Không chỉ là chuyện chiếc mũ bảo hiểm…

Cả việc đơn giản nhất, lợi ích thiết thân nhất cho sức khỏe và tính mạng của bản thân khi tham gia giao thông là đội mũ bảo hiểm mà học sinh không thực hiện, phụ huynh cũng không nhắc nhở, thì văn minh biết đến bao giờ…

Sáng mồng 5/9, khắp các nẻo đường đều trở nên rộn ràng, sôi động hơn mọi ngày. A, đúng rồi, hôm nay là ngày khai giảng. Tôi chợt nhớ ra và lòng như cũng náo nức lây như những ngày mình còn đi học, còn chở mấy đứa con cắp sách đến trường.

Do là ngày khai giảng, nên các cháu đều đến trường sớm hơn thường lệ để chuẩn bị. Cấp 3 (là nói theo cấp học cũ cho nó đơn giản dễ hiểu) thì phần đông các cháu tự đi. Cấp 2, tiểu học thì hầu hết các cháu được phụ huynh chở. Cháu nào cũng mặt mày rạng rỡ, áo quần mới tinh trông rất khí thế.

Có điều tôi thấy hơi lạ là không hiểu sao khá nhiều cháu đi xe máy, xe đạp điện lại chẳng thấy đội mũ bảo hiểm gì cả. Kể cả có cháu được phụ huynh đèo đi cũng thấy phơi đầu trần mà hình như phụ huynh chẳng để tâm. Hiện tượng này có vẻ không ổn tí nào!

Không khó để bắt gặp học sinh không đội MBH khi đi xe máy, xe đạp điện...

Không khó để bắt gặp học sinh không đội MBH khi đi xe máy, xe đạp điện...

Quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm (MBH) khi đi mô tô, xe máy có hiệu lực từ tháng 12/2007, tính đến nay đã gần 16 năm. Từ những phản ứng tiêu cực ban đầu của một bộ phận người dân trong cộng đồng, nhưng không lâu sau, việc đội MBH đã trở thành bình thường với mọi người; góp phần tích cực trong hạn chế số người bị chấn thương sọ não, thậm chí bị tử vong trong các vụ TNGT. Sau này, quy định bắt buộc đội MBH còn được áp dụng đối với cả người đi xe đạp điện bởi cơ quan chức năng cũng như cộng đồng xã hội đều thấy được tác dụng tích cực của chiếc MBH đối với người sử dụng nó.

Lợi ích và được hưởng ứng tích cực, những tưởng việc đội MBH sẽ dần trở nên tự giác và thành thói quen bình thường trong cộng đồng. Nhưng thật lạ và thật đáng tiếc, qua quan sát của chúng tôi, hành vi này lại có vẻ đang bị một số không ít người xem thường, đáng lo nhất là nó còn đang lan tỏa cả trong một bộ phận học sinh.

Tại sao nói đáng lo? Ấy là vì chúng ta đang hướng đến một xã hội văn minh. Mà trong cái nội hàm của văn minh nó bao gồm nhiều thứ, từ quan hệ ứng xử, cho đến ý thức bảo vệ môi trường, ý thức chấp hành pháp luật… Khát khao, mong muốn, nhưng con đường lên văn minh của nước ta vẫn khá “nhọc nhằn, khúc khuỷu”. Sở dĩ như vậy là do đa phần dân ta từ rất lâu trong quá khứ chưa có những thói quen như đã kể trong cái nội hàm văn minh ấy, cho nên, để dẹp cái thói quen xả rác, phóng uế bừa bãi chẳng hạn, là phải cả một quá trình vừa vận động, rồi mới đến “dọa dẫm” chế tài, thế mà kết quả thu được đôi lúc vẫn không tương xứng công sức đã bỏ ra. Ấy là bởi cái quán tính của những thói quen cũ trong một bộ phân dân cư vẫn còn rất nặng, xoay chuyển vô cùng khó, đòi hỏi phải có thời gian. Và cũng chính vì vậy mà mọi hy vọng đều đổ dồn vào các cháu học sinh, những thế hệ trẻ, thế hệ tương lai của đất nước. Các cháu như những tờ giấy trắng, được giáo dục, uốn nắn ngay từ đầu lối hành xử văn minh, như biết kính trên nhường dưới; không phóng uế, không khạc nhổ, không xả rác bữa bãi nơi công cộng; biết xếp hàng nơi đông người; tự giác chấp hành các quy định của luật lệ an toàn giao thông… Cháu nào cũng được dạy, được thấm nhuần và tự giác thực hiện những điều mình đã học như thế, thì sự lan tỏa sẽ rất lớn và rất bền vững. Vậy mà nay, ngay cả việc đơn giản nhất, lợi ích thiết thân nhất cho sức khỏe và tính mạng của bản thân khi tham gia giao thông là đội MBH mà các cháu không thực hiện, phụ huynh cũng bỏ qua, không nhắc nhở, thì văn minh biết đến bao giờ… Cho nên, nói lo là vì như vậy.

Học sinh chưa đủ 18 tuổi vẫn điều khiển mô tô, xe máy trên 50cc khá phổ biến

Học sinh chưa đủ 18 tuổi vẫn điều khiển mô tô, xe máy trên 50cc khá phổ biến

Bởi thế, khi nghe tin lực lượng CSGT đồng loạt ra quân xử lý học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ, chúng tôi rất đồng tình ủng hộ, cho dù điều này có thể làm bức bối một số người nào đấy, nhưng là việc cần thiết. Cần thiết bởi nó trực tiếp vì sự an toàn cho chính các cháu, cho chính bản thân con em của quý vị phụ huynh. Và trên nữa, nó đánh động, tạo thói quen tuân thủ pháp luật cho giới trẻ. Các bậc phụ huynh và nhà trường cũng rất nên nhân cơ hội này để nhắc nhở, siết lại ý thức cho các cháu, không nên để thế hệ trẻ ngày nay cũng tập nhiễm thói quen đại khái, tùy tiện, không phù hợp với nếp sống văn minh như đã từng tồn tại ở một bộ phận người dân trong quá khứ. Những bất tiện nếu có (như nhà xa trường, phụ huynh bận việc, các cháu-dù chưa đến tuổi- vẫn sử dụng xe máy chẳng hạn), tin rằng nhà trường và các bậc phụ huynh nếu ngồi lại sẽ tìm ra giải pháp thỏa đáng.

Cần phải xây dựng và làm cho việc tuân thủ pháp luật, tuân thủ các ứng xử văn minh dần trở thành những hành vi tự giác, thành thói quen rất đỗi bình thường ở các cháu học sinh, đến khi đó mới có thể an tâm kỳ vọng với mục tiêu đất nước giàu mạnh, văn minh, mới có thể ngẩng cao đầu sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới.

Huy Khánh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/ban-doc/ban-doc-viet/khong-chi-la-chuyen-chiec-mu-bao-hiem-131679.html