Quảng Nam - vùng đất của đa dạng sinh học

Tỉnh Quảng Nam là vùng đất của di sản văn hóa, cũng là một trong những địa phương có hệ sinh thái rừng phong phú nhất Việt Nam. Với diện tích rừng tự nhiên lớn thứ hai cả nước, nơi đây đang lưu giữ hàng trăm loài động thực vật quý hiếm, trong đó nhiều loài đã được ghi danh trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới.

Với hơn 681.000ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 59%, rừng ở Quảng Nam không chỉ được ví như “lá phổi xanh” của miền Trung mà còn là nơi cư trú của 1.129 loài thực vật bậc cao, hơn 50 loài thú lớn, 270 loài chim và hàng chục loài bò sát, lưỡng cư quý hiếm. Trong đó, các cánh rừng nguyên sinh trải dài từ vùng cao Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My,... cho tới Núi Thành, Phú Ninh… là nơi cư trú của nhiều loài động vật đặc hữu như sao la, voọc chà vá chân xám, mang Trường Sơn, thỏ vằn, rùa cổ sọc, cùng với các loài thực vật quý như trầm hương, chò chỉ, lan kim tuyến, sâm Ngọc Linh...

Rừng tại Quảng Nam có độ che phủ lớn và đa dạng sinh học cao.

Rừng tại Quảng Nam có độ che phủ lớn và đa dạng sinh học cao.

Quảng Nam đã hình thành các khu dự trữ sinh quyển như Cù Lao Chàm, Khu rừng đặc dụng như vườn quốc gia như Vườn Quốc gia Sông Thanh, khu bảo vệ voọc, khu khoanh vùng bảo vệ các loài tự nhiên từ rừng đến biển. Có thể khẳng định các khu vực đã được bảo vệ một cách nghiêm ngặt và trong quá trình bảo vệ đó đã được các tổ chức quốc tế như WWF, tổ chức Green Viet và từng nguồn lực của Quảng Nam đã tập trung, chung tay bảo vệ và giữ gìn.

Nhằm thực hiện mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, đến nay tỉnh Quảng Nam đã thành lập 7 khu bảo tồn thiên nhiên, gồm một phần Vườn quốc gia Bạch Mã, Vườn quốc gia Sông Thanh, các khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao La và voi, Khu dự trữ thiên nhiên Ngọc Linh, Khu bảo vệ cảnh quan di tích Mỹ Sơn và Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.

Ngoài ra, còn có Công viên chăm sóc và bảo tồn động vật Vinpearl River Safari Nam Hội An - một cơ sở góp phần quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học. Các khu bảo tồn này đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì môi trường sống tự nhiên, an toàn cho các loài động vật hoang dã, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển lâu dài của hệ sinh thái.

PV

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/phong-su-tu-lieu/quang-nam-vung-dat-cua-da-dang-sinh-hoc-i769314/