Không chỉ COVID-19, nhiều dịch bệnh khác đang hoành hành ở Ukraine

Cùng với đại dịch COVID-19 tại Ukraine, khi đang trú ẩn tạm thời tại các tầng hầm, trạm xe điện ngầm… người dân không có đủ nước và vệ sinh đúng cách, nguy cơ bùng phát bệnh tả, bại liệt, sởi… là rất cao.

Dịch bệnh COVID-19 không được kiểm soát và gián đoạn tiêm chủng

Khủng hoảng y tế lên đến đỉnh điểm khi có sự góp mặt của COVID-19, trong khi khả năng tiếp cận chủng ngừa và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu đã bị suy giảm do hoạt động của các cơ sở y tế và đường xá bị đứt đoạn.

"Hoạt động xét nghiệm COVID-19 giảm, đồng nghĩa số lượng trường hợp lây nhiễm mà không được phát hiện rất cao", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết mới đây.

Ông Jarno Habicht, người đứng đầu văn phòng WHO tại Ukraine cũng cho biết, trên khắp đất nước Ukraine, tỷ lệ chủng ngừa COVID-19 đặc biệt thấp với chỉ khoảng 65% ở thủ đô Kiev, còn những khu vực khác tỷ lệ này chỉ đạt 20%. Điều này làm gia tăng nguy cơ bệnh tật hiểm nghèo".

140.000 trẻ em bị tạm dừng tiêm ngừa vaccine bại liệt

Ukraine đã phải vật lộn với một đợt bùng phát bệnh bại liệt do thiếu vaccine. Virus bại liệt đã được phân lập từ 19 người tiếp xúc khỏe mạnh. Do virus này chỉ gây tê liệt cho 1/200 người nhiễm, nên thực tế dịch bùng phát lớn hơn nhiều so với số lượng người được phát hiện. Hơn nữa, bệnh cũng tấn công vào cơ chế giám sát khiến cho virus có thể đang lây lan mà không bị phát hiện (theo cảnh báo của tổ chức Sáng kiến nhổ tận gốc bại liệt toàn cầu - GPEI, trụ sở ở Geneva). Cuộc xung đột đã làm dừng chiến dịch tiêm chủng kéo dài cho gần 140.000 trẻ em (phát động tiêm chủng từ ngày 1/2/2022).

Dịch bệnh sởi có nguy cơ quay trở lại

Dịch sởi cũng đang là vấn đề rất nan giải. Năm 2017, Ukraine đã trải qua một đợt bùng phát bệnh sởi và nó kéo dài đến năm 2020 với hơn 115.000 trường hợp mắc bệnh.

Năm 2020, báo cáo về tỷ lệ bao phủ toàn quốc với 2 liều vaccine bệnh sởi lên đến 82%. Đây là một cải thiện lớn trong chiến dịch tiêm chủng, nhưng vẫn không đủ để phòng ngừa dịch bùng phát.

Đáng lo hơn, độ bao phủ vaccine này tập trung tại các thành phố, còn ở một số tỉnh lẻ, chẳng hạn như Kharkiv, nơi có số lượng lớn người dân trốn khỏi cuộc xung đột thì độ bao phủ vaccine chưa đến 50%.

Bác sĩ đang tiêm vaccine ngừa sởi cho một bệnh nhi ở Trung tâm sức khỏe công thuộc Bộ y tế Ukraine. Ảnh nguồn: UNICEF

Bác sĩ đang tiêm vaccine ngừa sởi cho một bệnh nhi ở Trung tâm sức khỏe công thuộc Bộ y tế Ukraine. Ảnh nguồn: UNICEF

Bà Heather Papowitz, quản lý sự cố của WHO tại Ukraine phát biểu trong cuộc họp báo: "Khi người dân Ukraine di cư, chúng tôi phải mở rộng cơ chế giám sát ở những nước xung quanh đối với các bệnh bại liệt, bệnh sởi và COVID-19 để phòng ngừa bệnh lây lan".

