Khơi thông nguồn lực xây trường lớp

Trước thềm khai giảng năm học 2024 - 2025, các địa phương trên cả nước đã tổ chức khánh thành và đưa vào sử dụng nhiều phòng học, trường học mới.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Đáng chú ý, trong số đó có không ít trường, phòng học được đầu tư xây dựng từ nguồn xã hội hóa.

Tại xã Cần Nông (Hà Quảng, Cao Bằng), công trình phòng học điểm trường mầm non Khau Dựa được đưa vào sử dụng sau gần 3 tháng khởi công. Kinh phí công trình lấy từ nguồn xã hội hóa với sự đồng hành của các nhà tài trợ, cá nhân, tổ chức.

Điểm trường mầm non tại bản Cơm, xã Pù Nhi (Mường Lát, Thanh Hóa) cũng vừa khánh thành 2 phòng học mới từ nguồn tài trợ. Tại TPHCM, chỉ riêng quận Bình Tân có thêm 29 phòng học mới theo nguồn xã hội hóa. Dự kiến, từ nay đến tháng 12, TP này có thêm 309 phòng học mới được đầu tư theo hình thức xã hội hóa.

Triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và đổi mới giáo dục phổ thông, thời gian qua, Nhà nước đã quan tâm đầu tư xây dựng mạng lưới trường lớp. Dù vậy, ngân sách có hạn nên vẫn còn khoảng 15,5% số phòng học trên cả nước chưa được kiên cố hóa. Chia sẻ với truyền thông ngay trước thềm năm học mới, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết vẫn có hiện tượng thiếu phòng học tại khu vực có mật độ dân cư cao, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn…

Để học sinh được học tập trong điều kiện quy chuẩn, song song với đầu tư từ Nhà nước, xã hội hóa đầu tư xây dựng trường lớp đóng vai trò khá quan trọng, góp phần tạo chuyển biến tích cực về cơ sở vật chất, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.

Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, năm học 2024 - 2025, một trong những mục tiêu trọng tâm được ngành Giáo dục tập trung thực hiện là sử dụng hiệu quả ngân sách Nhà nước, tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; tiếp tục kiên cố hóa trường lớp học, xóa phòng học tạm; phát triển trường lớp học ở các khu vực có dân số tăng nhanh.

Nhiều địa phương như Hà Nội, TPHCM đã khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng mới phòng học, trường ngoài công lập, giảm gánh nặng ngân sách. Dự kiến, từ nay đến năm 2025, TPHCM có 110 dự án xây dựng trường lớp từ nguồn vốn xã hội hóa với quy mô 2.638 phòng học, tổng mức đầu tư 541.000 tỷ đồng.

Ở Ninh Thuận, Công ty Trách nhiệm hữu hạn phát triển giáo dục Hoa Sen Việt Nam có kế hoạch đầu tư 60 tỷ đồng xây dựng 2 trường học bậc mầm non và tiểu học tại Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ.

Xây dựng trường lớp từ nguồn ngoài ngân sách đang có chuyển biến tích cực, tuy vậy đến nay vẫn còn khá nhiều rào cản. Báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” của Đoàn Giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận định:

Việc huy động các nguồn lực xã hội còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; quy hoạch quỹ đất cho giáo dục chưa được quan tâm đúng mức; các cơ sở giáo dục ngoài công lập khó tiếp cận với quỹ đất để phát triển trường học; các chính sách ưu đãi về miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, chính sách thu hồi, giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình giáo dục, chính sách miễn, giảm thuế, ưu đãi về tín dụng, về đầu tư theo hình thức đối tác công tư… chưa đồng bộ, chưa hấp dẫn các nhà đầu tư.

Còn thiếu các quy định cụ thể về quyền lợi, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức khi đầu tư phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập. Nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa và trách nhiệm triển khai chính sách xã hội hóa giáo dục chưa thực sự thống nhất, đồng thuận.

Tăng cường đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục trong đầu tư trường lớp là chủ trương đúng đắn, góp phần phục vụ phát triển sự nghiệp GD-ĐT. Vì vậy cần sớm có cơ chế tháo gỡ rào cản, khơi thông nguồn lực, để phát huy hiệu quả nhất vai trò chung sức cùng ngành Giáo dục của xã hội, đảm bảo đủ trường học đạt chuẩn, góp phần nâng cao chất lượng dạy học.

Gia Khánh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoi-thong-nguon-luc-xay-truong-lop-post699444.html