Không chủ quan, sẵn sàng ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết

Ngày 21/4, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị trực tuyến 2 cấp tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) năm 2022; triển khai nhiệm vụ 2023.

Đồng chí Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh chủ trì tại điểm cầu UBND tỉnh. Cùng dự có các thành viên Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh; đại diện một số cơ quan, đơn vị.

Các đại biểu dự tại điểm cầu UBND tỉnh.

Các đại biểu dự tại điểm cầu UBND tỉnh.

Năm 2022, địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng hoàn lưu của 5 cơn bão, trong đó ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 2 và 3 gây mưa to đến rất to; tổng lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm từ 61,9 đến 190,2 mm. Trên các sông xảy ra 7 trận lũ, cao hơn trung bình nhiều năm 2 trận…

Thiên tai làm một học sinh tử vong do bị nước cuốn; 14 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó 4 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn; gần 1,9 nghìn ha lúa, hơn 460 ha ngô, rau màu bị thiệt hại… So với năm 2021 tăng sự cố các công trình (xảy ra 9 sự cố), tổng giá trị thiệt hại (ước thiệt hại khoảng 63,4 tỷ đồng) song giảm số người bị thương (3 người).

Trao đổi tại hội nghị, đại diện Đài Khí tượng thủy văn tỉnh thông tin, năm 2023, tình hình thời tiết, thủy văn trên phạm vi cả nước nói chung, Bắc Giang nói riêng sẽ diễn biến phức tạp hơn, tiềm ẩn nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Tại Bắc Giang có khả năng ảnh hưởng từ 2-3 cơn bão cùng 9-10 đợt mưa vừa, mưa to, 10-11 đợt nắng nóng, nền nhiệt cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 đến 1 độ C…

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường trao đổi tại hội nghị.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường trao đổi tại hội nghị.

Để chủ động phòng ngừa, kịp thời ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan, đơn vị, địa phương cần chủ động nắm chắc diễn biến, tình hình thực tế để xây dựng kịch bản, phương án PCTT phù hợp với tình hình từng địa phương.

Cùng đó đánh giá sát, đúng hiện trạng công trình đê điều trước lũ, dự kiến các tình huống để khi sự cố xảy ra không bị động, lúng túng; tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của công trình đê, kè, cống.

Theo lãnh đạo UBND huyện Sơn Động, các địa phương cần thực hiện tốt công tác chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ”, trong đó phải chú trọng việc chuẩn bị vật tư dự trữ của dân và khâu tổ chức lực lượng tại chỗ để khi sự cố xảy ra là huy động được ngay để xử lý kịp thời.

Quá trình khắc phục hậu quả cần quyết liệt, khẩn trương, phát huy cao tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ từ huyện đến cơ sở; huy động kịp thời lực lượng, vật tư, phương tiện... để xử lý ngay từ giờ đầu.

Liên quan đến kiểm soát hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, do công tác phối hợp giữa cơ quan chức năng với các địa phương, giữa các địa phương với nhau còn hạn chế, chưa thường xuyên nên vẫn để xảy ra việc khai thác cát sỏi trái phép, gây sạt lở bờ, bãi sông.

Để tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản nói chung, cát sỏi lòng sông nói riêng, ngành sẽ chủ động phối hợp với địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm; thông báo công khai các mỏ khoáng sản được cấp phép để người dân cùng giám sát, kịp thời phát hiện vi phạm.

Thượng tá Nguyễn Văn Hùng thông tin về kế hoạch, hiệp đồng PCTT-TKCN.

Thượng tá Nguyễn Văn Hùng thông tin về kế hoạch, hiệp đồng PCTT-TKCN.

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Hùng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, qua phối hợp rà soát, đơn vị xác định toàn tỉnh có 22 điểm xung yếu trên các tuyến đê; 4 kè, 21 cống, 4 hồ, 1 đập xung yếu cùng nhiều điểm có nguy cơ ngập úng, sạt lở.

Để chủ động phòng ngừa, Bộ CHQS tỉnh đã hiệp đồng với các đơn vị quân đội trực thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 1 đóng quân trên địa bàn. Khi mực nước sông ở mức báo động 3, đơn vị tổ chức trực 100% quân số, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện khi có tình huống…

Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Ô Pích nhấn mạnh, so với nhiều địa phương khác, mức độ ảnh hưởng của thiên tai đối với Bắc Giang thấp hơn, hậu quả không lớn song không được chủ quan bởi thiên tai luôn rình rập, có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích kết luận hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích kết luận hội nghị.

Đồng chí lưu ý, năm 2023 được dự báo sẽ tiềm ẩn nhiều thiên tai và các hiện tượng thời tiết, thủy văn cực đoan khó lường. Do đó các các sở, ban, ngành, địa phương cần chủ động bố trí nguồn lực thực hiện nhiệm vụ PCTT-TKCN.

Trước hết cần nâng cao năng lực công tác theo dõi, giám sát, dự báo thiên tai, nhất là dự báo mưa lũ, bảo đảm đủ độ tin cậy, chính xác hơn. Triệt để thực hiện phương châm “4 tại chỗ, 3 sẵn sàng”; quan tâm dành nguồn lực đầu tư nâng cao năng lực PCTT đủ mạnh cả về bộ máy, con người và trang thiết bị.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình PCTT, đặc biệt là hệ thống đê điều, hồ đập, công trình để chủ động phương án chống sạt lở, tiêu thoát nước...

Xác định các trọng điểm xung yếu, bố trí nguồn lực để xử lý, tổ chức tuần tra canh gác, phát hiện, giải quyết kịp thời các sự cố hư hỏng có thể xảy ra; sẵn sàng các phương án, kịch bản bảo vệ an toàn công trình, tính mạng và tài sản của nhân dân khu vực chịu ảnh hưởng.

Trước mắt, đơn vị, địa phương tập trung kiểm tra, xử lý các vi phạm về đê điều, các công trình thủy lợi theo kế hoạch của UBND tỉnh; giải tỏa, xóa bỏ các bãi vật liệu ven đê không đủ điều kiện hoạt động.

Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp thông tin về thiên tai, cách thức, kỹ năng PCTT đến từng người dân trong vùng bị ảnh hưởng. Thực hiện lồng ghép nội dung PCTT vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, KT-XH theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tin, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/chinh-tri/403257/khong-chu-quan-san-sang-ung-pho-voi-dien-bien-bat-thuong-cua-thoi-tiet.html