Khơi thông vốn tư nhân, bứt phá đổi mới sáng tạo

Những định hướng, lợi thế, chính sách gần đây của Việt Nam đã 'mở đường' cho khu vực tư nhân 'nhập làn' phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Việt Nam đang vươn mình mạnh mẽ để trở thành điểm đến chiến lược của các dòng vốn đầu tư cho công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. (Ảnh tạo bởi AI)

Việt Nam đang vươn mình mạnh mẽ để trở thành điểm đến chiến lược của các dòng vốn đầu tư cho công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. (Ảnh tạo bởi AI)

Nghị quyết số 57-NQ/TW do Bộ Chính trị ban hành ngày 22/12/2024 là một bước ngoặt quan trọng, hướng tới đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo tinh thần Nghị quyết, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được xem là “xương sống” của công cuộc hiện đại hóa, góp phần thực hiện khát vọng đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Điểm đến chiến lược

Những năm gần đây, Việt Nam đang vươn mình mạnh mẽ để trở thành điểm đến chiến lược của các dòng vốn đầu tư cho công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. Minh chứng cho điều đó là đất nước đã và đang thu hút hàng loạt doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển giao công nghệ như: NVIDIA, Marvell, Google, Meta, Cadence, Qualcomm, Siemen...

Đáng chú ý, báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư vốn tư nhân Việt Nam 2025 do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) thuộc Bộ Tài chính và các đối tác nghiên cứu cho thấy, Việt Nam đang nổi lên là điểm “nóng” của các lĩnh vực công nghệ thế hệ mới. Cụ thể, năm 2024, đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) AI tăng gấp tám lần so với năm trước đó; đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tăng gấp chín lần; số lượng thương vụ đầu tư vào công nghệ xanh tăng gấp hai lần. Cũng trong năm 2024, các quỹ đầu tư, đối tác ngoại đã thực hiện 141 thương vụ đầu tư vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, tổng giá trị giải ngân vốn khoảng 2,3 tỷ USD. Nguồn vốn này đến từ các quỹ đầu tư của Singapore, Nhật Bản và quỹ đầu tư trong nước.

Lý giải về điểm sáng thu hút đầu tư vào đổi mới sáng tạo của Việt Nam, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC khẳng định, đất nước đã có nhiều cải cách trong việc thu hút và giữ chân dòng vốn đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo như ban hành chính sách đặc thù thu hút vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực...

Đặc biệt, Chính phủ đang tập trung phát triển nguồn nhân lực cho các ngành bán dẫn và AI, đồng thời triển khai các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài trong các ngành công nghệ chiến lược. Khuôn khổ pháp lý cũng đang được xây dựng để nâng cao tính cạnh tranh của lĩnh vực đổi mới sáng tạo.

Ấn tượng về sự phát triển của làn sóng đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, ông Daren Tang, Tổng giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đánh giá, đất nước rất coi trọng sự đổi mới sáng tạo, đề cao giá trị của tài sản trí tuệ. Việt Nam đang sử dụng hiệu quả các công cụ để đo lường, đánh giá và khuyến khích đổi mới. Khi càng đổi mới sáng tạo, Việt Nam càng thu hút được thêm dòng vốn đầu tư chất lượng cao.

Sẵn sàng đón nhận nguồn vốn tư nhân

Để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, việc khơi thông hiệu quả hơn vốn đầu tư của khu vực tư nhân được coi là một “kim chỉ nam” của Việt Nam trong bối cảnh mới. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch tập đoàn NVIDIA Steven Truong nhận định, Việt Nam có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân.

Theo ông Steven Truong, lợi thế lớn của đất nước là lực lượng lao động trẻ. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 400.000 sinh viên tốt nghiệp Đại học. Đây là số lượng rất lớn để phát triển hệ sinh thái khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Còn ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó giám đốc NIC nhận thấy, Việt Nam có đủ điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới để cùng tạo dấu ấn về đổi mới sáng tạo.

Thứ nhất, Việt Nam có sự quyết tâm chính trị mạnh mẽ từ Đảng, Nhà nước trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển các ngành công nghệ tiên tiến.

