Không chấp nhận gian dối
Thời điểm này hàng năm, danh sách các giáo sư (GS) và phó giáo sư (PGS) được công nhận của năm bắt đầu được công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đây không chỉ là học hàm quan trọng được công nhận bởi Hội đồng GS Nhà nước mà quan trọng hơn, đó là sự ghi nhận đầy tôn trọng và tin tưởng đối với những người được xem là 'bác học' trong lĩnh vực, chuyên ngành của mình.
Việc phong danh GS, PGS năm nay phải lùi lại thời hạn công bố danh sách này để thẩm tra lại các hồ sơ ứng viên có đơn thư tố cáo là việc bất đắc dĩ, nhưng không thể không làm. Dù mất thời gian, thậm chí nhiều thời gian nhưng bài học năm 2018 vẫn còn đó.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ GDĐT, Chủ tịch Hội đồng Chức danh GS Nhà nước Phùng Xuân Nhạ nghiêm túc xem xét, rà soát kỹ lưỡng việc công nhận chức danh GS, PGS năm 2017. Khi đó, 95 GS và PGS đã được công nhận năm đó phải gác lại hồ sơ chờ rà soát lần 2...
Nhắc lại chuyện này để thấy, kể cả khi đã được trao học hàm GS, PGS thì cũng có thể bị rà soát lại hồ sơ nếu xuất hiện những nghi ngờ có đủ cơ sở khoa học để tin tưởng. Bởi khoa học không chấp nhận sự gian dối.
Với cơ sở dữ liệu mở hiện nay, có thể dễ dàng tra cứu về những bài báo khoa học đăng trên tập san nào, số trích dẫn (hay chỉ số H), ai trích dẫn và số lần tự trích dẫn…. Đây là những yếu tố làm nên phẩm chất khoa học của mỗi ứng cử viên - điều quan trọng hơn số lượng công bố khoa học mà họ là tác giả hoặc đồng tác giả.
Quan điểm này cũng phù hợp với ý kiến của một nhà khoa học đề nghị cần xem xét các tiêu chuẩn, quá trình trong việc công nhận một cá nhân là GS, PGS, theo hướng cần chú trọng đến thực tế.
Cụ thể, ứng viên có công trình, sản phẩm, phát minh, sáng kiến... nào đang được sử dụng rộng rãi trong xã hội hoặc ngành của mình không. Đây mới là những căn cứ có tính thực tiễn cao hơn là một số bài báo khoa học có thể được mua bằng tiền.
Đây cũng là lý do một số quốc gia hiện nay đã bỏ việc phong “GS suốt đời” do sau khi đạt được học hàm này, nhiều người thỏa mãn và không nghiên cứu nữa.
Xã hội mong muốn những GS, PGS được công nhận không chỉ có những đóng góp khoa học ở thời điểm đó mà chặng đường dài phía sau này, họ vẫn tiếp tục có những cống hiến, phát triển cho nền khoa học nước nhà cũng như tri thức nhân loại nói chung.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/khong-chap-nhan-gian-doi-523155.html