Không chủ quan với bệnh viêm gan 'bí ẩn'

Đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm viêm gan 'bí ẩn', nhưng nguy cơ bệnh xâm nhập hoàn toàn có thể xảy ra.

Từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo về căn bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân, ngành y tế luôn theo dõi sát tình hình thế giới, tăng cường giám sát, kịp thời triển khai các biện pháp phòng dịch, phân tích dịch tễ, lấy mẫu và xét nghiệm các trường hợp bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân.

Khám, tư vấn cho bệnh nhi tại Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Khám, tư vấn cho bệnh nhi tại Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Theo dõi sát tình hình

Theo thông tin cập nhật từ WHO, hiện nay trên thế giới đã ghi nhận hơn 300 trường hợp trẻ bị viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân tại 23 quốc gia thuộc khu vực châu Âu, châu Mỹ, Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương, trong đó đã có 9 trường hợp tử vong. Bệnh xảy ra ở trẻ từ 1 tháng tuổi đến 16 tuổi. Hầu hết bệnh nhi hồi phục hoàn toàn, tuy nhiên có một số trường hợp chuyển nặng, gần 10% các trường hợp phải ghép gan.

Theo WHO, ca bệnh có thể (ca bệnh giám sát) là những trẻ dưới 16 tuổi có biểu hiện viêm gan cấp tính (không do virus viêm gan A, B, C, D, E) với men gan tăng trên 500 IU/l (SGOT hoặc SGPT) và thời gian xuất hiện triệu chứng bắt đầu từ 1/10/2021 đến nay. Hiện tại nguyên nhân chính xác gây ra viêm gan cấp tính ở trẻ em nêu trên vẫn chưa được xác định, các cuộc điều tra và nghiên cứu về bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân đang được tiến hành.

Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm viêm gan “bí ẩn”, nhưng nguy cơ bệnh xâm nhập hoàn toàn có thể xảy ra. Kể từ khi WHO thông báo về căn bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân, ngành y tế luôn theo dõi sát tình hình thế giới. Bộ Y tế đã liên tục có văn bản gửi các đơn vị liên quan về tăng cường giám sát, kịp thời triển khai các biện pháp phòng dịch, phân tích dịch tễ, lấy mẫu và xét nghiệm các trường hợp bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em, đặc biệt ở nhóm trẻ dưới 16 tuổi.

Cùng với đó, Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh có cửa khẩu biên giới tăng cường giám sát, phát hiện sớm những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ để có hướng dẫn, quản lý phù hợp. Bộ cũng đề nghị sở y tế các địa phương báo cáo ngay những trường hợp bất thường, đánh giá nguy cơ, đề xuất các biện pháp phòng, chống tại Việt Nam nhằm hạn chế tối đa số trẻ mắc bệnh và tử vong.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị truyền thông cho người dân biết về tình hình bệnh viêm gan cấp không rõ nguyên nhân và biện pháp phòng, chống tạm thời. Trước mắt tập trung vào biện pháp bảo đảm vệ sinh phòng bệnh cá nhân; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn thông thường, che miệng khi hắt hơi để phòng bệnh viêm gan chưa rõ nguyên nhân và một số bệnh truyền nhiễm phổ biến khác…

Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đã chỉ đạo Bộ Y tế trao đổi, cập nhật thông tin với WHO về căn bệnh này để chủ động có kế hoạch ứng phó, chuẩn bị nhân lực, phương tiện, vật tư, trang thiết bị phòng ngừa, điều trị.

Chủ động các biện pháp phòng tránh

Đề cập đến bệnh viêm gan “bí ẩn”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, mặc dù chưa xuất hiện chùm ca bệnh nhưng ở một thời điểm nào đó, khả năng virus gây ra căn bệnh viêm gan này sẽ xuất hiện ở Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam vẫn phải luôn cảnh giác với tình hình dịch cũng như cập nhật các ca bệnh liên quan trên thế giới.

BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng theo sát các hướng điều trị của các đồng nghiệp ở những nước đã có bệnh nhân để học hỏi kinh nghiệm. Quan trọng nhất hiện nay là tăng cường giám sát, phát hiện sớm để điều trị sớm, hạn chế đến mức thấp nhất tổn thương mà bệnh mang lại cho trẻ và phải chuẩn bị sẵn sàng về điều kiện kỹ thuật để nếu trong trường hợp xấu nhất bệnh nhân phải ghép gan, thì chúng ta có thể đáp ứng kịp thời. Ngay cả phương án hỗ trợ tuyến dưới về mặt chuyên môn cũng được BV tính đến. Cùng với đó, các bậc cha mẹ chú ý theo dõi con, đặc biệt là trẻ có bệnh lý chuyển hóa, có viêm gan B, C sẵn, nếu gặp virus này sẽ nguy hiểm hơn.

