Không chọn việc nhẹ nhàng…
Vóc dáng khỏe khoắn, nước da trắng, đặc biệt nụ cười tươi, hiền lành, Thượng úy Nguyễn Viết Quân trẻ hơn nhiều so với những bức ảnh chụp anh đen nhẻm vì khói bụi bước ra từ 'biển lửa'.
Gần 15 năm mang trên mình sắc phục Công an với nhiều thành tích đáng tự hào trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), anh không chỉ vinh dự là một trong “10 gương mặt trẻ Công an Thủ đô xuất sắc tiêu biểu” năm 2024 mà còn là minh chứng cho một thế hệ trẻ Công an luôn sẵn sàng “vì nhân dân quên mình”.
Từ ước mơ của một cậu bé...
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và Thượng úy Nguyễn Viết Quân tranh thủ vào giờ giải lao buổi trưa, giữa các ca huấn luyện của các chiến sĩ cứu hỏa. Thời điểm này, anh và đồng đội luôn bận rộn để đảm bảo lịch tập luyện của đơn vị và tích cực chuẩn bị cho Hội thi Thể thao nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (nằm trong Chương trình Đại hội Khỏe vì an ninh Tổ quốc lần thứ 6, năm 2025). Vất vả và nguy hiểm, đó là đặc thù công việc của các chiến sĩ làm công tác PCCC&CNCH.

Thượng úy Nguyễn Viết Quân cõng người dân thoát ra từ đám cháy.
Lý giải việc chọn công việc gian nan này, Thượng úy Quân bộc bạch, sinh ra ở Lam Điền, Chương Mỹ, Hà Nội, trong một gia đình không có ai là Công an nhưng qua những bộ phim “Cảnh sát hình sự” được xem trên truyền hình, cậu bé Quân đã sớm có mong ước sau này được đứng trong lực lượng CAND. Vì thế, tốt nghiệp THPT, thay vì thi đại học như bạn bè cùng trang lứa, Quân đăng ký tham gia nghĩa vụ Công an. Anh được phân công về Đội PCCC&CNCH, Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hết nghĩa vụ, anh thi vào Trường Trung cấp Cảnh sát PCCC rồi gắn bó với nghề như định mệnh.
Gần 15 năm công tác trong lực lượng PCCC&CNCH, từ một chiến sĩ nghĩa vụ đầy bỡ ngỡ, tới nay đã dày dạn bản lĩnh, vững vàng mỗi khi đối mặt với “giặc lửa”, Thượng úy Nguyễn Viết Quân khó có thể nhớ hết số lượng các vụ cháy mà anh cùng đồng đội tham gia khống chế hay bao nhiêu người dân được các anh đưa ra khỏi đám cháy an toàn... Nhưng, vụ cháy nhà dân tại phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm là một ấn tượng sâu sắc.
Anh kể, gần 1h đêm ngày 18/7/2022, nhận được tin báo về vụ cháy xảy ra tại địa chỉ 378 Phúc Tân, anh và các cán bộ, chiến sĩ dưới sự chỉ đạo của Thượng tá Hoàng Trung Kiên cùng 1 xe chỉ huy, 2 xe chữa cháy lập tức có mặt tại hiện trường. Là tiểu đội trưởng, phụ trách mũi tấn công số 2 với nhiệm vụ trinh sát, nắm tình hình đám cháy và triển khai tìm kiếm người bị nạn tại các tầng phía trên, anh nhanh chóng tổ chức các biện pháp thoát khói, dò tìm từng ngóc ngách trong các gian phòng đã bị khói, khí độc bao trùm.
Khi tổ công tác di chuyển lên tầng tum thì phát hiện 4 người đang mắc kẹt trong tình trạng ngạt khói, đuối sức, hoảng loạn, có người bị bỏng nhẹ. Vừa trấn an tinh thần, sơ cấp cứu ban đầu đối với các nạn nhân, anh vừa yêu cầu các đồng chí trong tổ di chuyển người bị nạn xuống tầng 1 an toàn.
