Khơi thông, phát huy nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội

Theo Bộ Tài chính, Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp hiện hành cần được nghiên cứu, rà soát để kịp thời sửa đổi, bổ sung nhằm góp phần cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng an toàn, bền vững, đồng thời tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích và thu hút đầu tư.

Giảm thuế nhanh hơn so với lộ trình

Theo Bộ Tài chính, Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) được thông qua ngày 3/6/2008 tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XII, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009 thay thế Luật thuế TNDN năm 2003. Từ đó đến nay, Luật thuế TNDN đã qua 2 lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2013 và năm 2014 để xử lý các bất cập phát sinh trong thực tiễn và phù hợp với yêu cầu quản lý thuế trong từng giai đoạn.

Phải thừa nhận rằng, quá trình cải cách chính sách thuế TNDN trong giai đoạn vừa qua đã góp phần quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy các lĩnh vực trong nền kinh tế phát triển theo định hướng ưu tiên, đặc biệt là quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung

Đáng lưu ý, quá trình cải cách đã tiếp tục thực hiện giảm mức thuế suất phổ thông thuế TNDN từ 25% xuống 22% từ 1/1/2014, riêng doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa được áp dụng mức 20% ngay từ 1/7/2013. Từ ngày 1/1/2016, mức thuế suất thuế TNDN phổ thông áp dụng cho mọi loại hình doanh nghiệp là 20%. Việc quy định các khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo nguyên tắc loại trừ, cho phép doanh nghiệp trừ các khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có kèm theo các hóa đơn, chứng từ, góp phần quan trọng nâng cao tính minh bạch của chính sách, phù hợp với thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, việc bỏ quy định khống chế khoản chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ tiếp thị đảm bảo phù hợp thực tiễn, phản ánh đúng bản chất của khoản chi, tạo môi trường thu hút đầu tư hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Chính sách thuế TNDN thời gian qua đã thực hiện chuyển đối tượng hưởng ưu đãi thuế theo diện đầu tư mới từ pháp nhân (doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư) sang ưu đãi thuế theo dự án đầu tư mới của doanh nghiệp. Ngoài ra, thực hiện rà soát, điều chỉnh phạm vi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn được ưu đãi thuế gắn với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; bổ sung quy định miễn giảm thuế đối với dự án đầu tư mở rộng nếu đáp ứng một số tiêu chí theo quy định. Đồng thời, bổ sung ưu đãi cao, ưu đãi đặc biệt đối với dự án đầu tư có quy mô vốn lớn, sử dụng công nghệ cao; một số dự án đầu tư có tác động lớn đến phát triển đất nước.

Ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách thuế TNDN đã phát sinh những bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung, do đó, Bộ Tài chính đã hoàn thiện tờ trình Chính phủ dự thảo đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TNDN sửa đổi.

Bộ Tài chính cho biết, việc sửa luật lần này nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, Nhà nước về cải cách hệ thống chính sách thuế đến năm 2030. Đồng thời, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, khơi thông, phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; phù hợp với xu hưởng cải cách thuế TNDN của quốc tế và đảm bảo ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước.

Trình đưa vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024

Về thời gian sửa Luật, Bộ Tài chính trình Chính phủ dự kiến tiến độ của dự án Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) (sửa đổi) như sau: Chính phủ lập đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TNDN (sửa đổi), trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội thông qua đề nghị bổ sung dự án Luật thuế TNDN (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024 tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2024). Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật thuế TNDN (sửa đổi) tại kỷ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2024). Chính phủ trình Quốc hội thông qua dự án Luật thuế TNDN (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2025).

Chính sách thuế TNDN mới nhắm đến mục tiêu góp phần tạo điều kiện thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh; rà soát, sắp xếp lại chính sách ưu đãi thuế để khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực và địa bàn ưu tiên. Thực hiện ưu đãi thuế TNDN đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ, khuyến khích hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp để nuôi dưỡng và tạo nguồn thu trong tương lai.

Để đạt được các mục tiêu đó, đề xuất sửa đổi Luật thuế TNDN sẽ tập trung giải quyết 4 nhóm chính sách lớn, bao gồm: Mở rộng cơ sở thuế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và phù hợp thông lệ quốc tế thông qua việc điều chỉnh phạm vi, đối tượng, rà soát chính sách miễn, giảm thuế; sửa đổi, bổ sung các nội dung của Luật thuế TNDN nhằm giải quyết những vấn đề bất cập, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế; sửa đổi, bổ sung các nội dung nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật; sửa đổi, bổ sung các nội dung nhằm đảm bảo mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển.

Đáng chú ý, nhóm chính sách sửa đổi, bổ sung các nội dung của Luật thuế TNDN nhằm giải quyết những vấn đề bất cập, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế được dư luận quan tâm. Theo đó, sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về các khoản thu nhập được miễn, giảm thuế…

Theo ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, những chính sách ưu đãi về thuế luôn được cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng. Trong khó khăn do dịch bệnh, những năm qua Chính phủ, Bộ Tài chính đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Việc sửa đổi, bổ sung Luật thuế TNDN là một bước tiến mới, vừa nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách thuế đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả, vừa tạo mức động viên hợp lý tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong nước, làm động lực thúc đẩy sự phát triển cho các lĩnh vực, ngành nghề kinh tế khác.

Nhiều ngành nghề được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp

Thời gian qua Bộ Tài chính đã thực hiện rà soát, điều chỉnh phạm vi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn được ưu đãi thuế gắn với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, như: Bổ sung ưu đãi thuế đối với thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng chế biến nông sản, thủy sản; bổ sung vào diện áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm, miễn thuế tối đa trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa 9 năm tiếp theo đối với: Thu nhập của doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 6 nghìn tỷ đồng, sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ... Đồng thời, bổ sung vào diện áp dụng thuế suất ưu đãi 17%, miễn thuế tối đa trong 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa 4 năm tiếp theo đối với: dự án đầu tư mới sản xuất thép cao cấp; sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng; sản xuất, tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản; phát triển ngành nghề truyền thống...

Tại dự thảo tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TNDN sửa đổi đã đặt ra nhiều mục tiêu, trong đó, đối với nhóm chính sách đầu tiên, sửa đổi luật nhằm mở rộng cơ sở thuế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và thông lệ quốc tế thông qua việc rà soát, điều chỉnh chính sách ưu đãi thuế. Nhóm chính sách này nhằm khắc phục bất cập của các quy định về ưu đãi thuế TNDN hiện hành; khắc phục sự dàn trải trong ưu đãi thuế, hạn chế việc lồng ghép chính sách xã hội trong chính sách thuế, hạn chế quy định ưu đãi thuế tại các Luật chuyên ngành để tăng tính trung lập, đồng bộ của chính sách thuế TNDN.

Sửa luật lần này sẽ rà soát để sắp xếp lại lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn ưu đãi thuế TNDN theo hướng thu hẹp các địa bàn đã có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, đồng thời tính tới mở rộng các lĩnh vực mới phát sinh, các đối tượng thực sự cần khuyến khích đầu tư, đảm bảo ưu đãi đúng đối tượng.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/khoi-thong-phat-huy-nguon-luc-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-123966.html