Khởi tố 5 bị can trong vụ án xảy ra tại dự án Bệnh viện Bạch Mai 2 và Việt Đức 2
Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 5 đối tượng liên quan đến vi phạm tại dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức (tại tỉnh Hà Nam cũ).
Chiều 7/7, Ban Nội chính Trung ương đã thông báo kết quả phiên họp thứ 28 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực diễn ra vào sáng cùng ngày,
Tại buổi thông báo kết quả phiên họp, trả lời một số nội dung liên quan tới việc đầu tư xây dựng 2 dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, ông Nguyễn Hữu Đông - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, cuối năm 2024, Ban Chỉ đạoTrung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã giao cho Đảng ủy Chính phủ phải rà soát lại những khó khăn, vướng mắc và phải làm nhanh nhất để đưa dự án vào hoạt động. Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết tháo gỡ khó khăn, phấn đấu đưa dự án vào hoạt động từ tháng 11/2025.

Ông Nguyễn Hữu Đông - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương thông tin tại buổi thông báo kết quả phiên họp thứ 28 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Theo ông Nguyễn Hữu Đông, đối với 2 dự án này, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra và trong vòng 2,5 tháng, Thanh tra Chính phủ đã hoàn thành nhiệm vụ mà Ban Chỉ đạo giao. Từ kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ có một số nội dung liên quan đến vi phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý thẩm quyền. Từ kết quả điều tra bước đầu, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 5 người liên quan. Hiện, vụ việc đang tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Cũng tại buổi thông báo kết quả phiên họp, ông Đặng Văn Dũng - Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, trong những tháng cuối năm 2025 và trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo yêu cầu công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa, tập trung chỉ đạo hoàn thành các nhiệm vụ theo Chương trình công tác năm 2025 và các kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm - Trưởng Ban Chỉ đạo.
Trong đó có nội dung khẩn trương hoàn thành việc rà soát, làm rõ nguyên nhân, có phương án xử lý cụ thể đối với từng dự án, công trình chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài, hiệu quả thấp, nguy cơ gây thất thoát, lãng phí, chỉ đạo xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc đối với 2 dự án Bệnh viện Trung ương; các dự án năng lượng tái tạo; dự án giải quyết ngập do triều cường tại khu vực TP Hồ Chí Minh.
Tập trung điều tra, phấn đấu xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đảm bảo đến hết nhiệm kỳ XIII cơ bản không còn tồn đọng những vụ việc cũ. Nhất là chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Thuận An, Tổng Công ty xi măng Việt Nam, dự án sân bay Nha Trang, 2 dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Hơn 1.253 tỉ đồng bị lãng phí
Trước đó, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, cả hai dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức (tại tỉnh Hà Nam cũ) đều có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật trong nhiều khâu, từ đấu thầu, thiết kế, phê duyệt đến quản lý, thi công và sử dụng vốn đầu tư.
2 dự án này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014, với kỳ vọng giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trung ương, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên, sau 2 lần gia hạn (đến cuối năm 2024), cả 2 dự án vẫn không đạt tiến độ, chưa thể đi vào hoạt động, gây lãng phí lớn và bức xúc trong xã hội.
Theo Thanh tra Chính phủ, các vi phạm tại 2 dự án này đã dẫn đến tổng số tiền bị lãng phí, thiệt hại lên tới hơn 1.253 tỉ đồng. Trong đó, riêng việc điều chỉnh phương án móng cọc từ khoan nhồi sang ép cọc bê tông không đúng quy định đã làm phát sinh chi phí hơn 20,7 tỉ đồng. Thêm vào đó, việc dừng thi công từ tháng 1/2021 kéo dài khiến nhiều hạng mục xuống cấp, phát sinh thêm hàng trăm tỉ đồng chi phí bảo vệ, duy tu, điện nước, khắc phục hư hỏng…
Kết luận thanh tra nêu rõ: sai phạm xảy ra có sự liên quan trực tiếp của Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Y tế trong việc phê duyệt chủ trương thuê tư vấn nước ngoài lập và thiết kế dự án mà thiếu căn cứ, không đảm bảo điều kiện pháp lý. Các chỉ đạo trái quy định về đơn vị tư vấn, năng lực thẩm định, giám sát yếu kém là nguyên nhân chính dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng về tài chính và tiến độ.
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra quá trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án diễn ra sơ sài, thiếu nội dung thiết yếu, dẫn đến phải điều chỉnh ngay sau khi ký hợp đồng. Việc tạm ứng quá lớn, tới 503 tỉ đồng không có căn cứ vững chắc càng làm tăng nguy cơ thất thoát. Ở khâu lựa chọn nhà thầu, 4 gói thầu tư vấn bị xác định có hành vi cố ý vi phạm quy định đấu thầu, cùng một gói thầu thiết bị y tế sai phạm trong lập, thẩm định và thương thảo hợp đồng.
Đáng chú ý, các cán bộ Ban Quản lý dự án Y tế trọng điểm và đơn vị liên quan được đánh giá là “không đáp ứng năng lực, cố ý báo cáo sai, không trung thực và thiếu trách nhiệm trong quản lý đầu tư công”. Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến chậm tiến độ, đội vốn, xuống cấp công trình, đẩy người dân vào cảnh chờ đợi mòn mỏi vì hai bệnh viện trọng điểm vẫn “trùm mền” suốt nhiều năm qua.