Không chỉ làm giàu cho riêng mình
Cùng với việc phát triển kinh tế gia đình, nhiều năm qua, cơ sở sản xuất chậu cảnh của anh Lê Đăng Khanh (38 tuổi) ở thôn Cổ Thành, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động tại địa phương.
Anh Khanh học nghề thợ kép (chuyên thi công đắp hoa văn, phù điêu ở các lăng mộ, nhà thờ họ, nhà dân) từ cha của mình là ông Lê Kim Anh, thương binh hạng 4/4 - từng là bộ đội tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia từ năm 1978 - 1983. Từ nhỏ, anh Khanh đã theo cha đi làm nghề thợ kép ở khắp nơi. Đến tuổi trưởng thành, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về địa phương vào năm 2003, với kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm nghề học hỏi được từ cha, ban đầu anh cùng với một người bạn mở chung cơ sở đúc chậu cảnh. Sau một thời gian làm chung, cách đây khoảng 3 năm, sau khi lập gia đình, anh bắt đầu tách ra, mở cơ sở chuyên sản xuất chậu cảnh Đăng Khanh ở thôn Cổ Thành.
“Ban đầu, vốn ít tôi chỉ mua được vài khuôn composite, dần dần đến nay cơ sở sản xuất của tôi đã có vài chục bộ khuôn chậu với kích cỡ, hoa văn chậu khác nhau. Mỗi bộ khuôn có giá từ vài triệu đến khoảng 15 triệu đồng/bộ. Hiện cơ sở sản xuất đã đi vào hoạt động ổn định, sản phẩm chậu sản xuất ngày càng đa dạng chủng loại, phong phú về mẫu mã”, anh Khanh cho biết. Bình quân mỗi năm cơ sở sản xuất chậu Đăng Khanh xuất ra thị trường hàng nghìn chậu cảnh. Khách hàng của cơ sở chủ yếu trong tỉnh và tỉnh Thừa Thiên Huế.
Hiện giá bán mức thấp nhất khoảng 300.000 đồng/chậu, cao nhất là 2,5 triệu đồng/chậu, còn mức giá phổ biến khoảng từ 800.000 -1,2 triệu đồng/chậu… Hầu như sản phẩm làm ra bao nhiêu đều được tiêu thụ hết bấy nhiêu, nhất là vào mùa mưa vì đây là mùa trồng cây, đưa cây cảnh vào chậu. Hoạt động sản xuất, kinh doanh thuận lợi, mới đây anh mở thêm một cơ sở đúc chậu ở thôn Nại Cửu. Với uy tín, chất lượng sản phẩm tốt, mẫu mã đẹp và thái độ nhiệt tình trong công việc, cơ sở chậu cảnh của anh Khanh thu hút ngày càng đông khách hàng. Bình quân sau khi trừ hết các chi phí sản xuất anh có thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng.
Hiện cơ sở đúc chậu của anh Khanh tạo việc làm thường xuyên cho 7 - 11 lao động tại địa phương. Anh Phạm Văn Tầm, ở thôn Tân Đức, xã Triệu Thành đến nay đã có hơn 2 năm làm thợ đúc chậu cho cơ sở Đăng Khanh. Anh Tầm cho biết: “Qua thời gian đầu vừa học vừa làm, đến nay tay nghề tôi đã vững vàng. Ở đây, mỗi ngày tôi được trả công từ 300 - 500 nghìn đồng, tùy theo khối lượng công việc. Bên cạnh thu nhập đảm bảo, thì cơ sở sản xuất ở gần nhà nên khi cần vẫn có thể tranh thủ giải quyết việc gia đình rất thuận tiện”.
Ngoài những lao động trực tiếp, cơ sở đúc chậu của anh Khanh còn tạo việc làm, thu nhập cho 4 lao động nghề kéo xe bằng việc thuê vận chuyển sản phẩm từ cơ sở đến các địa điểm khách hàng yêu cầu. “Vào mùa cao điểm xuất bán chậu cho khách hàng ở các nơi, như vào dịp Tết, người làm nghề kéo xe được tôi liên hệ vận chuyển chậu cho khách rất nhiều. Khi có việc đều, người kéo xe vận chuyển chậu có thu nhập từ vài trăm nghìn đồng đến tiền triệu mỗi ngày. Bản thân tôi rất vui vì cơ sở của mình đã tạo được việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều người dân tại địa phương”, anh Khanh cho hay.