Không chỉ là gia vị: Tỏi giúp giảm mỡ máu, ổn định huyết áp, ngừa ung thư

Chỉ một tép tỏi mỗi ngày có thể giúp giảm mỡ máu, ổn định huyết áp, ngừa ung thư và tăng tuổi thọ – bí quyết rẻ tiền nhưng lợi ích sức khỏe không ngờ.

“Gia vị vàng” cho trái tim
Một tép tỏi trung bình chứa khoảng 5 calo, 1g carbohydrate, gần như không có chất béo hay protein. Dù hàm lượng dinh dưỡng không nổi bật, tỏi lại chứa hợp chất phenolic và allicin – những chất chống oxy hóa và chống viêm mạnh.

Các nghiên cứu cho thấy, việc bổ sung tỏi, đặc biệt dưới dạng tỏi tươi hoặc tỏi nghiền nát, có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe: từ giảm cholesterol xấu (LDL), triglyceride, huyết áp, cho đến cải thiện cholesterol tốt (HDL). Đặc biệt, tỏi góp phần giảm nguy cơ xơ vữa động mạch, đau tim và đột quỵ.

Một đánh giá khoa học gần đây khẳng định: những người thường xuyên bổ sung tỏi có nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp hơn rõ rệt. Tác dụng này được cho là nhờ khả năng giảm stress oxy hóa và bảo vệ thành mạch máu.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hỗ trợ điều trị ung thư và hội chứng chuyển hóa
Tỏi còn được nghiên cứu về vai trò trong phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư, nhất là ung thư dạ dày và đại trực tràng. Một thử nghiệm lâm sàng cho thấy, nhóm bệnh nhân ung thư dạ dày được bổ sung tỏi dài hạn có tỷ lệ tử vong thấp hơn so với nhóm đối chứng.

Với hội chứng chuyển hóa – nhóm bệnh gồm tăng huyết áp, béo phì và rối loạn mỡ máu – tỏi cũng cho thấy hiệu quả tích cực. Trong một nghiên cứu kéo dài 4 tuần, những người tiêu thụ khoảng 6g tỏi tươi mỗi ngày (tương đương 2 tép đối với người 70kg) ghi nhận sự cải thiện rõ rệt các chỉ số huyết áp, đường huyết và mỡ máu.

Thậm chí, chỉ sau một bữa ăn có chứa khoảng 5g tỏi nghiền sống, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận sự gia tăng hoạt động của các gen miễn dịch và tế bào chống ung thư.

Cách dùng và lưu ý khi ăn tỏi
Tỏi có thể sử dụng theo nhiều cách: băm nhỏ, nghiền nát, ăn sống hoặc nấu chín. Tuy nhiên, allicin – hợp chất chính có tác dụng sinh học – chỉ được kích hoạt khi tỏi bị nghiền nát và để yên vài phút trước khi nấu. Đây là mẹo nhỏ nhưng quan trọng để tối ưu hóa lợi ích của tỏi.

Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp để ăn tỏi sống. Những người mắc hội chứng ruột kích thích (IBS) hoặc trào ngược dạ dày thực quản (GERD) có thể gặp các vấn đề tiêu hóa như đầy hơi, khó chịu hoặc trào ngược sau khi ăn tỏi. Lý do là tỏi chứa fructan – một loại carbohydrate gây lên men trong ruột – và allicin có thể làm tăng axit dạ dày, gây giãn cơ thắt thực quản.

Theo các chuyên gia từ Đại học Monash (Australia), một mẹo hữu ích là phi tỏi với dầu và loại bỏ xác tỏi trước khi ăn. Hương vị tỏi vẫn còn trong món ăn, nhưng lượng fructan gây khó chịu đã được giảm đáng kể.

Dù không phải là “thần dược”, nhưng chỉ một tép tỏi mỗi ngày – nếu dùng đúng cách – có thể góp phần cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ bệnh mạn tính và nâng cao tuổi thọ. Với giá thành rẻ, dễ chế biến và sẵn có trong mọi gian bếp, tỏi xứng đáng được xem là một “người bạn đồng hành” thân thiện của sức khỏe.

Xuân Vũ (T/H)

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/khong-chi-la-gia-vi-toi-giup-giam-mo-mau-on-dinh-huyet-ap-ngua-ung-thu-19182.html