên - Bắc Kạn; Bắc Kạn - Ba Bể; Thái Nguyên - Lạng Sơn và tuyến cao tốc nối các cửa khẩu của Cao Bằng, Hà Giang và Lạng Sơn. Giao thông kết nối sẽ như mạch máu, tạo cú hích, sự liên kết về mọi mặt đối với các tỉnh vùng Việt Bắc và lớn hơn là cả các tỉnh trung du miền núi phía Bắc.

Văn Hiến

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-tuc/chinh-tri/khoi-thong-nguon-luc-vung-viet-bac-300513-97.html