Không bất chấp để phát triển kinh tế

Vườn quốc gia Bạch Mã vừa có thông báo về việc cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch, thu hút sự quan tâm của dư luận. Dù chủ trương đã 'mở cửa' hơn nhưng để đầu tư vào đây là điều không hề dễ dàng, đồng thời đòi hỏi phải hết sức thận trọng, bài bản, lấy bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học là yếu tố hàng đầu.

Hải Vọng Đài ở đỉnh Bạch Mã là điểm đến lý tưởng, ngắm cảnh toàn bộ vùng núi rừng và cảnh quan tự nhiên

Hải Vọng Đài ở đỉnh Bạch Mã là điểm đến lý tưởng, ngắm cảnh toàn bộ vùng núi rừng và cảnh quan tự nhiên

Suốt nhiều năm qua, không ít các doanh nghiệp đã khảo sát với mong muốn đầu tư phát triển du lịch ở Vườn quốc gia Bạch Mã (huyện Phú Lộc, TP Huế), nhưng vì yêu cầu chặt chẽ về bảo tồn, các giải pháp bảo vệ môi trường… đã khiến cho câu chuyện chỉ nằm trên giấy.

“Đà Lạt, Sa Pa của miền Trung”

Sau khi Bộ NN&PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phê duyệt “Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia Bạch Mã giai đoạn 2024-2030”, Vườn quốc gia Bạch Mã đã thông báo việc cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí. Việc kêu gọi đầu tư vào Bạch Mã là bước đột phá, kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội cho phát triển du lịch tại địa phương.

Mục tiêu của Đề án sẽ từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng du lịch và thiết lập 14 tuyến và 12 điểm du lịch hấp dẫn. Đến năm 2030, thu hút được 5-10 nhà đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa để kinh doanh phát triển du lịch dịch vụ.

Phấn đấu đến năm 2030 và các năm tiếp theo, lượng khách tham quan hằng năm đạt trên 300.000 lượt tại các điểm và tuyến du lịch tại Vườn quốc gia Bạch Mã; tốc độ tăng trưởng bình quân từ 15%; doanh thu du lịch đạt 100-150 tỉ đồng.

Việc phát triển du lịch dịch vụ cũng sẽ tăng nguồn thu để tái đầu tư hiệu quả Phương án quản lý, bảo tồn và phát triển rừng bền vững Vườn quốc gia Bạch Mã, giai đoạn 2021 - 2030.

Vườn quốc gia Bạch Mã là phần cuối của dãy Trường Sơn Bắc, có địa hình đa dạng, chuyển tiếp từvùng núi thấp đến đai cao trên 1.712m, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa và được xem là “Đà Lạt, Sa Pa của miền Trung”.

Hiện nay vườn có tổng diện tích tự nhiên hơn 37.423 ha và nổi tiếng về đa dạng sinh học. Với nhiều tiềm năng và lợi thế, Đề án của Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã quy hoạch phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại 12 điểm với diện tích hơn 2.535 ha, gồm: Đỉnh núi Bạch Mã; chân núi Bạch Mã; Hồ Truồi; khu vực ColdeBay (Mỏ Rang); Khe Ao; Thác trượt Bạch Mã; Khe Su; điểm du lịch Đá Dựng; Nhị Hồ; Thác Mơ; Thác Phướn; Chà Măng - Thượng Nhật.

Cùng với đó là quy hoạch 14 tuyến du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí với tổng diện tích là 1.653,9 ha, tổng chiều dài các tuyến hơn 182 km. Nguồn vốn thực hiện đề án khoảng hơn 2.000 tỉ đồng, gồm nguồn ngân sách, nguồn thu hoạt động sự nghiệp của Vườn quốc gia Bạch Mã và nguồn xã hội hóa từ kêu gọi đầu tư.

“Mở cửa” nhưng thực hiện chặt chẽ

Ông Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc Vườn quốc gia Bạch Mã cho biết, sau khi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nộp hồ sơ đơn vị sẽ tổ chức chấm điểm với những yêu cầu chặt chẽ, tuân thủ các quy định tại Nghị định 91/2024/ NĐ-CP và các yêu cầu liên quan khác. Do đó, khả năng sẽ còn tiếp nhận hồ sơ nhiều đợt khác nhau.

Vườn quốc gia Bạch Mã sẽ chấm điểm hồ sơ đăng ký thuê môi trường rừng theo các tiêu chí, như năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư liên quan đến hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; phương án tổ chức kinh doanh phùhợp với Đề án; phương án tài chính, dự kiến nguồn thu và giá chi trả cho việc thuê môi trường rừng; phương án xử lý tài sản sau khi hết thời hạn hợp đồng; cam kết thời gian triển khai thi công dự án (nếu có), thời gian hoàn thành đưa vào khai thác; các điều kiện chuyên môn khác về quản lý rừng bền vững…

Đặc biệt, phương án đầu tư, xây dựng phùhợp với Đề án được duyệt, hạn chế tối đa các ảnh hưởng tiêu cực đến rừng; xây dựng các công trình ở những nơi đất chưa có rừng hoặc các khoảng trống dưới tán rừng nhằm hạn chế việc ảnh hưởng tiêu cực đến các hệ sinh thái rừng hiện có khi cho phép làm du lịch sinh thái.

