Không chủ quan với bệnh sởi

Bệnh sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có tốc độ lây lan nhanh và có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt ở trẻ nhỏ và người có hệ miễn dịch suy giảm. Dù đã có vắc xin phòng bệnh, nhưng thời gian gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng. Ngành Y tế khuyến cáo người dân không nên chủ quan với dịch bệnh, cần chủ động đưa trẻ đi tiêm vắc xin sởi để phòng bệnh hiệu quả.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 40.000 ca mắc và nghi mắc sởi, 5 ca tử vong liên quan tới căn bệnh nguy hiểm này. Dịch xuất hiện tại hầu hết các tỉnh, thành phố, đặc biệt tập trung ở miền Nam với 57% tổng số ca, miền Trung 19%, miền Bắc 15% và Tây Nguyên 9%.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 60 ca mắc sởi, trong đó, có đến hơn 84% số ca mắc sởi chưa được tiêm vắc xin.

Trong số này, hơn 38% là trẻ dưới 9 tháng tuổi, đối tượng chưa đến độ tuổi tiêm chủng theo lịch tiêm chủng mở rộng. Mặc dù đây đều là các ca bệnh rải rác, không có ổ dịch tập trung, tuy nhiên, với tính chất dễ lây lan, nếu không có biện pháp phòng dịch chặt chẽ, nguy cơ bùng phát trên diện rộng là rất cao.

Cán bộ Trạm y tế xã Hồ Sơn (Tam Đảo) tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ. Ảnh: Dương Chung

Cán bộ Trạm y tế xã Hồ Sơn (Tam Đảo) tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ. Ảnh: Dương Chung

Trước thực tế số ca mắc sởi có dấu hiệu tăng nhanh trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế đã triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng sởi đợt 1 diễn ra từ ngày 26 - 31/3.

Các đối tượng được tiêm vắc xin gồm trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi tại các vùng nguy cơ cao, trẻ từ 6 - 10 tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ các mũi vắc xin chứa thành phần sởi và trẻ từ 1 - 5 tuổi chưa được tiêm đầy đủ sẽ được tiêm bù.

Vắc xin sử dụng trong chiến dịch gồm vắc xin sởi đơn và vắc xin sởi - rubella được cấp phát từ nguồn ngân sách Nhà nước và Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Ngay sau khi tiếp nhận 12.000 liều vắc xin chứa thành phần sởi từ Bộ Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phân bổ vắc xin và vật tư tiêm chủng cho các đơn vị để tổ chức triển khai thực hiện chiến dịch.

Trong đó, 6.000 liều vắc xin sởi được sử dụng cho trẻ từ đủ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tháng tuổi ở vùng nguy cơ, vùng có ca mắc sởi; 4.130 liều vắc xin sởi - rubella dành cho trẻ từ 1 - 5 tuổi chưa tiêm đủ mũi vắc xin chứa thành phần sởi; và 1.870 liều vắc xin sởi - rubella dành cho trẻ từ 6-10 tuổi chưa tiêm đủ mũi vắc xin chứa thành phần sởi.

Việc triển khai chiến dịch này là một bước đi quan trọng nhằm ngăn chặn dịch bệnh lan rộng, đồng thời tạo điều kiện để trẻ em được bảo vệ trước vi rút sởi.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hồng, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện Tam Đảo cho biết: Là địa phương đầu tiên triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng sởi, trong 2 ngày (27 - 28/3), toàn huyện đã tiêm cho gần 600 trẻ ở 9/9 xã, thị trấn (tại 10 trạm y tế trên địa bàn).

Trong ngày 31/3, các trạm y tế tổ chức tiêm vét cho những đối tượng còn lại, đảm bảo chiến dịch tiêm vắc xin phòng sởi an toàn, hiệu quả, không bỏ sót đối tượng.

Trước đó, nhằm huy động người dân cùng tham gia phòng, chống bệnh sởi, Trung tâm Y tế huyện Tam Đảo đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền trực tiếp tại các hộ dân, vận động người dân chủ động tham gia công tác phòng, chống bệnh sởi; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của các xã, thị trấn về cách phát hiện, phòng chống bệnh dịch tại cộng đồng; treo băng rôn tuyên truyền về dịch bệnh sởi tại các vị trí tập trung đông người, dễ quan sát; tổ chức nói chuyện chuyên đề, thảo luận nhóm về cách phòng, chống bệnh sởi tại các thôn, xóm…

Hiện nay vẫn có một bộ phận người dân cho rằng, sởi chỉ gây ra các vấn đề ít nghiêm trọng cho sức khỏe như phát ban hoặc sốt nhẹ, nhưng theo Tổ chức Y tế Thế giới, nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách, vi rút sởi có thể gây ra nhiều biến chứng trầm trọng và đặc biệt nguy hiểm ở trẻ dưới 5 tuổi như rối loạn cơ, hệ vận động, viêm màng não, viêm não cấp...

Trẻ em chưa được tiêm vắc xin sởi và những người không có miễn dịch với vi rút sởi đều có nguy cơ mắc bệnh. Vì vậy, tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch là biện pháp hữu hiệu để phòng, chống bệnh sởi.

Vắc xin sởi không chỉ giúp bảo vệ từng cá nhân mà còn góp phần tạo ra “lá chắn” miễn dịch cho toàn bộ cộng đồng. Khi tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 95%, vi rút sởi sẽ không còn cơ hội lây lan và bùng phát thành dịch.

Theo khuyến cáo của ngành Y tế, cùng với việc đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch, người dân cần nâng cao nhận thức về bệnh sởi và các triệu chứng.

Bệnh sởi thường bắt đầu với các dấu hiệu như sốt cao, ho, chảy nước mũi, mắt đỏ và phát ban. Khi phát hiện các triệu chứng nghi ngờ, cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Đặc biệt, các trường học, nhà trẻ cần tăng cường công tác tuyên truyền, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch như vệ sinh cá nhân, khử khuẩn không gian sinh hoạt chung và theo dõi sức khỏe của học sinh để kịp thời xử lý các tình huống xảy ra.

Minh Nguyệt

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/125948//khong-chu-quan-voi-benh-soi