Khởi tố thêm một số đối tượng liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng: Hậu quả của những 'cuồng ngôn' gây bão mạng
Theo chuyên gia pháp lý, các trường hợp bị CQĐT khởi tố đều tự cho mình cái quyền đứng trên người khác hoặc lợi dụng quyền tự do ngôn luận, quyền phát ngôn làm công cụ để trả thù, xúc phạm người khác. Sự 'cuồng ngôn' gây bão mạng của các đối tượng sẽ phải trả giá.
Mới đây, CA TP HCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với ông Đặng Anh Quân (Tiến sĩ - giảng viên Trường ĐH Luật TP HCM) về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Ông Đặng Anh Quân được biết đến với vai trò là cố vấn pháp lý cho bà Nguyễn Phương Hằng trong giai đoạn bà này có những livestream gây bão mạng. CA TP HCM xác định, ông Quân là khách mời, xuất hiện ở 11 buổi livestream của bà Hằng, trong giai đoạn từ tháng 10/2021- 3/2022.
CA TP HCM cũng tống đạt quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Trần Văn Sỹ (nguyên Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Vĩnh Long) về cùng tội danh trên. Trước đó, bà Nguyễn Phương Hằng có đơn gửi CA TP HCM, Bộ Công an đề nghị xử lý nhiều người, trong đó có ông Sỹ.
Liên quan đến diễn biến điều tra vụ án Nguyễn Phương Hằng, CA TP HCM còn khởi tố nhà báo Đặng Thị Hàn Ni cũng về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, theo điều 331 BLHS.
Luận bàn về những vụ án này, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, các cuộc "khẩu chiến" trên mạng xã hội của những người được cho là “có địa vị xã hội” trong thời gian qua, gây bất an dư luận.
Việc CQĐT khởi tố một số người về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân” là cần thiết, để đảm bảo an ninh, an toàn mạng, bảo vệ quyền tự do dân chủ của công dân.
Vị chuyên gia cho rằng, quyền tự do dân chủ là một trong những quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận, trong đó có quyền tự do báo chí, tự do hội họp, tự do ngôn luận, tự do lập hội...
Cụ thể, Điều 25, Hiến pháp năm 2013 quy định, công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.
Theo quy định của Hiến pháp, các quyền cơ bản của công dân không chỉ có quyền tự do dân chủ mà còn có các quyền khác, trong đó, Điều 21, Hiến pháp nêu rõ, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình, có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.
Ngoài ra, Hiến pháp còn quy định, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm. Không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm… Vì vậy, việc xử lý hình sự đối với một số người vì hành vi liên quan sẽ khiến việc phát ngôn trên không gian mạng, trên báo chí cũng như trong đời sống xã hội sẽ chừng mực hơn.
Về góc độ pháp lý, theo luật sư Thái, quyền tự do ngôn luận là khái niệm có tính chất định tính chứ không có tính chất định lượng, bởi vậy hành vi vượt quá quyền tự do này trong một số trường hợp là khó đoán định. Trong đó, ranh giới giữa xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vượt quá giới hạn quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân với ranh giới để xử lý hình sự là chưa rõ ràng, chưa có văn bản hướng dẫn.
Bởi vậy, việc xử lý hình sự đối với hành vi đi quá giới hạn của quyền tự do ngôn luận là rất dễ xảy ra, phụ thuộc vào đánh giá của cơ quan tố tụng về hậu quả. “Pháp luật không cấm việc bày tỏ quan điểm thái độ, không cấm việc khiếu nại, tố cáo, khởi kiện. Tuy nhiên, những phản biện xã hội, nội dung tố cáo, tố giác phải được thực hiện theo quy định của pháp luật, theo trình tự thủ tục luật định, chứ không phải là thấy bất mãn, bức xúc là muốn nói gì thì nói, muốn chửi ai trên không gian mạng thì chửi”, luật sư Thái cho hay.