Không chỉ dừng ở ước mơ

Tôi còn nhớ, nữ tiểu thuyết gia người Mỹ có tên là Louisa May Alcott (1832-1888) từng có một câu nói rất hay: 'Tất cả chúng ta đều có cuộc đời riêng để theo đuổi, giấc mơ riêng để dệt nên, và tất cả chúng ta đều có sức mạnh để biến mơ ước trở thành hiện thực, miễn là chúng ta giữ vững niềm tin'.

Thật ra, ước mơ nào cũng là viễn cảnh tươi đẹp, đáng để tôn thờ nhưng chẳng lẽ ta cứ mãi coi đó là thiên đường, là một cõi xa vời mà không bắt đầu hành trình hiện thực hóa ước mơ đó thì quả là đáng tiếc.

Sống xanh trở thành xu hướng mới của nhiều bạn trẻ.

Sống xanh trở thành xu hướng mới của nhiều bạn trẻ.

Hẳn, sau những lần đi du lịch hay xem qua những thước phim tài liệu, ai trong số chúng ta cũng đều ngưỡng mộ bầu không khí trong lành ở các nước phát triển: Đó là một Hà Lan tươi đẹp, thiên đường của 23 triệu xe đạp; đó là một Madrid (thủ đô của Tây Ban Nha) với 300.000 cây xanh; còn có hơn 3.800 km đường dành cho xe đạp ở Helsinki (Phần Lan); thành phố Vienna (Áo) có đến hơn 17.300 thùng rác; thành phố Honolulu (Mỹ) có thể chuyển đổi hàng ngàn tấn rác thải thành năng lượng điện...

Thú thực, người viết từng ngồi uống cà phê với những người bạn và nhâm nhi bàn luận về chân trời xa đó, rồi khi cúi xuống lại chạnh lòng vì một mẩu đầu lọc thuốc mà ai đó vứt dưới chân mình. Khoảng cách giữa mặt đất và những vì sao còn xa đến thế chăng? Chừng nào chúng ta có thể vượt lên để thở căng lồng ngực bằng oxy trong lành của thành phố mình?

Ngẫm ra, dù muộn vẫn phải bắt đầu “hành trình hiện thực hóa” những ước mơ chứ không thể đợi thời gian trôi qua trong sự nuối tiếc. Ai đã từng ghé qua Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ thấm thía sự ô nhiễm từ động cơ sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đấy là chưa kể đến những chiếc xe cũ nát, các lò nướng than... nhả khói gây ô nhiễm.

Nhưng, điều đáng bàn ở đây không chỉ là việc 6,9 triệu xe máy chạy xăng ở Hà Nội và khoảng 400.000 xe xăng ở TP Hồ Chí Minh sẽ dừng hoạt động vào thời điểm cụ thể nào mà rộng hơn là sự chủ động thay đổi thói quen. Liệu chúng ta có đang sa lầy vào chính thói quen vội vã của mình?

Cần quyết tâm, đồng lòng để không còn những thành phố ô nhiễm vì khói bụi.

Cần quyết tâm, đồng lòng để không còn những thành phố ô nhiễm vì khói bụi.

Hãy thử nhìn nhận vấn đề này từ các phương diện: Đọc lại trang báo cách đây 15 năm đã thấy một con số đáng lo ngại: “Mật độ phương tiện giao thông theo đăng ký đã đến mức báo động, cứ 1 km đường phải gánh đến 500 ôtô và 5.500 xe máy. Diện tích đường của Hà Nội hiện chỉ đáp ứng khoảng 40% lượng phương tiện giao thông đăng ký của thành phố, chưa kể lượng ôtô, xe máy từ ngoại tỉnh đổ vào hoạt động mỗi ngày” (theo: Xuân Hương (Báo Tin tức/Vietnam+).

Trong khi đó: “Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), số lượng xe máy bán ra trong quý IV-2024 là 760.734 chiếc, tăng 10,89% so với quý III-2024 và tăng 11,55% so với quý IV-2023” (theo: Hoàng Linh - Báo Hà Nội Mới).

Các con số đó cho thấy, cư dân của hai thành phố lớn đã và đang phải đối mặt với thách thức về mật độ phương tiện cá nhân hằng ngày lưu thông trên đường nhưng rồi chính họ lại tiếp tục mua sắm thêm phương tiện cá nhân để ngày ngày góp phần tạo ra sự ùn tắc đó mà không có sự lựa chọn nào khác. Liệu rằng, ngoài một “vòng xoáy” vô hình của giao thông đô thị khi khả năng phục vụ của phương tiện giao thông công cộng (xe bus, đường sắt trên cao) còn ở mức hạn chế; nhu cầu công việc cần len lỏi vào ngõ, ngách, hẻm, kiệt..., còn vấn đề thói quen và văn hóa giao thông nữa hay không?

Mới tuần trước, một người bạn tôi chia sẻ: lúc đạp xe từ nhà (Hà Đông) lên khu Hồ Gươm (chỗ làm) chỉ lo không đủ sức để đạp về đến nhà nhưng dần cũng quen. Ngẫm lại cuộc đời của anh bạn tôi mới thú vị làm sao.

