Không chỉ dừng lại ở bồi thường cho người nuôi bò

Tình trạng hàng loạt bò sữa ở tỉnh Lâm Đồng đổ bệnh tiêu chảy rồi chết la liệt, cuối cùng cũng đã xác định được nguyên nhân ban đầu, là do nhiễm Pestivirus tauri (BVDV type 2) sau khi tiêm vắc xin viêm da nổi cục NAVET-LPVAC của Cty CP Thuốc thú y Trung ương Navetco. Hậu quả vô cùng nặng nề. Tính đến 16h ngày 19/8, toàn tỉnh Lâm Đồng có hơn 6.400 con bò bệnh, trong đó 348 con chết... và con số này vẫn còn có thể tăng thêm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nuôi bò sữa khác với chăn nuôi một số loại gia súc khác, là quy trình chăm sóc, chích ngừa rất nghiêm ngặt để đáp ứng yêu cầu chất lượng sữa của doanh nghiệp tiêu thụ sữa. Bò sữa được mỗi hộ nông dân nuôi trong nhiều năm, có thể là nguồn thu nhập nuôi sống cả gia đình người nuôi; nên con bò sữa không chỉ là loài vật giúp người nuôi có tiền, mà còn ít nhiều giữa người nuôi và vật nuôi có tình cảm với nhau.

Những ngày đi thực tế ghi nhận vấn nạn bò sữa lăn ra chết hàng loạt, chúng tôi nhiều lần nhìn thấy những người nông dân quay mặt giấu hai hàng nước mắt trước cảnh tượng những con bò tiêu chảy liên tục, xả cả ra máu, gầy gò chỉ còn da bọc xương, rồi quỵ xuống chết trước mắt người nuôi.

Hơn 1 tháng qua, chưa đặt ra vấn đề “ai đền cho tôi”, chưa đặt ra vấn đề nguy cơ mất nguồn thu nhập… nhiều nông dân chỉ khẩn khoản được chỉ cách nào chữa trị cho bò sữa. Nhưng “vô phương cứu chữa”. Ai rơi vào tình huống “thấy chết mà không thể cứu” mà chẳng đau đớn, xót xa.

Hôm qua (20/8), UBND tỉnh Lâm Đồng đã lập tổ công tác giám định và thực hiện đền bù cho nông dân có bò sữa chết và bị bệnh sau tiêm vắc xin NAVET-LPVAC do Cty Navetco sản xuất. Tổ công tác sẽ rà soát, thống kê, tính toán thiệt hại của nông dân có bò bị bệnh, chết do tiêm vắc xin; phối hợp Cty Navetco để thực hiện hỗ trợ, đền bù cho nông dân.

Trước đó một ngày, chiều 19/8, Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng đã tổ chức cuộc họp chỉ đạo tiếp tục triển khai các công tác khẩn trương xử lý, sớm ổn định tình hình chăn nuôi bò sữa trên địa bàn. Nhiều vấn đề đã được lãnh đạo tỉnh chỉ rõ, yêu cầu xử lý; như đánh giá cụ thể tình hình từng hộ chăn nuôi và từng loại, tình trạng bò chết để xây dựng kế hoạch, phương án bồi thường, hỗ trợ; căn cứ kết luận nguyên nhân gây bệnh (sau khi được công bố chính thức), xác định rõ trách nhiệm các bên liên quan trong việc bồi thường.

Trong chích ngừa vắc xin với gia súc, một số sự cố có thể xảy ra. Nhưng để xảy ra tình trạng loại vắc xin lần đầu sử dụng ở địa phương khiến hơn 6.400 con bò bệnh, hơn 348 con chết... thì đó không thể gọi là sự cố. Nông dân nuôi bò là người chịu thiệt thòi nhất. Con bò không chỉ là con bò, không chỉ là cân nặng bao nhiêu rồi tính toán ra tiền. Thiệt hại còn là nỗi đau đớn vì bò sữa chết, khổ công bao đêm ngày chạy chữa bất thành, mất nguồn thu nhập… khó có thể quy đổi rạch ròi ra tiền.

Vì vậy, không chỉ là việc bồi thường, mà lãnh đạo Lâm Đồng còn yêu cầu làm rõ vấn đề vì sao để hiện tượng bò chết lây lan ra tới 5 huyện? Quy trình đấu thầu; quá trình giao nhận, bảo quản, hướng dẫn sử dụng loại vắc xin này ra sao? Làm sao để “đại nạn” này không tái diễn một lần nào nữa, làm sao để lấy lại niềm tin trước vắc xin của nông dân nuôi bò, cũng là những điều quan trọng không kém chuyện bồi thường.

Hà Bắc

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/khong-chi-dung-lai-o-boi-thuong-cho-nguoi-nuoi-bo-post522541.html