Không chỉ là trang phục, áo dài là một phong cách sống

Áo dài không đơn thuần chỉ là một loại trang phục đối với người Việt, mà còn là biểu hiện con người, phong cách sống và nền văn hóa lâu đời. Không phải tự nhiên trong văn thơ, âm nhạc Việt, áo dài luôn được ca ngợi như một biểu tượng mang 'quốc hồn, quốc túy' của Việt Nam.

Du khách thích mặc áo dài khi đi ngắm phố phường.

Du khách thích mặc áo dài khi đi ngắm phố phường.

Như những câu hát trong bài “Một thoáng quê hương” của nhóm Mắt Ngọc khi xưa: “Đẹp biết bao quê hương cho ta chiếc áo nhiệm màu/Dù ở đâu Paris, London hay những miền xa/Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố/Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó em ơi”.

Áo dài là di sản thời trang của dân tộc

Trong kho tàng văn học nghệ thuật, đã có quá nhiều mỹ từ gắn với người phụ nữ Việt Nam trong tà áo dài Việt. Người phụ nữ trong tà áo dài truyền thống tôn lên vẻ kiêu sa, mảnh mai, đằm thắm, đài trang, thanh lịch. Người phụ nữ trong tà áo dài cách tân lại mang vẻ duyên thầm thướt tha, yểu điệu yêu kiều.

Năm 2016, nhiếp ảnh gia Pháp Réhahn đã công bố bộ ảnh áo dài Việt Nam trên trang Boredpanda trong chuyến đi của anh. Bộ ảnh này đã được đông đảo bạn bè quốc tế đánh giá cao. Tác giả bộ ảnh, Réhahn cho biết: “Mọi người thường biết đến tôi qua những bộ ảnh chân dung. Nhưng khoảng 2-3 năm nay, tôi luôn bị thu hút để rồi bấm máy khi bắt gặp những cô gái trong trang phục áo dài. Các cô gái trong những bức ảnh thường được tôi chụp không rõ mặt bởi điều đó làm nên sự huyền bí và khác biệt cho các bức ảnh của tôi. Nó cũng tượng trưng cho sự e thẹn của phụ nữ Việt”.

Cách đây khoảng gần một thế kỷ, chiếc áo dài từng “sống” cùng người Việt Nam hàng ngày, xuất hiện ở khắp mọi nơi: công sở, sân trường, phố, đền miếu, chùa chiền… Đàn ông mặc áo dài trong các lễ nghi, tiệc tùng; phụ nữ mặc áo dài hầu như khi ra khỏi nhà, chỉ trừ việc đồng áng. Sau đó, do tình hình xã hội thay đổi, đời sống khó khăn, chiếc áo dài trở nên vắng bóng trong đời sống xã hội người Việt. Chỉ khi tới cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, trào lưu mặc áo dài lại bùng lên; và đến nay, văn hóa mặc áo dài không chỉ lan tỏa trong đời sống xã hội người Việt mà còn vượt biên giới dải đất hình chữ S để có mặt trên trường quốc tế.

Theo diễn viên, doanh nhân Lý Nhã Kỳ, cũng là Đại sứ Du lịch đầu tiên của Việt Nam: “Từ hàng trăm năm nay, chiếc áo dài đã được coi là biểu tượng của vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam. Vẻ đẹp mềm mại, dịu dàng và kín đáo của chiếc áo dài Việt Nam được thể hiện bằng cổ cao, bờ vai tròn trịa mềm mại với hai tà áo thướt tha. Chiếc áo dài Việt Nam cũng đầy nữ tính, gợi cảm”. Chính vì thế, Lý Nhã Kỳ rất nhiều lần tự hào mặc áo dài Việt Nam tại các sự kiện lớn của thế giới như tại Liên hoan phim Cannes...

Tà áo dài Việt cũng là nỗi trăn trở của những người con Việt Nam xa xứ, mỗi khi khoác lên mình áo dài lại chạnh lòng nhớ về quê hương. Cũng có người quyết định về nước để phát triển áo dài như nhà thiết kế Trisha Võ – con gái duy nhất của nhà thiết kế áo dài Liên Hương. Từ nhỏ đã được mẹ truyền cho tình yêu với nghệ thuật, với thời trang và với áo dài, dù cô có thời gian dài học tập ở nước ngoài nhưng vẫn luôn canh cánh làm sao phát huy được tà áo dài Việt, để bạn bè năm châu biết đến Việt Nam nhiều hơn. Cô tâm sự: “Mỗi ngày tôi lại thấy những gì thuộc về truyền thống càng hấp dẫn tôi hơn, tạo nên những giá trị khác biệt hơn. Vậy nên tôi muốn quay về nước để phát triển những sáng tạo của mình dựa trên những giá trị riêng của thời trang Việt Nam - đó là áo dài và những kỹ thuật may, thêu, rôđê… thủ công. Bên cạnh đó là việc đưa vào các ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại trong ngành thời trang của thế giới để những sáng tạo của mình tiện dụng, đẹp mắt và thời trang hơn”.