Tuy nhiên, ông Đỗ Đức Kiện (sinh năm 1963) sức khỏe yếu, không có khả năng tự di chuyển. Thượng úy Quân quyết định tháo mặt nạ phòng độc của mình chuyển sang cho ông Kiện rồi cùng đồng đội dìu ông xuống. Ngặt nỗi, cầu thang nhỏ, hẹp và xoắn ốc, không thể di chuyển nhiều người cùng một lúc, anh nhanh chóng lấy khăn ướt cho ông sử dụng và một mình cõng ông băng qua khu vực khói, khí độc, xuống tầng 1.
Hành động kịp thời, dũng cảm đó của anh đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm. Nhớ lại kỷ niệm này, đôi khi anh không lý giải được tại sao khi ấy có thể cõng được một người nặng tới hơn 80 kg xuống cầu thang gỗ xoắn ốc đã bắt đầu bén lửa...
...đến người lính xông pha chống giặc lửa
Với những người lính PCCC&CNCH thì mỗi lần đối mặt với “giặc lửa” là một lần bước vào trận đánh với đối thủ có “quy mô, tính chất” khác nhau. Mỗi quyết định tại hiện trường phải nhanh, chính xác, không được phép sai lầm để hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản. Đầu năm 2024, Thượng úy Nguyễn Viết Quân cùng đồng đội chi viện và góp phần không nhỏ khống chế thành công vụ cháy nhà dân tại số 357 ngõ Quỳnh, phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng.
Anh kể: “Vào lúc 2 giờ 56 phút, nhận được tin báo cháy từ Trung tâm Thông tin chỉ huy 114 chi viện cho Công an quận Hai Bà Trưng, tôi cùng 11 đồng đội với 2 xe chữa cháy có mặt ngay tại hiện trường. Khi nghe tiếng kêu cứu từ tầng 2, chúng tôi đã tiếp cận và sử dụng banh cắt thủy lực phá dỡ lồng sắt, “chuồng cọp”, đưa 2 người xuống dưới an toàn. Sau đó, tiếp tục dùng lăng B dập lửa mở đường để chuyển lên khu vực chuồng cọp tầng 3.
Lúc này khu vực tầng 1 và cầu thang gỗ đang cháy nên không thể đưa người dân xuống qua đường đó. Phối hợp với cán bộ, chiến sĩ bên ngoài, thiết bị banh thủy lực đã được đưa vào để cắt lồng sắt “chuồng cọp”. Dù đã tạo được lối thoát nạn nhưng do nạn nhân quá hoảng loạn, không thể tự di chuyển xuống dưới thang 2, tôi đã ra trước để đưa nạn nhân xuống dưới an toàn. Sau đó, tôi cùng 4 cán bộ, chiến sĩ di chuyển qua nhà đối diện, dùng vòi phun ngăn chặn cháy lan và dập tắt đám cháy sau 10 phút”.
Với thành tích nhanh chóng dập tắt đám cháy, cứu được 3 người mắc kẹt ra ngoài an toàn, Thượng úy Nguyễn Viết Quân một lần nữa vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Thượng úy Nguyễn Viết Quân hướng dẫn em bé cách sử dụng bình chữa cháy.
Thời gian gần đây, công tác PCCC&CNCH ở những thành phố lớn đặt ra nhiều thách thức bởi dân cư đông, nhiều tòa nhà cao tầng, ngõ phố chật chội. Theo chia sẻ của Thượng úy Nguyễn Viết Quân, địa bàn quận Hoàn Kiếm mà đơn vị anh phụ trách bao gồm nhiều phố cổ với những phố nghề ẩn chứa nguy cơ cháy cao như Hàng Mã, Hàng Đào... Người dân sống trong những căn nhà nhỏ, cơi nới, ngõ vào chật chội... Đặc biệt, khu vực phố đi bộ xung quanh hồ Gươm là nơi thường xuyên tổ chức các sự kiện lớn vào những dịp lễ, Tết như bắn pháo hoa, biểu diễn văn nghệ... vì thế, công tác PCCC luôn được được xác định là nhiệm vụ vô cùng quan trọng.
