'Không bán cái mình có, mà phải bán cái thị trường cần'
Bà Võ Hồng Anh, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương khuyến cáo, doanh nghiệp cần chuyển dịch sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường để tận dụng tốt Hiệp định CPTPP.
Hiệp định CPTPP mở ra nhiều cơ hội kinh doanh tại các thị trường mới
Tại tọa đàm “Hiệp định CPTPP - Đòn bẩy cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam” do báo Công Thương tổ chức ngày 28/7, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, những hiệp định FTA thế hệ mới như CPTPP đem tới mức độ cam kết sâu hơn và diện phủ rộng hơn. Về mặt phạm vi, bên cạnh việc cắt giảm thuế quan, còn mở rộng sang các lĩnh vực khác như sở hữu trí tuệ, người lao động…
Với Hiệp định CPTPP, phạm vi địa lý thị trường của các quốc gia tham gia cũng mở ra khá rộng. Các quốc gia tham gia nằm ở hai bên bờ của Thái Bình Dương, trong đó về phía khu vực châu Á có Việt Nam, Singapore, Malaysia... còn bờ bên kia đại dương có 4 nước châu Mỹ là Canada, Chile, Peru, Mexico.
Theo bà Hồng Anh, 3 trên tổng số 4 nước châu Mỹ là các quốc gia lần đầu tiên có quan hệ FTA với Việt Nam gồm Canada, Mexico và Peru. Có thể nói, kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam từ tháng 1/2019, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP, đặc biệt ở khu vực châu Mỹ đã tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sang Canada năm 2021 đạt 5,3 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2020 và tăng 75% so với thời điểm trước khi Hiệp định có hiệu lực.
Với thị trường Mexico, năm 2021, xuất khẩu sang thị trường này đã có bước nhảy vọt, đạt 4,6 tỷ USD, tăng 44,5% so với năm 2020 và 104% so với thời điểm trước khi Hiệp định có hiệu lực. Còn Peru, tuy mới phê chuẩn Hiệp định vào năm 2021 nhưng kim ngạch xuất khẩu cũng đạt 560 triệu USD, tăng trưởng 84,4% so với năm 2020. Và thị trường Chile, tuy chưa phê chuẩn Hiệp định, cũng đạt 1,7 tỷ USD, tăng 62,7% so với năm 2020.
Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam
Trong đó, về cơ cấu mặt hàng, hiện nay, kim ngạch cao nhất vẫn là mặt hàng điện thoại và linh kiện (chiếm 20%), máy vi tính, sản phẩm điện tử (16%), máy móc thiết bị phụ tùng (9%). Kế đó, hàng dệt may và giày dép cũng phát triển rất mạnh mẽ, chiếm lần lượt 10% và 7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Những mặt hàng này đang được hưởng lợi rất nhiều với các ưu đãi thuế quan lên tới 10% - 20% so với các đối thủ cạnh tranh.
Ngoài ra, một mặt hàng khác cũng được hưởng lợi rất nhiều từ Hiệp định CPTPP khi hầu hết các dòng thuế đều giảm về 0% đó là hàng thủy sản (chiếm 3% tổng kim ngạch xuất khẩu). Mặt hàng này cũng là hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam và đã gây dựng được thị phần tại các thị trường châu Mỹ trong CPTPP.
Theo đó, tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực vào thị trường Canada. Việt Nam là nguồn cung tôm lớn nhất cho Canada, chiếm 34% tổng giá trị nhập khẩu tôm của Canada; cá basa và cá ngừ chiếm khoảng 80% thị trường Canada. Đồng thời, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mexico cũng tăng trưởng tốt và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nhóm thị trường CPTPP. Giá trị xuất khẩu cá tra sang Mexico nửa đầu năm nay đã có tăng trưởng tới 70% và chiếm 35% tổng giá trị của toàn khối.
Nhưng chưa tận dụng được lợi thế
Bên cạnh đó, các mặt hàng sản xuất, nông sản chế biến khác của Việt Nam cũng có nhiều khả năng khai thác xuất khẩu sang các thị trường trong khối. Tuy nhiên hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thể tận dụng được nhiều lợi thế từ Hiệp định CPTPP.
Nguyên nhân của vấn đề này được chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam đánh giá, chủ yếu do yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ của Hiệp định.
Theo đó, ông Bình cho biết, quy định về xuất xứ hàng hóa trong CPTPP có nhiều hình thức khác nhau. Vì thế, doanh nghiệp phải có quá trình sản xuất, mua nguyên liệu, canh tác… theo tiêu chuẩn của Hiệp định. Điều này cũng đòi hỏi doanh nghiệp sẽ phải tập hợp các hồ sơ chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, chỉ dẫn hàng hóa, C/O...
