Khơi thông thị trường hàng hóa sau Tết
Sau Tết, các điểm kinh doanh trên địa bàn thành phố đã mở cửa trở lại, nhưng đến nay nhiều chợ truyền thống, cửa hàng, trung tâm thương mại vẫn vắng khách. Lượng khách hàng đến các chợ truyền thống mua sắm đạt thấp so với mọi thường lệ.
Bà Trần Thị Khoa, tiểu thương bán rau củ quả chợ Tân Hương (quận Tân Phú) cho biết, từ khi kinh doanh lại sau Tết đến nay, hàng hóa chủ yếu tiêu thụ ở mặt hàng rau củ quả, thực phẩm tươi, mì tôm, khẩu trang, nước sát trùng, còn lại các mặt hàng khác sức mua rất thấp.
Ðiều đáng băn khoăn là sau Tết một số mặt hàng nông sản rớt giá, thậm chí không tiêu thụ được như trái thanh long. Tại tỉnh Long An, Bình Thuận, trước Tết giá thanh long từ 20.000 đến 30.000 đồng/kg, sau Tết giá hạ xuống còn từ 5.000 đến 6.000 đồng/kg nhưng thương lái vẫn không thu mua. Nhằm chia sẻ khó khăn với người nông dân trồng thanh long các tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang, một số cá nhân, hội đoàn, doanh nghiệp và siêu thị ở TP Hồ Chí Minh đã lên kế hoạch giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm. Ông Nguyễn Lân Hùng An, chủ một doanh nghiệp may ở quận Tân Phú đã có kế hoạch mua khoảng ba tấn thanh long để hỗ trợ người nông dân Bình Thuận, sau đó sẽ bán rẻ cho công nhân của công ty, đối tác và bạn hàng thân quen.
Mặc dù nhu cầu tiêu dùng không tăng, nhưng hiện tại giá thịt heo trên thị trường thành phố vẫn đang ở mức cao. Tại chợ đầu mối Hóc Môn, lượng heo về chợ đạt gần 300 tấn, trong khoảng ba ngày qua, giá heo hơi tăng giảm dao động từ 7.000 đến 20.000 đồng/kg. Giá thịt heo mảnh loại một tại chợ Hóc Môn bán 110.000 đồng/kg; thịt loại hai giá 95.000 đến 100.000 đồng/kg; thịt heo đùi rọ 110.000 đồng/kg, sườn non 140.000 đồng/kg…
Giới kinh doanh thịt heo ở hai chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Ðiền dự báo, hiện tại giá thịt heo đang giữ ở mức cao, sắp tới sẽ giảm do sức mua sau dịp Tết thông thường giảm khoảng 50% và các bếp ăn tập thể của công ty, trường học ngừng hoạt động vì dịch cúm tác động.
Trong khi đó, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi vào thời điểm này đã đông khách trở lại. Ghi nhận tại các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Aeon, Big C, Lotte Mart, Vinmart, lượng khách và doanh thu trong vài ngày trở lại đây đã tăng khoảng 40% so với cùng kỳ. Các mặt hàng đang bán chạy nhất là lương thực, thực phẩm thiết yếu, thực phẩm khô và các mặt hàng trong nhóm sản phẩm bình ổn giá. Ðại diện Siêu thị Big C cho biết lượng khách hàng đến siêu thị mua sắm rau củ quả tăng đột biến so với ngày thường khi siêu thị áp dụng các đợt giảm giá mạnh các mặt hàng rau củ quả, hàng thực phẩm tươi sống.
Chẳng hạn cải thìa giảm giá 21%, rau muống VietGAP giảm giá 26%, khoai lang tím giảm giá 33%. Trước tình trạng nhu cầu của người tiêu dùng tăng đối với một số nhóm hàng thiết yếu, các doanh nghiệp cũng đã lên kế hoạch dự trữ nguồn hàng để kinh doanh và góp phần bình ổn thị trường. Ông Nguyễn Anh Ðức, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Saigon Co.op cho biết, siêu thị Saigon Co.op đã có kế hoạch chuẩn bị thêm 44.000 tấn hàng hóa thiết yếu, bằng với lượng chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán Canh Tý vừa qua.
Hoạt động kinh doanh hàng hóa trên địa bàn thành phố đang diễn ra với những điểm bất thường là do yếu tố khách quan như dịch bệnh tác động, sức mua giảm do sau Tết nhu cầu tiêu dùng giảm. Tuy nhiên nhịp độ cung cầu thị trường sẽ sớm trở lại bình thường khi có sự can thiệp của các cơ quan chức năng và sự điều tiết trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Theo ông Trần Duy Ðông, Vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công thương), hiện tại Bộ Công thương đã lên kế hoạch bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu tại thị trường trong nước. Theo đó, Bộ Công thương yêu cầu các hệ thống phân phối lớn như, Saigon Co.op, VinMart, Big C, Lotte Mart… trong quý I năm 2020 tăng dự trữ nguồn hàng từ 30% đến 50% so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy những diễn biến bất thường về cung cầu hàng hóa trên thị trường chỉ tập trung ở một số mặt hàng sẽ sớm ổn định khi nguồn cung tăng và nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng giảm.