Khơi thông sông Cổ Cò: Đột phá mới cho phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam và Đà Nẵng

là chủ đề của hội thảo do UBND tỉnh Quảng Nam và UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức ngày 8/1 tại thành phố Hội An.

Hội thảo với sự tham gia của các chủ đầu tư và đơn vị kinh doanh bất động sản.

Hội thảo với sự tham gia của các chủ đầu tư và đơn vị kinh doanh bất động sản.

Sông Cổ Cò nằm trong hệ thống sông nối liền hai tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Theo khớp nối và khơi thông, sông Cổ Cò kéo dài từ Cửa Hàn, Đà Nẵng đến Cửa Đại, Hội An, tổng chiều dài 28km. Trong đó, đoạn đi qua tỉnh Quảng Nam dài 20km. Chiều dài qua Điện Bàn và Hội An khoảng 10km. Quản lý mép sông Cổ Cò trung bình khoảng 350km, nạo vét sông Cổ Cò đạt tiêu chuẩn sông cấp IV, phạm vi nạo vét 90m, phạm vi luồng song song 40m. Bề rộng trung bình mỗi bên khoảng 130m.

Năm 2003, lãnh đạo hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng cùng nhau đi đến quyết tâm thống nhất chủ trương khởi động dự án khơi thông sông Cổ Cò. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau, ý tưởng ấy được triển khai rất chậm. Đến tháng 5/2012, UBND thành phố Đà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam đã ký Biên bản làm việc liên quan đến việc thống nhất một số nội dung về dự án khơi thông sông Cổ Cò từ Đà Nẵng vào Hội An.

Sự quyết tâm của hai tỉnh thành đã nhận được sự ủng hộ to lớn của Chính phủ. Tháng 11/2016, Văn phòng Chính phủ có thông báo về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại các buổi làm việc với lãnh đạo hai địa phương. Thủ tướng đã có những chỉ đạo cụ thể để tháo gỡ và hỗ trợ về nguồn lực đầu tư. Theo đó, giao cho các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường bổ sung dự án khơi thông sông Cổ Cò vào danh mục các dự án thuộc chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trường xanh. Nhờ vậy, hai địa phương được giảm tải đi một phần gánh nặng kinh phí đầu tư.

Từ đó, cả hai địa phương đã chỉ đạo các sở ngành tích cực đẩy nhanh tiến độ dự án. Tuy nhiên khách quan mà nói, đến nay kết quả vẫn chưa được như mong đợi. Cả hai phía đều có những khó khăn riêng.

Ông Phùng Phú Phong - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng chia sẻ: Về phía Đà Nẵng, đối tới tuyến sông này có tổng mức đầu tư khoảng 486 tỷ đồng. Trong đó ngân sách Trung ương 146 tỷ đồng, ngân sách thành phố 340 tỷ đồng. Ngoài ra còn huy động vốn xã hội hóa thực hiện hạng mục nạo vét tạo luồng mới và đầu tư xây dựng trong phạm vi dự án của các nhà đầu tư.

Dự án tập trung vào 04 hợp phần: Nạo vét lòng sông, đầu tư xây dựng hệ thống kè chắn, kiến tạo cảnh quan và nâng cấp các cây cầu. Trên chiều dài 9km dòng sông, tương ứng với khoảng 32km kè chắn, dự án phía Đà Nẵng liên quan đến nhiều dự án. Trong đó có những dự án thành phố, có những dự án của các nhà đầu tư như Công ty Cổ phần Địa Cầu, Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính bảo hiểm dầu khí, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng 579, Công ty Cổ phần Đô thị FPT, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô, Công ty TNHH Sân Gôn Vinacapital.

Hiện nay, việc nạo vét lòng sông coi như đã hoàn tất. Hạng mục kè chắn đã đầu tư được khoảng 5,5km. Với đặc thù của địa hình cũng như tính chất của từng dự án, hệ thống kè chắn phía Đà Nẵng có cả hai hình thức. Đó là kết hợp sử dụng kè cứng cho các vị trí có bờ sông hẹp và ổn định về chế độ thủy văn, sử dụng kè mềm cho các vị trí có bờ sông rộng và tham gia điều tiết lũ. Các bến thuyền, điểm tham quan được thiết kế sao cho kết nối hài hòa giữa các đoạn kè chắn có hình thức khác nhau.

Về hợp phần nâng cấp các cây cầu, đây là vấn đề khá khó khăn đối với Đà Nẵng nếu đặt yêu cầu phải đạt tiêu chuẩn thiết kế tương ứng với sông cấp IV. Trên địa phận Đà nẵng có 06 cây cầu qua sông Cổ Cò, trong đó 05 cây cầu hiện đang sử dụng và 01 cây cầu nối đường Võ Chí Công ra biển chưa xây dựng. Trừ cầu Biện sẽ được cải tạo nâng cấp, 04 cây cầu mới xây có chiều cao thông thuyền khoảng 3,5m trở xuống, tương ứng với tiêu chuẩn sông cấp V.

Thực tế sông Cổ Cò hiện nay, đoạn chảy qua Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc.

Thực tế sông Cổ Cò hiện nay, đoạn chảy qua Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc.

Về phía tỉnh Quảng Nam, đoạn sông Cổ Cò đi qua tỉnh dài 20km. Theo ý tưởng thiết kế đô thị tổng thể sẽ định hình Chuỗi công viên văn hóa – lịch sử - sinh thái Quảng Nam được giới hạn bởi tuyến giao thông ven sông thành 5 khu công viên với tổng diện tích 408ha. Khu vực lập thiết đô thị thuộc địa giới hành chính thị xã Điện Bàn và thành phố Hội An thuộc khu vực ven biển, ven sông Cổ Cò. Quy mô toàn khu du lịch và dân cư ven biển từ Điện Bàn đến Hội An. Quy mô diện tích khoảng 1.586ha. Quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 60.000 người.

Ngọc Long

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/khoi-thong-song-co-co-dot-pha-moi-cho-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-quang-nam-va-da-nang-296984.html