Không cấp dưỡng cho cha mẹ ốm nặng, con bị xử lý như thế nào?

Theo luật sư, con cái có nghĩa vụ cấp dưỡng trong trường hợp cha mẹ ốm nặng, không còn khả năng lao động. Nếu vi phạm, tùy thuộc mức độ có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Sau cơn bạo bệnh, bố tôi hiện nằm liệt giường và không còn khả năng lao động. Gia đình có 2 người con, anh trai tôi là người đang chăm sóc và chi trả mọi chi phí cho bố. Trường hợp này, nếu anh trai tôi đã chấp nhận chi trả mọi chi phí, tôi có nghĩa vụ phải cấp dưỡng cho bố nữa không?

Anh P.Q.H. (35 tuổi, ở Bắc Giang).

Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng đội

Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định con cái phải yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ và có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật. Trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.

Theo khoản 24, Điều 3 Luật này, cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng. Việc cấp dưỡng được thực hiện nếu đó là người chưa thành niên, đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu.

Điều 111 Luật này quy định con đã thành niên không sống chung với cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha, mẹ trong trường hợp cha, mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Đối với trường hợp của bạn, gia đình có 2 người con còn bố bạn hiện nằm liệt giường, tức không còn khả năng lao động. Do đó, đối chiếu các quy định đã nêu, bạn và anh trai đều có nghĩa vụ cấp dưỡng cho bố. Nếu anh trai bạn được xác định là người nuôi dưỡng bố trực tiếp, trách nhiệm cấp dưỡng sẽ được miễn.

Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ theo tháng, quý, năm hoặc mỗi một lần. Phương thức, mức độ cấp dưỡng do bạn và anh trai thỏa thuận. Trường hợp không thể thỏa thuận thì có thể yêu cầu tòa án giải quyết.

Theo Điều 118 Luật Hôn nhân và gia đình, nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ kết thúc nếu người được cấp dưỡng đã chết, người cấp dưỡng trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn...

Về chế tài xử phạt, Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định người có hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ bị phạt tiền 5-10 triệu đồng, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng theo quy định.

Trường hợp hành vi làm cho cha, mẹ lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe thì có thể bị xử lý hình sự về tội Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng (Điều 186) hoặc Không chấp hành án (Điều 380, trường hợp có bản án có hiệu lực của tòa án để giải quyết) tại Bộ luật Hình sự 2015.

Hoàng Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khong-cap-duong-cho-cha-me-om-nang-con-bi-xu-ly-nhu-the-nao-post1423179.html