Ngày nay, người mặc áo dài còn tùy thời điểm, tùy tính cách, tùy sở thích, tùy sự kiện, tùy ngành nghề chứ không thể áp đặt việc mặc áo dài cho tất cả mọi người. Như diễn viên Huỳnh Quý từng chia sẻ: “Không chỉ riêng phụ nữ, thậm chí nam giới hoặc bất kỳ ai mặc chiếc áo dài truyền thống nước ta cũng đẹp. Còn về việc áo dài cách tân thì đó là sự tự do, sáng tạo của mỗi người. Tôi vẫn thích áo dài truyền thống từ trước hơn. Nhưng việc mặc áo dài cũng phải tùy thời điểm, hoàn cảnh phù hợp. Nhất là trong những môi trường đòi hỏi phải làm việc chân tay, di chuyển nhiều thì áo dài khá bất tiện cho việc đi lại của họ”.

Nữ sinh mặc áo dài tới trường.

Nữ sinh mặc áo dài tới trường.

Phong cách sống gắn với tà áo dài Việt

Người Việt Nam ngày nay mặc áo dài không chỉ để tôn vinh văn hóa mà còn để thể hiện cá tính và phong cách sống. Không chỉ người Việt Nam mà du khách nước ngoài đến Việt Nam cũng muốn mặc áo dài để được trải nghiệm “làm người Việt Nam”. Cũng vì lẽ đó mà các ý tưởng tour du lịch áo dài đã được ấp ủ từ rất nhiều năm trước đây. Đặc biệt vào năm 2016, nguyên Giám đốc Sở Du lịch TP Hà Nội Đỗ Đình Hồng đã đẩy mạnh triển khai việc xây dựng áo dài thành sản phẩm du lịch của Thủ đô. Vốn Hà Nội xưa có phố Cầu Gỗ từng là nơi có nhiều cửa hàng áo dài chung chữ “Trạch”, rồi cả làng áo dài Trạch Xá (huyện Ứng Hòa).

Rồi sau đó đã có một số sản phẩm như tour du lịch “Cảm xúc Hà Nội”, tour “Áo dài Hà Nội”, “Festival Áo dài Hà Nội”,… với nhiều hoạt động hấp dẫn. Đơn cử, tour du lịch “Cảm xúc Hà Nội” do Sở Du lịch kết hợp một số doanh nghiệp trên địa bàn đưa du khách tham quan quy trình dệt may áo dài, tư vấn cho khách mua hoặc may áo dài tại làng lụa Vạn Phúc. Tour “Áo dài Hà Nội” của đơn vị APT Travel để du khách được thử và mặc áo dài trong suốt hành trình tham quan những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, khu phố cổ để tìm hiểu văn hóa Thủ đô ngàn năm văn hiến. Dù vậy, thực tế cho thấy, những tour du lịch áo dài đến nay vẫn chưa hoàn thiện, chưa đủ hấp dẫn để tách ra thành một sản phẩm riêng biệt mà thường được ghép với các tour du lịch khác.

Rốt cục, việc đưa áo dài vào du lịch cũng chỉ là một trong những giải pháp tôn vinh áo dài, nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và du khách nước ngoài về tà áo truyền thống của người Việt. Tất nhiên, những chiếc áo dài chỉ có ý nghĩa khi vẫn có người mặc, trân trọng và nâng niu chúng. Giá trị của chiếc áo dài ngoài tính triết lý và nghệ thuật, còn ở chỗ nó góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa và tâm hồn Việt, khiến cho những ai mặc nó đều cảm thấy cái chất riêng của con người Việt Nam, cũng như lối sống đậm bản sắc Việt Nam.

Trên chính trường, chúng ta dễ bắt gặp các nữ chính khách Việt Nam ưa chuộng mặc áo dài truyền thống, trong các chuyến công tác, viếng thăm, tiếp khách, tiếp các phái đoàn ngoại giao đến Việt Nam… Theo chia sẻ của Võ Việt Chung: “May một chiếc áo cũng như làm bạn với một con người. Phải thấu hiểu, có duyên và sẻ chia được tư duy thẩm mỹ mới có thể tạo ra một chiếc áo ưng ý. Các nữ chính khách mà tôi đã có dịp hợp tác đều là những người dễ mến. Nhưng tất nhiên họ cũng có những nguyên tắc của riêng mình”.

Nói đơn giản hơn, cách lựa chọn áo dài của từng vị nữ chính khách vừa thể hiện tính cách, cách làm việc vừa thể hiện cả lối sống của họ. Khó có thể

phủ nhận, áo dài thật sự ảnh hưởng đến tâm hồn người mặc. Như cụ Nguyễn Thị Sính, phu nhân cố họa sĩ Bùi Xuân Phái từng chia sẻ: “Hồi ấy, con gái

Hà Nội cứ đến 16-17 tuổi là được bố mẹ đưa đi may áo dài. Với những gia đình gia giáo ở Hà thành, đã thành nếp, phụ nữ hễ ra khỏi cửa là mặc áo dài, cho dù là đi làm hay đi chợ. Mặc chiếc áo dài, tự nhiên, người ta thấy mình phải đi đứng, ăn nói sao cho tương xứng”.

Nói tóm lại, nếu người Thụy Điển có lối sống “lagom” (Sống đủ là hạnh phúc), người Đan Mạch có “hygge” (Hạnh phúc từ những điều nhỏ bé), người Đức có “gemuilichkeit” (Hạnh phúc là sẻ chia) thì người Việt Nam cũng có một phong cách sống đẹp gắn liền với chiếc áo dài. Theo đó, hạnh phúc là hướng về nguồn cội, biết ơn tổ tiên và trân trọng những giá trị văn hóa trường tồn của một dân tộc ngàn năm văn hiến.

Đỗ Trang

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/khong-chi-la-trang-phuc-ao-dai-la-mot-phong-cach-song-576205.html