Khơi thông nguồn vốn dự án đường vành đai 4 Vùng Thủ đô
Theo các chuyên gia, việc sớm khơi thông nguồn vốn xã hội hóa chính là chìa khóa để đẩy nhanh tiến độ đường vành đai 4 Vùng Thủ đô như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 23/TB-VPCP ngày 25/01/2022 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
Đại dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã được phê duyệt từ năm 2011
Theo đó, Thủ tướng giao UBND TP. Hà Nội lập ngay tổ công tác dự án vành đai 4 - vùng Thủ đô, đồng thời nghiên cứu, đề xuất tỷ lệ vốn hợp lý giữa trung ương, địa phương và các cơ chế, chính sách cần thiết, khả thi để triển khai dự án nhanh nhất có thể.
Đẩy nhanh tiến độ
Đối với hình thức đầu tư dự án, Thủ tướng đã thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô theo hình thức đầu tư hỗn hợp, chia tách thành 3 dự án thành phần, trong đó dự án thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng tái định cư và dự án đầu tư xây dựng đường đô thị, đường song hành thực hiện theo hình thức đầu tư công (cơ cấu hợp lý, khả thi giữa vốn trung ương và vốn địa phương); dự án đầu tư đường cao tốc theo hình thức PPP (hợp đồng BOT) trong đó tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư.
Theo nhận định của giới chuyên gia, việc Chính phủ liên tục có những chỉ đạo quyết liệt tiến độ dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô cho thấy tính cấp thiết và tầm quan trọng của dự án, nhất là trong bối cảnh phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19 hiện nay.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng một trong những khó khăn lớn nhất của dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là nguồn vốn. Nếu không có cơ chế khơi thông nguồn vốn đầu tư xã hội hóa, ngân sách sẽ không thể đáp ứng nổi con số trên 94.000 tỷ đồng mà dự án cần có.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, TS., KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội cho biết dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã được phê duyệt quy hoạch từ năm 2011 nhưng hơn 10 năm qua, do rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc thiếu nguồn lực nên dự án chưa thể triển khai được, ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của Hà Nội và cả Vùng Thủ đô.
Đồng bộ giải pháp
Theo TS. Đào Ngọc Nghiêm, một trong những bài toán lớn đặt ra trong triển khai dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô là việc cân đối và huy động hợp lý nguồn lực của cả nhà nước và doanh nghiệp.
TS. Nghiêm dẫn chứng từ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án cho thấy dự án sẽ được chia làm 3 dự án thành phần. Trong đó, 2 dự án thành phần được thực hiện theo hình thức đầu tư công (như vừa được Thủ tướng thống nhất) gồm dự án thành phần số 1 là GPMB, sơ bộ kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vào khoảng 24.242 tỷ đồng. Dự án thành phần số 2 là xây dựng hệ thống đường đô thị, đường song hành cần khoảng 9.399 tỷ đồng.
Riêng dự án thành phần số 3 được xem là trọng tâm với việc đầu tư hệ thống đường cao tốc toàn tuyến và tuyến nối 9km đi trùng đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, dự kiến sẽ được thực hiện theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT. Suất đầu tư cho dự án thành phần này (bao gồm lãi vay) vào khoảng 60.486 tỷ đồng.
"Do tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư, nên số vốn cần huy động nguồn lực xã hội hóa là không hề nhỏ, nếu không có cơ chế đủ hấp dẫn sẽ rất khó thu hút doanh nghiệp" - TS. Nghiêm bày tỏ.
Chia sẻ quan điểm trên, chuyên gia giao thông, ThS. Đỗ Cao Phan cho rằng cần sớm nghiên cứu cơ chế phù hợp để hỗ trợ nhà đầu tư trong khi vẫn đảm bảo lợi ích của nhà nước và người dân.
Liên quan đến các giải pháp nhằm cân đối và huy động nguồn lực hợp lý để triển khai một dự án trọng điểm như vành đai 4 - Vùng Thủ đô, các chuyên gia cũng đưa ra nhiều gợi ý trước thời hạn UBND TP. Hà Nội và các tỉnh liên quan trình Chính phủ xem xét thông qua Dự án (chậm nhất ngày 10/3/2022). Đầu tiên, với một tuyến cao tốc kéo dài hàng trăm cây số như Vành đai 4 sẽ rất cần các trạm dừng nghỉ, tiếp vận dọc đường. Nhà nước có thể xem xét, cho phép nhà đầu tư khai thác nguồn lợi từ các dịch vụ này, hỗ trợ cho thuê đất dài hạn… đưa một phần khoản thu đó vào bài tính thu hồi vốn của dự án. Như vậy có thể khuyến khích nhà đầu tư mạnh dạn hơn.
Bên cạnh đó, đối với dự án GPMB, có thể nghiên cứu phương án thu hồi GPMB thêm một số diện tích phù hợp tại 2 bên tuyến đường để tổ chức đấu giá, tạo nguồn lực đối ứng cho phần kinh phí thực hiện dự án.
Các địa phương có dự án chạy qua cũng cần có kế hoạch như xây dựng, đấu nối các tuyến đường đô thị song hành, nhằm đảm bảo bắt kịp tiến độ của tuyến chính nhằm tránh được nguy cơ chậm tiến độ, khiến nhà đầu tư “sa lầy”.
Cuối cùng, việc tính toán giá phí BOT trên tuyến Vành đai 4 cũng cần phải cân nhắc kỹ, tránh gây bức xúc cho người dân như nhiều dự án BOT trước đó đã từng vấp phải.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài 111,2km. Điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).
Dự án qua địa phận 7 quận, huyện của Hà Nội, gồm: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông; đi qua 4 huyện của Hưng Yên, gồm: Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm; qua địa phận tỉnh Bắc Ninh (huyện Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình và TP. Bắc Ninh).
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô có tổng mức đầu tư 90.399 tỷ đồng. Dự án được chia làm 3 dự án thành phần, gồm: công tác giải phóng mặt bằng; đầu tư xây dựng đường đô thị, đường song hành, tuyến nối Quốc lộ 18; xây dựng hệ thống đường cao tốc.
Trong báo cáo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội trình UBND TP. Hà Nội hồi tháng 10, có 2 nhà đầu tư độc lập và 1 liên danh nhà đầu tư đề xuất được thực hiện dự án theo từng phân đoạn.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T đề xuất đầu tư 2 đoạn, gồm từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Quốc lộ 32 và từ Quốc lộ 32 đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, tổng mức đầu tư được lập trước đây cho 2 đoạn này là 16.200 tỷ đồng.
Liên danh Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng giao thông Phương Thành - Công ty PTHT Nguyên Minh đề xuất làm đoạn từ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, bao gồm cả cầu Mễ Sở, tổng kinh phí 9.800 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn thì đề xuất xây cầu Hồng Hà (Đông Anh) và đường dẫn 2 đầu cầu, tổng kinh phí là 8.800 tỷ đồng.