Thứ hai, với dân số hơn 100 triệu người, Việt Nam đang trong giai đoạn “dân số vàng” có nguồn nhân lực trẻ đầy nhiệt huyết, năng động, khát vọng cống hiến, khả năng tiếp cận nhanh với các ngành khoa học, công nghệ. Đây là thị trường đầy tiềm năng cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

Thứ ba, đất nước đã hình thành được một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp toàn diện với sự tham gia của nhiều đối tác trong nước và quốc tế.

Thứ tư, Việt Nam đã xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn với nhiều ưu đãi cho khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi đặc biệt đã được ban hành như Nghị quyết 193/2025/QH15 về chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; Nghị định số 182/2024/NĐ-CP của Chính phủ về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư và đang tiếp tục sửa đổi các cơ chế, chính sách liên quan đến khoa học, công nghệ, đầu tư để tạo môi trường đầu tư thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Mới nhất, Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 4/5/2025 đã đi vào chính sách cụ thể để phát triển đổi mới sáng tạo. Đơn cử như cho phép khấu trừ 20% chi phí nghiên cứu-phát triển, miễn-giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ chi phí đăng ký sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước, khuyến khích chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài về khu vực tư nhân nội địa…

Việt Nam đã có nhiều cải cách trong việc thu hút và giữ chân dòng vốn đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo như ban hành chính sách đặc thù thu hút vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực...

Thời điểm vàng để bứt tốc

Như vậy, những định hướng, lợi thế, chính sách gần đây đã “mở đường” cho khu vực tư nhân “nhập làn” phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Vì vậy, ông Đỗ Tiến Thịnh cho rằng, đây là thời điểm vàng Việt Nam để bứt tốc trong đổi mới sáng tạo và nếu không tận dụng, cơ hội sẽ trôi qua như nhiều lần trước.

“Chưa bao giờ chính quyền, doanh nghiệp cảm nhận được sức nóng của đổi mới sáng tạo từ cơ chế chính sách như hiện nay. Để tận dụng thời điểm vàng, Việt Nam cần xây dựng hướng đi riêng. Điều đó đòi hỏi từ chính sách Nhà nước đến chiến lược đào tạo và phát triển nhân lực cần có sự đầu tư bài bản, đồng bộ và dài hạn. Các trường Đại học cần hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo. Điều này sẽ tạo ra bệ đỡ, thu hút nguồn lực tư nhân trong khởi nghiệp trong đổi mới sáng tạo”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Ramla Khalidi khuyến nghị, Việt Nam cần thu hút doanh nghiệp tư nhân bằng cách thúc đẩy cải cách doanh nghiệp Nhà nước. Điều này giúp cải thiện tổng thể môi trường đầu tư, kinh doanh về tính cạnh tranh, khả năng tiếp cận tài chính và các yêu cầu thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, đất nước có thể thực hiện một số chương trình thí điểm hợp tác công-tư để xây dựng phù hợp cho mục đích nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, từ đó tập trung và khai thác nguồn lực khác nhau. Đồng thời, tăng cường sự hợp tác giữa các đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp nước ngoài.

Ngoài ra, để khuyến khích doanh nghiệp thuộc mọi loại hình đầu tư vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp sáng tạo và công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam cần sử dụng một loạt các ưu đãi để thu hút vốn đầu tư từ trong nước và các nguồn lực nước ngoài vào các lĩnh vực ưu tiên này. Các bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, các trung tâm đổi mới sáng tạo, cần tiếp tục đóng vai trò là cơ quan hỗ trợ, thúc đẩy, tạo “sân chơi” thông thoáng, rộng mở cho các doanh nghiệp, quỹ và tổ chức, cá nhân đầu tư vào đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Khi nắm bắt được cơ hội vàng, Việt Nam sẽ gặt hái được thành quả trong việc thực hiện mục tiêu huy động nguồn lực tư nhân vào đổi mới sáng tạo, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế để xây dựng đất nước thịnh vượng và hùng cường.

Gia Thành

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khoi-thong-von-tu-nhan-but-pha-doi-moi-sang-tao-315143.html