Theo ông Linh, để triển khai đầu tư vào Bạch Mã phải qua các bước thủ tục rất chặt chẽ. Đơn vị “mở cửa” để kêu gọi đầu tư nhưng phải bài bản, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về lâm nghiệp, xây dựng, phù hợp với quy hoạch của ngành và địa phương; đặc biệt là chặt chẽ về bảo tồn, chứ không phải làm bất chấp để làm kinh tế.

Nhắc lại những năm trước đây, ông Linh cũng cho biết nhiều doanh nghiệp đã khảo sát Bạch Mã, có đơn vị lập đề án phát triển du lịch ở đây và tổ chức các hội thảo tham vấn nhưng sau đó do vướng mắc các quy định pháp luật nên đã phải dừng. Cùng với đó, một số đơn vị muốn khai thác Bạch Mã theo kiểu “đại trà”; có đơn vị lập đề xuất về xây dựng cáp treo lên Bạch Mã nhưng không phùhợp thực tế.

“Tôi tin rằng lần này là cơ hội thực sự để phát triển du lịch tại Bạch Mã, bởi có hướng dẫn pháp lý rõ ràng và được thẩm định kỹ, đã được Bộ Nông nghiệp và Môi trường phê duyệt Đề án. Các doanh nghiệp cũng thực sự quan tâm về việc thuê môi trường rừng, dựa vào rừng để phát triển dịch vụ du lịch và qua đó, chủ rừng cũng có thêm thu nhập để quay trở lại đầu tư bảo vệ rừng và bảo tồn sinh thái”, ông Linh nhấn mạnh.

Du khách trải nghiệm ngắm bình minh ở Bạch Mã

Du khách trải nghiệm ngắm bình minh ở Bạch Mã

Nên khai thác thế nào?

Nhiều chuyên gia khẳng định, Vườn quốc gia Bạch Mã sở hữu nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái bền vững.

Việc khai thác cần được thực hiện bài bản, đồng bộ và chú trọng đến bảo vệ môi trường, nhằm đưa Bạch Mã trở thành điểm đến hấp dẫn trong bản đồ du lịch Việt Nam.

Hiện nay, vườn đang kết nối khai thác một số tour, tuy nhiên lượng du khách đến đây vẫn còn hạn chế so với tiềm năng và thế mạnh của vườn. Theo thống kê, trong năm 2024, Bạch Mã đón hơn 21.000 lượt khách, trong đó gần 5.000 lượt khách quốc tế.

Việc phát triển du lịch ở đây phải tinh tế và tôn trọng tuyệt đối cảnh quan tự nhiên, tránh mô hình đại trà, xây dựng bê tông hóa hoặc khu vui chơi thương mại hóa… nơi đây.

(Ông HOÀNG PHƯỚC NHẬT, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Huế)

Ông Hoàng Phước Nhật, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Huế, nhận định: Vườn quốc gia Bạch Mã mở cửa cho thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí là một chủ trương có tiềm năng lớn, nhưng cũng cần được thực hiện rất thận trọng, nhằm đảm bảo phùhợp với định hướng phát triển bền vững của TP Huế và không ảnh hưởng đến hệ sinh thái quý giá nơi đây.

“Từ góc nhìn của ngành du lịch địa phương, Vườn quốc gia Bạch Mã cần được phát triển theo mô hình du lịch sinh thái chất lượng cao, quy mô nhỏ, có kiểm soát chặt chẽ, lấy “bảo tồn - trải nghiệm - giáo dục” làm trọng tâm. Việc phát triển du lịch ở đây phải tinh tế và tôn trọng tuyệt đối cảnh quan tự nhiên; tránh mô hình đại trà, xây dựng bê tông hóa hoặc khu vui chơi thương mại hóa nơi đây”, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Huế nhấn mạnh.

Theo ông Nhật, nên tổ chức các dịch vụ và khai thác Bạch Mã theo hướng phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm bền vững, trong đó ưu tiên tổ chức tour khám phá thiên nhiên như trekking, tham quan thác Đỗ Quyên, Ngũ Hồ, Hải Vọng Đài; hay chương trình “Đêm rừng Bạch Mã” quan sát động vật hoang dã vào ban đêm dưới sự hướng dẫn của chuyên gia. Cần tăng cường dịch vụ hướng dẫn viên chuyên nghiệp về rừng, sinh thái học để nâng cao trải nghiệm và hiểu biết cho du khách.

Ngoài ra, nên phát triển các dịch vụ nghỉ dưỡng quy mô nhỏ, thân thiện với môi trường. Xây dựng khu nghỉ dưỡng sinh thái thấp tầng, diện tích nhỏ, lắp ghép tạm và hài hòa với thiên nhiên; mô hình homestay hoặc eco-lodge có thể gắn với cộng đồng dân cư ven rừng.

Ứng dụng công nghệ trong quản lý du lịch, đặt vé trực tuyến để giới hạn số lượng khách vào từng khu vực hằng ngày; có ứng dụng cung cấp bản đồ sinh thái, thông tin thảm thực vật, cảnh báo thời tiết nâng cao trải nghiệm cho du khách.

Đặc biệt, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Vườn quốc gia Bạch Mã với ngành du lịch và cộng đồng, đảm bảo mọi hoạt động du lịch đều tuân thủ các nguyên tắc bảo tồn, đúng với quy hoạch của Huế về “du lịch xanh - sạch đặc sắc”…

SƠN THÙY; ảnh: VQG Bạch Mã

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/du-lich/khong-bat-chap-de-phat-trien-kinh-te-136221.html