Nguy cơ lao kháng thuốc gia tăng do bị đứt đoạn điều trị

Ukraine có tỷ lệ người gánh bệnh lao đa kháng thuốc cao nhất thế giới (MDR TB). Ước tính mỗi năm có khoảng 32.000 người mắc bệnh lao và khoảng 1/3 ca bệnh lao mới từ kháng thuốc.

Lao là căn nguyên hàng đầu gây chết người trong số những người nhiễm HIV. Bệnh càng thêm tồi tệ bởi sự đông đúc và nghèo đói. Lao lây lan qua các giọt đường hô hấp và khi sống trong môi trường chật chội, thiếu thốn thì nguy cơ lây lan bệnh rất cao.

Một nữ y tá của Bộ y tế Ukraine đang phân phối thuốc cho các bệnh nhân trong khu vực bệnh lao đa kháng thuốc (MDR-TB) ở Zhytomyr (Ukraine). Ảnh nguồn: Oksana Parafeniuk

Một nữ y tá của Bộ y tế Ukraine đang phân phối thuốc cho các bệnh nhân trong khu vực bệnh lao đa kháng thuốc (MDR-TB) ở Zhytomyr (Ukraine). Ảnh nguồn: Oksana Parafeniuk

Lao kháng thuốc phát sinh khi người bệnh không tuân thủ chế độ dùng thuốc hàng ngày. Bất kỳ sự gián đoạn điều trị nào cũng sẽ dẫn đến lao kháng thuốc, bao gồm cả lao đa kháng thuốc. Sau 5 năm không điều trị, 50% người bị lao phổi có thể tử vong. Trong khi đó bệnh nhân lại lây nhiễm cho nhiều người xung quanh. Mặt khác, nếu làm gián đoạn việc điều trị lao đa kháng thuốc thì có khả năng sẽ làm sản sinh ra những triệu chứng nghiêm trọng hơn, ít có loại thuốc nào có tác dụng trị khỏi.

Chẩn đoán và điều trị các trường hợp bệnh lao đã giảm 30% trong suốt thời gian xảy ra đại dịch COVID-19 trong 2 năm qua, dẫn đến làm tăng khả năng lây nhiễm.

Tiếp cận điều trị HIV/AIDS giảm

Ở Ukraine, ước tính 260.000 người đang sống chung với HIV tính đến cuối năm 2020. Trong đó chỉ 69% biết mình mang bệnh, 57% đang điều trị bằng thuốc kháng virus (ART) và 53% đã ức chế được virus (theo số liệu của Chương trình phối hợp Liên hợp quốc về HIV/AIDS - UNAIDS). Mục tiêu toàn cầu của UNAIDS là phấn đấu đạt được tỷ lệ 95% cho mỗi trường hợp trên vào năm 2025.

Nhưng việc tiếp cận điều trị HIV/AIDS cũng đang gặp nguy hiểm ở Ukraine - quốc gia đứng thứ 2 Đông Âu về số lượng người mắc căn bệnh này. Khoảng 1% dân số Ukraine mắc HIV/AIDS, tuy nhiên con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều, nhất là những nhóm người có nguy cơ cao: 7,5% trong cộng đồng đồng tính nam và khoảng 21% ở nhóm người tiêm chích ma túy.

Ông Raman Hailevich, Giám đốc UNAIDS phát biểu: "Chớ nên làm gián đoạn việc điều trị HIV".

Liệu pháp thuốc kháng virus ART có thể giữ HIV trong tầm kiểm soát và giúp bảo vệ chống lại các bệnh nhiễm trùng (lao; ngăn ngừa những người có nguy cơ lây nhiễm HIV; phòng ngừa lây từ mẹ sang con). Nếu dùng thuốc đúng cách, ART có thể giảm tải lượng virus xuống mức thấp nhất mà con người không thể lây truyền HIV. Nhưng nếu việc điều trị gián đoạn thì tình hình sẽ trở nên khó kiểm soát.

Mời độc giả xem thêm video:

Nguyễn Thanh Hải

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//khong-chi-covid-19-nhieu-dich-benh-khac-dang-hoanh-hanh-o-ukraine-169220321232627942.htm