Không cấp tín dụng cho cổ đông sở hữu cổ phần vượt giới hạn tại tổ chức tín dụng

Đây là một trong những nội dung tại dự thảo Thông tư đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến.

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định việc ngân hàng thương mại có cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ quy định tại Điều 55 của Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 17/2017/QH14 xây dựng và thực hiện lộ trình để bảo đảm tuân thủ các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

Không cấp tín dụng cho cổ đông sở hữu cổ phần vượt giới hạn tại tổ chức tín dụng. Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ

Không cấp tín dụng cho cổ đông sở hữu cổ phần vượt giới hạn tại tổ chức tín dụng. Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ

Luật Các Tổ chức tín dụng 2024 đã có thay đổi về tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cổ đông, một cổ đông và người có liên quan, thay đổi cách xác định người có liên quan, sở hữu cổ phần gián tiếp. Bên cạnh đó, trên cơ sở rà soát, đánh giá việc thực hiện Thông tư 06/2015/TT-NHNN ngày 01/6/2015 quy định thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định tại Điều 55 Luật Các Tổ chức tín dụng 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung) (Thông tư 06) cho thấy việc thực hiện Thông tư 06 thời gian qua còn phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, theo Ngân hàng Nhà nước, việc ban hành Thông tư này là cần thiết trong thời gian tới để xử lý các khó khăn, vướng mắc đã phát sinh trong thực tiễn.

Dự thảo Thông tư quy định rõ về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; xây dựng lộ trình tuân thủ, thực hiện lộ trình tuân thủ, trách nhiệm của các ngân hàng thương mại.

Theo dự thảo, ngân hàng thương mại và tổ chức, cá nhân liên quan tại lộ trình tuân thủ có trách nhiệm thực hiện lộ trình tuân thủ đã gửi Ngân hàng Nhà nước.

Trong thời gian thực hiện lộ trình tuân thủ, trường hợp cần thiết, ngân hàng thương mại phối hợp với các tổ chức, cá nhân liên quan điều chỉnh biện pháp áp dụng và lộ trình thực hiện nhưng phải đảm bảo thời hạn lộ trình tuân thủ. Ngân hàng thương mại gửi lộ trình tuân thủ được điều chỉnh trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính đến Ngân hàng Nhà nước (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng), cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ liên quan đến lộ trình tuân thủ.

Cổ đông, cổ đông và người có liên quan tại ngân hàng thương mại sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ không được tăng số lượng cổ phiếu nắm giữ tại ngân hàng dưới mọi hình thức cho đến khi đảm bảo tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần theo quy định, trừ trường hợp nhận cổ phiếu thưởng hoặc cổ tức bằng cổ phiếu.

Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng hoặc cấp tín dụng mới (trong trường hợp đã cấp tín dụng) cho cổ đông, cổ đông trong nhóm cổ đông có liên quan đang sở hữu cổ phần vượt giới hạn hoặc người có liên quan của các cổ đông đó.

Cổ đông, nhóm cổ đông có liên quan đang sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ chưa được nhận cổ tức bằng tiền mặt (nếu có) đối với số cổ phần nắm giữ vượt giới hạn cho đến khi đảm bảo tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần theo quy định.

Trường hợp ngân hàng thương mại, cổ đông, cổ đông và người có liên quan không thực hiện đúng theo lộ trình tuân thủ, tùy theo tính chất, mức độ, Ngân hàng Nhà nước xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Ngân hàng Nhà nước, biện pháp trên nhằm hạn chế việc cổ đông gia tăng số lượng cổ phiếu nắm giữ gây khó khăn hơn trong việc tuân thủ lộ trình.

Duy Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khong-cap-tin-dung-cho-co-dong-so-huu-co-phan-vuot-gioi-han-tai-to-chuc-tin-dung-340546.html