“Trong khi chờ các kết quả nghiên cứu khẳng định nguyên nhân gây bệnh, đường lây truyền, cha mẹ cần lưu ý tuân thủ các nguyên tắc thực hiện vệ sinh cá nhân có thể là nguồn lây bệnh cho trẻ như: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn thông thường, che miệng khi hắt hơi; thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn đồ sống, vệ sinh đồ dùng cá nhân; đảm bảo nguồn nước sạch và xử lý tốt chất thải của bệnh nhân, vì đó có thể là đường lây truyền. Tại trường học cũng cần lưu ý phòng bệnh cho trẻ như đảm bảo vệ sinh, dùng riêng đồ dùng cá nhân, lau chùi thường xuyên các vật dụng, bề mặt tiếp xúc, đồ chơi...” - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp khuyến cáo.

Trong khi đó, theo TS Nguyễn Phạm Anh Hoa - Trưởng khoa Gan mật, BV Nhi Trung ương, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, BV Nhi Trung ương đã và đang tăng cường giám sát những trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ, điều tra dịch tễ, đánh giá lâm sàng, thực hiện các xét nghiệm cần thiết để xác định nguyên nhân, và báo cáo các cơ quan dịch tễ, Bộ Y tế.

Trong giai đoạn này, tất cả ca bệnh có triệu chứng tiêu hóa kèm theo có tổn thương gan cấp vào viện sẽ được đặc biệt lưu ý tới tiền sử dịch tễ, các triệu chứng bất thường ở đường tiêu hóa và ngoài đường tiêu hóa… sau khi loại trừ tất cả nguyên nhân gây tổn thương gan thường gặp sẽ được tiến hành thêm các xét nghiệm chuyên sâu để tìm nguyên nhân gây bệnh, bao gồm cả sàng lọc Adenovirus. Việc ghi nhận, báo cáo, điều trị và giám sát các ca bệnh mới được tuân thủ đúng quy định của trung tâm phòng dịch, cơ quan liên quan nhằm hạn chế tối đa số ca mắc bệnh và tử vong.

Cũng theo TS Nguyễn Phạm Anh Hoa, do chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh nên chưa có điều trị đặc hiệu. Các biện pháp điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ, bao gồm cả các biện pháp hồi sức tích cực cho những trường hợp suy gan nặng như thay huyết tương, lọc máu liên tục…, và có thể ghép gan cấp cứu. Mục tiêu nhằm điều trị hỗ trợ sớm cho trẻ để hạn chế mức độ tổn thương tới mức thấp nhất và tăng cường khả năng phục hồi chức năng gan và ghép gan trong trường hợp suy gan mất bù.

Do tới nay, nguyên nhân tổn thương gan ở nhóm trẻ nhỏ vẫn chưa rõ nên chưa thể khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh chủ động và đặc hiệu. Tuy vậy, các bậc phụ huynh không nên quá hoang mang, lo lắng. Chúng ta cần bình tĩnh và chú ý để có thể phát hiện sớm các triệu chứng bệnh đường tiêu hóa và tổn thương gan ở trẻ. Những trẻ có những triệu chứng sốt, đau bụng, nôn – buồn nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, vàng da, viêm kết mạc… cần được tới khám tại các cơ sở y tế.

TS Nguyễn Phạm Anh Hoa

Mặc dù chưa ghi nhận ca bệnh gan không rõ nguyên nhân ở trẻ nhỏ nào ở Việt Nam nhưng chúng ta không được chủ quan. Nếu có bệnh nhân tổn thương gan tối cấp, các bác sĩ sẽ lưu ý thêm về nguyên nhân gây bệnh. Hằng năm, BV Nhi Trung ương vẫn có một vài trường hợp viêm gan tối cấp có nguyên nhân liên quan như ngộ độc paracetamol do quá liều, do virus viêm gan A, B, C...

PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc BV Nhi Trung ương

Thanh Bình

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khong-chu-quan-voi-benh-viem-gan-bi-an.html