Khống chế vốn vay bao nhiêu là hợp lý?

Mới đây, Tổng cục Thuế đã phối hợp với 6 cục thuế địa phương (Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bình Định, Vĩnh Phúc) tổ chức hội nghị rà soát dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số132/2020/NĐ-CP (Nghị định 132) của Chính phủ quy định về hóa đơn chứng từ.

Tại Hội nghị, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, sau 2 tháng lấy ý kiến bộ ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, Tổng cục Thuế đang tổng hợp ý kiến cơ quan, đơn vị. Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132 hướng đến tiệm cận với thực tế hoạt động của doanh nghiệp, tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế cũng như sự phát triển chung của nền kinh tế.

Nghị định số 132 quy định, chi phí lãi vay theo mức cao nhất 30% phù hợp với thông lệ quốc tế. Thực tế triển khai Nghị định số 132, việc khống chế chi phí lãi vay trong trường hợp doanh nghiệp vay ngân hàng gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Qua ý kiến phản ánh của doanh nghiệp, Tổng cục Thuế đã nghiên cứu, rà soát, thực tế tại Việt Nam, việc vay vốn ngân hàng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là hoạt động thường xuyên và phổ biến.

Trước đó, doanh nghiệp phản ánh, sau 3 năm thực thi, Nghị định 132 đã bộc lộ nhiều bất cập, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một trong những nút thắt đang khiến nhiều doanh nghiệp “kêu trời” là quy định khống chế mức trần của tổng chi phí lãi vay/EBITDA ở 30% (điểm a, Khoản 3, Điều 16).

Doanh nghiệp đánh giá, 30% là mức khống chế ở các nước phát triển. Việc áp dụng “thước đo” này không phù hợp với thực tiễn của Việt Nam - một nền kinh tế đang phát triển với hầu hết các doanh nghiệp đều có vốn mỏng, trong giai đoạn khởi nghiệp và cần phải sử dụng nhiều vốn vay - đang gây nhiều hệ lụy.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh, với quy định phần chi phí lãi vay không được trừ được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định.

Vì vậy, không nên và không cần thiết khống chế trần tổng chi phí lãi vay không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ của doanh nghiệp có giao dịch liên kết để phản ánh trung thực, đầy đủ, kịp thời bức tranh hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm minh doanh nghiệp có giao dịch liên kết có hành vi chuyển giá, kê khống chi phí để trốn lậu thuế và trong giai đoạn hiện nay thì chỉ nên áp dụng khoản 3 Điều 16 Nghị định 132/2020/NĐ-CP đối với doanh nghiệp nước ngoài có giao dịch liên kết và chưa áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Diên Vĩ

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/khong-che-von-vay-bao-nhieu-la-hop-ly-163816.html