Này nhé, thời sinh viên, anh từng đạp xe đi dạy gia sư. Khi ra trường, có việc làm, bạn phải vay mượn để mua được một chiếc xe Wave Alpha và sau khi lập gia đình, tích lũy dần, anh mua được các loại xe hơi từ phân khúc A đến phân khúc E. Nhưng, khi đã dư dả về vật chất, anh lại bỏ ra gần trăm triệu đồng để mua chiếc xe đạp hiệu Giant TCR ADV Pro 1D 2022.

Hành trình trở về với chiếc xe đạp của bạn tôi kéo dài 2 thập kỉ. Con đường vòng đó được biện giải bằng tốc độ cần thiết của một phóng viên mới vào nghề với chiếc xe máy, bằng việc cần có chiếc ôtô đưa con đi học của một người cha và sau cùng là sự vận động cần thiết của một người trung niên để lấy lại vóc dáng và tăng cường sức khỏe...

Những lí do đó đều rất hợp lý, bởi việc tham gia giao thông còn bị chi phối bởi độ tuổi dân số và văn hóa đô thị của từng quốc gia. Nếu cả thành phố sử dụng xe đạp và tàu điện, xe bus, người tổng biên tập sẽ có cách nhìn khác về tốc độ di chuyển của anh phóng viên trẻ. Nếu trường học được phân bố hợp lý, những ông bố, bà mẹ sẽ đỡ vất vả hơn trong việc đưa đón con hằng ngày và chắc hẳn, giữa các đồng nghiệp sẽ không còn quá nhiều so đo đánh giá đẳng cấp của nhau qua phân khúc xe ô tô... Chúng ta đã tác động đến nhau như thế và hệ quả là vấn nạn ùn tắc chưa có lời giải.

Năm 2015, tại một hội thảo, GS Jiyoung Ryu (nguyên Cố vấn cao cấp của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Giao thông Hàn Quốc) từng chia sẻ: “Hôm trước, tôi đi ôtô và phải mất 60 phút di chuyển đoạn đường 6 km còn ở hôm nay tôi đi xe đạp mà chỉ mất tầm 30 phút. Người dân có thể di chuyển xe đạp và gửi xe để đi đường cao tốc trên cao nếu nơi làm xa. Sử dụng phương tiện này vừa giảm ùn tắc vừa bảo vệ môi trường” (theo: Ngọc Mai - Báo Tiền phong).

KTS Hồ Duy Diệm từng đưa ra ý kiến: “Tôi thấy hướng Hà Đông - Hà Nội tắc đường buổi sáng và hướng ngược lại thì tắc buổi chiều. Vì cho dù có xây dựng thêm nhiều nhà cao tầng, khu đô thị mới ở Hà Đông, Hà Tây, Hòa Lạc... thì người dân cũng phải vào nội đô để làm việc, đưa con đi học, chữa bệnh... nếu không đảm bảo bán kính phục vụ tại chỗ cho họ” (theo: Thanh Hải - Báo Lao động).

Cần bắt đầu hiện thực hóa ước mơ về thành phố xanh, sạch, đẹp.

Cần bắt đầu hiện thực hóa ước mơ về thành phố xanh, sạch, đẹp.

Từ Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, nhiệm vụ thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 1/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1 được dư luận quan tâm.

Nhiều ý kiến cho rằng, sẽ cần có lộ trình, sẽ có không ít khó khăn trong việc thay đổi xe mô tô, xe máy sử dụng xăng sang sử dụng điện. Tuy nhiên, không chỉ đơn giản là thay đổi từ nhiên liệu mà còn phải tính đến các giải pháp khác như đi bộ, đi xe đạp, tăng cường giao thông công cộng và thay đổi thói quen đi lại: bạn thật sự cần thiết phải di chuyển hay có thể làm việc online?

Thiết nghĩ, việc chia sẻ phương tiện giao thông công cộng cũng là một phần của văn minh đô thị. Nói cách khác, thay bằng việc cạnh tranh từng bánh xe, sự chung tay góp sức để giảm khí thải, để hạn chế một phương tiện tham gia giao thông trong giờ cao điểm cũng là một nét đẹp văn hóa của đời sống hôm nay.

Nhiều người lấy việc tham gia giao thông đô thị còn vì sinh kế. Thói quen nhập hàng không có nguồn gốc, nhập thực phẩm không đảm bảo chất lượng qua những nguồn hàng trôi nổi đem lại lợi nhuận cho một số người nhưng vô hình trung tạo ra những công việc gây ô nhiễm.

Nhìn từ nhiều góc độ, ước mơ về thành phố xanh đang mở ra trước mắt. Nếu chúng ta có sự quyết tâm, đồng lòng điều đó sẽ thành hiện thực trong tương lai gần...

Lương Việt

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/khong-chi-dung-o-uoc-mo-i775935/