Khối trường tư thục rất cần sự chia sẻ, đồng cam cộng khổ của phụ huynh
Bên cạnh những hỗ trợ, quan tâm của các cấp chính quyền, các trường tư thục ở Hà Nội cũng rất cần sự hỗ trợ, chia sẻ từ chính các phụ huynh.
17.580 giáo viên, nhân viên của 1.310 nhà trẻ, trường mầm non, tiểu học, Trung học phổ thông ngoài công lập không được hỗ trợ lương khi trường đóng cửa vì Covid-19. Đây là con số mới được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đưa ra.
Một trong các giải pháp mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đưa ra là đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố hỗ trợ tiền lương cơ bản hoặc trợ cấp cho giáo viên, đặc biệt là người có hoàn cảnh khó khăn, phải thuê nhà, có con nhỏ hoặc sức khỏe yếu.
Bên cạnh những hỗ trợ, quan tâm của các cấp chính quyền, các trường tư thục ở Hà Nội cũng rất cần sự hỗ trợ, chia sẻ từ chính các phụ huynh đang có con theo học ở trường.
Thầy Nguyễn Quốc Bình – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Khu đô thị Mỹ Đình – Hà Nội) cho biết: “Vừa qua, chúng tôi có thư ngỏ gửi đến phụ huynh mong muốn phụ huynh chia sẻ với nhà trường những khó khăn hiện nay.
Mục đích chính là kêu gọi cha mẹ học sinh nếu như có điều kiện đóng học phí cho các con, nếu gia đình nào không có điều kiện có thể nộp vào thời gian các con đi học lại.
Đặc biệt, nhà trường cũng đề nghị, còn cha mẹ học sinh nào còn nợ khoản học phí kỳ 1 cũng hoàn thành nghĩa vụ tài chính để nhà trường khắc phục các khó khăn”.
Thầy Bình nhấn mạnh, chúng ta cũng thấy một thực tế là các trường công có nguồn ngân sách từ Nhà nước để chi trả cho lương giáo viên, cho tất cả các hoạt đông dạy và học cơ bản nhất.
Dịch bệnh Covid-19 khiến học sinh phải nghỉ học nhưng có thể nói các trường công dù bị ảnh hưởng cũng không lớn lắm.
Tuy nhiên, các trường tư thục thì sự tồn tại và phát triển của mỗi nhà trường đều trông cậy vào học phí và các khoản đóng góp khác từ cha mẹ học sinh.
“Trong thời gian nghỉ học Covid-19 kéo dài hơn 2 tháng vừa qua, các trường hay các nhóm trẻ tư thục phải thuê mướn địa điểm chắc chắn họ gặp cực kỳ nhiều khó khăn. Bởi nhiều khoản chi phí vẫn phải chi trả.
Đặc biệt đối với các thầy cô giáo trường ngoài công lập, hầu hết các thầy cô đều từ các tỉnh khác nhau về Hà Nội dạy và học, có khá nhiều thầy cô giáo phải thuê nhà trọ, nguồn thu nhập chính chỉ trông cậy vào giảng dạy ở trong trường. Nên nếu các thầy cô không được hỗ trợ lương thì sẽ cực kỳ khó khăn”, thầy Bình đánh giá.
Nhiều trường mầm non tư thục đã... giương cờ trắng
Thầy Bình cũng dành sự quan tâm đặc biệt tới các thầy cô mầm non, tiểu học, giáo viên các môn học sinh chưa quan tâm lắm…sẽ khó khăn hơn gấp bội.
“Tôi có đọc trên các phương tiện thông tin đại chúng là Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa có đề xuất Thành phố một số hỗ trợ cho các trường ngoài công lập gặp khó khăn, đặc biệt là thầy cô đang gặp khó khăn hiện nay.
Với số lượng giáo viên, nhân viên làm việc ở các trường ngoài công lập lên đến hơn 45.000 là không hề nhỏ. Chắc chắn số người gặp khó khăn trong đó không phải là ít, họ cần sự quan tâm của các cấp quản lý.
Công đoàn giáo dục Thành phố Hà Nội đã có công văn hướng dẫn các giáo viên, nhân viên có khó khăn để có hỗ trợ ban đầu.
Đó là việc rất tích cực, kịp thời động viên thầy cô, các nhà trường trụ vững qua giai đoạn khó khăn này.
Chúng tôi cũng tha thiết mong sự chia sẻ, hỗ trợ chung tay cùng nhà trường để vượt qua khó khăn, cùng chăm lo tốt nhất cho học sinh”, thầy Bình nói.