Khơi thông vốn cho doanh nghiệp
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% năm nay, ước tính cần hơn 800.000 tỷ đồng để khơi thông cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đặc biệt là gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nông, lâm, thủy sản.
Quy định vay vốn còn cứng nhắc
Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) thống kê, doanh số giải ngân của gói tín dụng nông, lâm, thủy sản hiện đạt khoảng gần 7.000 tỷ đồng, với khoảng 2.500 lượt khách hàng vay. Đến nay, đã có 13 ngân hàng thương mại (NHTM) cho vay từ nguồn vốn huy động, với mức lãi thấp hơn thị trường từ 1 - 2%, thời gian triển khai đến hết ngày 30/6/2024. “Trường hợp dùng hết gói tín dụng này, NHNN sẽ chỉ đạo các NHTM sẵn sàng cung ứng để giải quyết khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết.
Gói tín dụng ưu đãi 15.000 tỷ đồng đang được xem là “phao cứu sinh” với các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nói riêng. Cuối năm, Công ty TNHH sản xuất Hồng Ngọc đang gấp rút chuẩn bị cho đơn hàng cá tra phi lê xuất khẩu, nhờ chủ động nguồn nguyên liệu, công ty đã có đơn hàng trước cho 2 tháng tới. Với nguồn vốn vay từ ngân hàng, doanh nghiệp đã chủ động liên kết với các hộ nuôi, hỗ trợ giống, thức ăn từ đầu vụ, giúp ổn định nguồn nguyên liệu cung cấp cho nhà máy...
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng thuận lợi vay vốn. Ông Vũ Công Huân, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn HDC cho biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp, các NHTM đã giảm lãi suất từ 8,5% xuống còn 7%. Điều này có ý nghĩa quan trọng để doanh nghiệp có thêm dòng tiền, do chi phí vận hành kho bãi, bảo quản hàng tồn kho. Song, điều kiện tiếp cận gói 15.000 tỷ đồng đối với các doanh nghiệp mới không đơn giản. HDC kiến nghị ngân hàng xem xét tăng hạn mức cho vay, thay vì 75% giá trị tài sản đảm bảo lên 90%, thậm chí cho vay theo một phần tín chấp tài sản để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
“Theo quy định, doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ được vay tín chấp tối đa 5% trên tổng doanh thu cho năm trước. Nếu các đơn hàng xuất khẩu của HDC trong 2 tháng cuối năm có giá trị trên 100 tỷ đồng, với hình thức cho vay tín chấp, ngân hàng cũng chỉ cho vay từ 20 - 30 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với nhu cầu doanh nghiệp”, ông Vũ Công Huân chia sẻ.
Theo ông Ngô Minh Hiển, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Năm Căn, việc tiếp cận gói tín dụng 15.000 tỷ đồng đang thiếu linh hoạt trong việc cấp hạn mức. Tôm quảng canh chính vụ của Cà Mau được thu hoạch từ tháng 3 - tháng 6 hàng năm, nên doanh nghiệp cần tiền vào thời điểm này để thu mua sản phẩm. Khi doanh nghiệp mua hết số tiền được vay tối thiểu sẽ phải dừng lại, khiến doanh nghiệp đứt vốn, nông dân phải bán qua thương lái, trung gian, nên không được giá tốt. Đến khi doanh nghiệp vay được vốn thì giá tôm tăng cao vì trái vụ...
Linh hoạt cấp vốn, minh bạch vay vốn
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, trong bối cảnh cầu nền kinh tế yếu, hấp thụ vốn khó khăn, NHNN các địa phương cần tăng cường kiểm tra tiến độ triển khai gói tín dụng hỗ trợ nông nghiệp 15.000 tỷ đồng; đồng thời, yêu cầu các NHTM phải linh hoạt hơn trong cấp hạn mức tín dụng từng thời điểm cho nông dân, doanh nghiệp. Để thúc đẩy tín dụng, cần có sự tháo gỡ từ hai phía. Đầu tiên, phải tháo gỡ cho doanh nghiệp về thị trường, lưu kho để doanh nghiệp yên tâm vay vốn. Phía ngân hàng cũng cần phát huy vai trò chủ động, giảm thêm lãi vay và đơn giản hóa thủ tục vay.
“Với những trường hợp như HDC đã có các đơn hàng xuất khẩu ổn định, phía ngân hàng có thể thẩm định dòng tiền trên hóa đơn, kiểm toán, báo cáo thuế của doanh nghiệp đầy đủ, kiến nghị hệ thống ngân hàng xem xét nới lỏng điều kiện cho vay tăng lên từ 10 - 15% trên tổng doanh thu của doanh nghiệp”, ông Vũ Công Huân kiến nghị.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, đại diện Agribank cho biết: Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản của ngân hàng có quy mô 3.000 tỷ đồng. Tính đến nay, doanh số cho vay đối với chương trình là 1.931 tỷ đồng, với hơn 1.358 khách hàng. Ngoài ra, khách hàng tham gia chương trình được giảm phí dịch vụ với mức giảm tối đa đến 50% đối với các loại phí thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại (phí phát hành Thư tín dụng - L/C nhập khẩu, phí thông báo L/C xuất khẩu, phí ký hậu vận đơn đường biển, phí thanh toán L/C xuất khẩu...) và miễn, giảm một số loại phí dịch vụ khác.
Theo ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV, ngân hàng mong muốn có thể đồng hành cùng doanh nghiệp, nhưng cũng mong các doanh nghiệp minh bạch kinh doanh để có thể tạo niềm tin với ngân hàng. Nếu doanh nghiệp càng minh bạch tài chính, kinh doanh, ngân hàng càng có điều kiện đẩy mạnh tín dụng.
“Cần tăng cường minh bạch hóa tài chính doanh nghiệp để ngân hàng có cơ sở tiếp cận, thẩm định, cấp tín dụng đối với khách hàng tốt, những dự án khả thi, đầy đủ tính pháp lý. Các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng các dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi và tăng cường quản lý thanh khoản cho đến dòng tiền”, ông Lê Ngọc Lâm cho biết.