Khơi thông nguồn vốn, đa dạng hóa thị trường giúp doanh nghiệp phát triển

Quan tâm tới vấn đề 'sức khỏe' của doanh nghiệp, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) kiến nghị triển khai các giải pháp nhằm khơi thông nguồn vốn, đa dạng hóa thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Nhiều đại biểu quan tâm tới vấn đề "sức khỏe" của doanh nghiệp.

Nhiều đại biểu quan tâm tới vấn đề "sức khỏe" của doanh nghiệp.

Quan tâm tăng "sức khỏe" cho doanh nghiệp

Tham gia thảo luận tại phiên họp ngày 29/5 của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Thi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng, hoạt động của doanh nghiệp và thu hút vốn đầu tư khu vực tư nhân vào nền kinh tế còn hạn chế. Cụ thể, theo Báo cáo của Chính phủ, vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước năm 2023 chỉ bằng 1/5 mức tăng giai đoạn 2015-2019; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và số doanh nghiệp giải thể đều tăng cao so với năm 2022; lần đầu tiên trong 5 năm qua số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm thấp hơn số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Theo đại biểu, đây là những yếu tố tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá đầy đủ hơn vấn đề “sức khỏe” của doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân và có giải pháp hiệu quả hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới.

Phản ánh về tình trạng tín dụng tăng trưởng thấp, đại biểu Nguyễn Văn Thi cho biết thêm, mặc dù lãi suất vốn vay của các ngân hàng thương mại đã giảm nhưng doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn không hấp thụ được vốn tín dụng. Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ và có các giải pháp đồng bộ để khơi thông nguồn vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng.

Cùng quan tâm về nội dung này, đại biểu Hoàng Quốc Khánh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% đã đề ra trong năm nay, việc tạo điều kiện để các doanh nghiệp ổn định, đầu tư phát triển là yếu tố hết sức quan trọng. Trong đó, đại biểu cho rằng, vấn đề tạo dựng niềm tin của doanh nghiệp trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cần phải được quan tâm trên hết.

Theo đó, Đại biểu đề nghị cần khẩn trương đưa chính sách mới ban hành vào cuộc sống giúp doanh nghiệp vượt khó và phát triển, nhất là các dự án luật điều chỉnh, tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh. Đồng tình cao với việc Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp này xem xét quyết định cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực sớm hơn để tổ chức thực hiện, Đại biểu lưu ý Chính phủ, các bộ, ngành cần có bước chuẩn bị đầy đủ, đồng bộ hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành, để luật có hiệu lực thì tổ chức thực hiện được ngay.

Cùng với đó, đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề nghị tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo công khai, minh bạch và tăng cường thanh tra kiểm tra khâu này, hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn cho doanh nghiệp; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường

Bày tỏ lo ngại về tình trạng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng, đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận nêu rõ, tình hình thế giới có những bất ổn ảnh hưởng đến đơn hàng của doanh nghiệp, khả năng hấp thụ vốn, sức chống chịu của doanh nghiệp cũng suy giảm sau đại dịch.

Trong bối cảnh trên, để hỗ trợ doanh nghiệp, Đại biểu kiến nghị có giải hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giải quyết tình trạng thiếu lao động. Đồng thời, có các chính sách nhằm hỗ trợ, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp gắn với cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính…

Cùng nhận định trên, đại biểu Nguyễn Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang cho rằng doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong thị trường đầu ra như thiếu đơn hàng từ thị trường quốc tế, cầu tiêu dùng trong nước tăng ở mức thấp…

Để tháo gỡ thực trạng khó khăn trên của doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Việt Hà kiến nghị Chính phủ chú trọng tạo thị trường xuất khẩu đa dạng, bền vững cho doanh nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Cùng với thị trường xuất khẩu, Đại biểu kiến nghị thực hiện các chính sách để phát huy tối đa nội lực của thị trường trong nước, trong đó tăng cường vai trò của các chính sách tài khóa như các chính sách đã thực hiện hiệu quả trong thời gian qua gồm: miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất… Đặc biệt, cần đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; vận động phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam…

Cùng quan điểm, đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho hay, kinh tế thế giới hiện nay xuất hiện nhiều thách thức dễ dẫn đến việc đứt gãy chuỗi cung ứng. Do đó, đại biểu cho rằng cần kiểm soát độ mở của nền kinh tế, quan tâm đến thị trường nội địa, đặc biệt phải ưu tiên xúc tiến thương mại đối với thị trường nội địa, thị trường lân cận, thị trường khu vực ASEAN.

Trần Huyền

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/khoi-thong-nguon-von-da-dang-hoa-thi-truong-giup-doanh-nghiep-phat-trien.html