Ngoài ra, năng lực cạnh tranh, yếu tố nguồn lực cũng là lý do doanh nghiệp Việt còn chưa tận dụng được hết hiệu quả từ Hiệp định. Các nước CPTPP đều là những nước phát triển và giàu có hơn Việt Nam, vì vậy, để hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan của Hiệp định, hàng hóa phải được nuôi trồng, sản xuất theo công nghệ mới, với yêu cầu về vốn và khoa học công nghệ cao, đồng thời phải đáp ứng tiêu chí nguồn nguyên liệu đến từ các nước nội khối.
"Đây là những yêu cầu không hề dễ dàng với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay", ông Bình nói.
Ông Lê Duy Bình cũng chỉ ra rằng Hiệp định CPTPP bắt đầu thực thi ngay gần thời điểm bắt đầu bùng phát dịch bệnh Covid-19 vì vậy, các doanh nghiệp không có điều kiện để tiếp thu đầy đủ thông tin về Hiệp định và khó có khả năng tiếp cận trực tiếp thị trường và quảng bá, kết nối với các đối tác tại thị trường mới. Hy vọng, trong thời gian tới, khi dịch bệnh đã được kiểm soát và hoạt động đi lại giữa các quốc gia trở lại bình thường, các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh thông tin, tìm hiểu thị trường và tận dụng tốt hơn lợi thế của hiệp định thế hệ mới này.
Đừng chỉ bán cái mình có, bán cái thị trường cần
Bà Võ Hồng Anh nêu thực trạng hiện nay, trong tổng giá trị xuất khẩu, đóng góp của khu vực FDI tương đối lớn. Tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu của khu vực công nghiệp nội địa Việt Nam sang thị trường châu Mỹ còn khiêm tốn. Đa số sản phẩm mới chỉ dừng ở gia công lắp ráp cho nước ngoài, giá trị gia tăng chưa cao.
Bên cạnh đó, hàm lượng chế biến trong các sản phẩm xuất khẩu vẫn còn chưa cao, như các sản phẩm nông thủy sản chủ yếu là xuất khẩu sản phẩm thô, sản phẩm đông lạnh, dẫn tới giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cao, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường.
Đồng thời, các doanh nghiệp còn gặp vấn đề khoảng cách địa lý xa xôi, chi phí vận chuyển cao, thời gian vận chuyển dài, rào cản về mặt ngôn ngữ và các tiêu chuẩn chất lượng cao của các thị trường như tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, các yêu cầu đối với các quy trình sản xuất như trách nhiệm xã hội, trách nhiệm môi trường, tiêu chuẩn lao động…
Vì vậy, trong thời gian tới, bà Hồng Anh khuyến nghị các doanh nghiệp cần chú trọng hơn nữa vào việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng giá trị gia tăng trong các sản phẩm, hướng tới sản phẩm xanh, bền vững. Đồng thời doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu kỹ càng nhu cầu, thị hiếu của thị trường theo phương châm “không bán cái mình có, mà phải bán cái thị trường cần”.
Trong đó, cần tập trung vào cải tiến công nghệ sản xuất, dây chuyền chế biến, nâng cao hàm lượng gia công, chế tác, đa dạng hóa mẫu mã cũng như quy cách đóng gói sản phẩm…để không chỉ đáp ứng thị hiếu khách hàng mà còn cả các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định của thị trường.
Đây là cơ hội để thay đổi về chất
Ông Lê Duy Bình cũng cho rằng, bên cạnh những thách thức, Hiệp định CPTPP cũng là cơ hội để các doanh nghiệp thay đổi cơ cấu và nâng cao khả năng sản xuất, đáp ứng các tiêu chí bền vững, lao động, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất của các thị trường với yêu cầu cao và khắt khe hơn.
Đây chính là lợi thế doanh nghiệp có thể thu được trước áp lực của hội nhập, để có sức cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên thị trường nội địa và có khả năng thâm nhập các thị trường khác ngoài CPTPP.
Bên cạnh đó, ông Bình nhận định thương mại đi trước và đầu tư theo sau. CPTPP đang tạo nhiều cơ hội cho Việt Nam trong việc thu hút nguồn đầu tư chất lượng cao hơn từ các thành viên CPTPP. Nếu tận dụng được thì chất lượng đầu tư vào Việt Nam sẽ tăng lên. Ngược lại, trong tương lai, doanh nghiệp có thể đầu tư sang quốc gia CPTPP chứ không chỉ tập trung tăng trưởng xuất nhập khẩu.
Ông Trần Thanh Hải lưu ý các doanh nghiệp về nguy cơ bị điều tra và áp các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước đối tác khi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có sự tăng vọt. Ông Hải cho rằng đây là điều tất yếu và là biện pháp để các quốc gia bảo vệ nền sản xuất trong nước.
"Các doanh nghiệp cần chuẩn bị, thu thập thông tin, số liệu về sản xuất của doanh nghiệp để bảo vệ bản thân và ngành hàng trước các cuộc điều tra của nước bạn", ông Hải nói.