Trong thời gian công tác tại Đội, đặc biệt là 3 năm 2022, 2023, 2024, Thượng úy Quân đã chủ động phối hợp với cán bộ, chiến sĩ trong đội tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền, UBND 18 phường trong công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào PCCC bằng các hoạt động thiết thực như: Hội thi thể thao nghiệp vụ PCCC, Chương trình trải nghiệm “Chúng em là lính cứu hỏa” tại trường học...
Thượng úy Nguyễn Viết Quân chia sẻ, với những người lính PCCC&CNCH thì công tác rèn luyện nâng cao thể lực vô cùng quan trọng. Để thực hiện tốt kỹ năng, phản xạ thì sức khỏe chiếm tới 60%. Vì thế, trời nắng cũng như mưa, nóng cũng như lạnh, các chiến sĩ cứu hỏa đều đảm bảo tuyệt đối giờ giấc tập luyện. Không chỉ vậy, công việc còn đòi hỏi tư duy nhanh nhạy để áp dụng chiến thuật, kỹ thuật chữa cháy hợp lý, công tác chỉ huy, điều hành hiệu quả, khoa học.
“Nhanh” đã trở thành từ khóa của các chiến sĩ cứu hỏa bởi các anh chỉ có 90 giây từ khi nhận nhiệm vụ tới khi sẵn sàng ngồi trên xe. Quen nếp, đến khi về nhà các anh cũng không quên ăn... nhanh. Ngoài ra, mỗi chiến sĩ cứu hỏa còn phải là một chuyên gia tâm lý để trấn an tinh thần cho người dân trong trường hợp hoảng loạn, để họ phối hợp tốt nhất. Sau mỗi “cuộc chiến đấu”, các anh đều ngồi lại cùng nhau rút kinh nghiệm. Thời gian rảnh, anh thường lên mạng tham khảo nghiệp vụ chữa cháy của các lực lượng cứu hỏa nước ngoài để áp dụng hiệu quả vào công việc.
14 năm trong nghề cũng là từng ấy năm Thượng úy Nguyễn Viết Quân vắng nhà trong thời khắc Giao thừa đón năm mới. “Tôi may mắn có người bạn đời là giáo viên mầm non, luôn hiểu và thông cảm với đặc thù công việc của chồng. Nhưng, lo lắng là điều không tránh khỏi. Mỗi khi như vậy, tôi thường động viên người thân bằng nguyên tắc “mình an toàn mới cứu được mọi người”. Nói như vậy, nhưng anh và biết bao chiến sĩ cảnh sát PCCC&CNCH chưa một giây nao núng, sẵn sàng quên hiểm nguy để giữ gìn sự sống cho nhân dân.
Luôn nhiệt huyết, xung kích, sáng tạo, dũng cảm trong công tác, Thượng úy Nguyễn Viết Quân (cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH, Công an TP Hà Nội) đã có được những thành tích đáng tự hào như 2 lần nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2022 và 2024), Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm (năm 2022), Giấy khen của Giám đốc Công an TP Hà Nội (năm 2023, 2024), Giấy khen của UBND quận Hoàn Kiếm (năm 2024), 3 năm liền anh đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua (2022, 2023, 2024)...
Nhưng, anh nói rằng, người lính PCCC&CNCH khi bước vào cuộc chiến đấu với giặc lửa thì trước mặt là tính mạng, tài sản của nhân dân nên khi làm nhiệm vụ ai cũng cố gắng hết mình, chưa bao giờ là vì thành tích cả. Anh luôn cảm ơn sự chỉ bảo, truyền kinh nghiệm của lãnh đạo chỉ huy và sự hỗ trợ của đồng đội để anh có thành tích như ngày hôm nay.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen-thong/khong-chon-viec-nhe-nhang-i763203/