Không ''bỏ trứng vào một giỏ''

Những ngày này, giới doanh nghiệp Đồng Nai lẫn cả nước đang ở trong tâm lý hồi hộp vì chưa biết thiệt hại kinh tế bởi dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra sẽ lớn đến đâu và kéo dài trong bao lâu.

Nhưng, tác động “nhãn tiền” của nó thì đã xảy ra. Khi Việt Nam buộc phải hạn chế trao đổi mậu dịch qua biên giới với Trung Quốc, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực sang Trung Quốc đã ùn ứ nặng, phải kêu gọi “giải cứu” như một biện pháp gỡ khó tức thời, dù biện pháp này về cơ bản là không mấy tác dụng.

Hiện tại, Chính phủ đã thực hiện chính sách “kép”, bằng cách vừa thận trọng xuất khẩu hàng, vừa kiểm soát chặt chẽ hết mức có thể để dịch bệnh không lan vào lãnh thổ Việt Nam, do đó nông sản đã bớt ùn ứ, dù vẫn gặp không ít khó khăn.

Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Việt Nam thêm một lần nữa tập trung vào việc “đa phương hóa” thị trường xuất khẩu, bằng cách mở rộng thị trường đến các quốc gia, khu vực mới, giao thương hàng hóa đa dạng hơn, chứ không chỉ lệ thuộc vào 1-2 thị trường truyền thống.

Từ 10 năm nay, khi tham gia sâu hơn vào hội nhập, trở thành một trong những nền kinh tế trẻ trung, năng động và có “độ mở” lớn nhất thì câu chuyện đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu để bớt lệ thuộc thị trường Trung Quốc đã được Chính phủ rất quan tâm. Mục tiêu lớn và có tính lâu dài của Chính phủ là kinh tế Việt Nam sẽ là một nền kinh tế đa dạng về đối tác, không quá thiên về một thị trường nào. Bởi một thực tế rõ ràng là khi gặp bất cứ “sự cố” gì, từ căng thẳng thương mại hay tác động bởi dịch bệnh, thì Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng lớn nếu chỉ “bỏ trứng vào một giỏ” - tức là quá lệ thuộc vào một thị trường nào đó.

Chính vì nhận thức được điều đó nên những năm gần đây, Việt Nam đã ráo riết thực hiện đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, củng cố “độ mở” của nền kinh tế hết mức có thể để hàng hóa Việt Nam xuất khẩu rộng khắp toàn cầu chứ không chỉ quanh quẩn ở vài thị trường truyền thống. Bằng 16 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đã và đang được đàm phán, ký kết, thị trường xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam xem như đã có tấm giấy “thông hành” đến những thị trường quan trọng trên thế giới: Mỹ, Liên minh châu Âu, các nước thuộc Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, ASEAN, các quốc gia châu Mỹ La tinh... với những cam kết giảm thuế đến mức thấp nhất có thể. Chính phủ cũng liên tục tổ chức các diễn đàn kết nối cung - cầu, các đợt xúc tiến thương mại tại nhiều quốc gia, châu lục... để tạo điều kiện tốt nhất cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu.

Mong muốn và định hướng của Chính phủ thì đã rõ. Vấn đề còn lại là ở các doanh nghiệp Việt Nam bởi chính sách đã có, thuế tại nhiều thị trường đã giảm, thông tin đã có... thì xuất khẩu hàng đi được hay không còn do chính bản thân từng doanh nghiệp. Nhiều chuyên gia khuyến cáo, những lúc có biến động thị trường (do dịch bệnh như hiện nay) cũng là lúc doanh nghiệp không nên chủ quan, lười biếng, chỉ an tâm lệ thuộc vào vài thị trường truyền thống, mà phải tìm tòi, nắm bắt thông tin, tìm kiếm đối tác, tăng cường nội lực đa dạng hóa thị trường để khi bất kỳ sự cố nào xảy ra, vẫn có những “kế hoạch B” chờ sẵn, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất.

Vi Lâm

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chuyenmuc/thoidam/202002/khong-bo-trung-vao-mot-gio-2990375/