Không chủ quan với dịch bệnh

Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tiếp tục có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến ngành chăn nuôi nói chung cũng như nguồn cung thực phẩm cho thị trường tiêu dùng.

Thông tin đáng lo ngại nhất là từ đầu năm 2024 đến nay, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã buộc ngành chức năng phải tiêu hủy trên 17.400 con lợn, tăng gần 54% so với cùng kỳ năm 2023. Điều đáng nói, loại dịch nguy hiểm này hiện diện ở 410 xã thuộc 40 tỉnh, thành phố, cho thấy nguy cơ lây lan và ảnh hưởng đến người chăn nuôi lợn là rất lớn.

Chưa dừng ở đó, dịch lở mồm long móng cũng hoành hành ở 44 xã của 13 tỉnh, thành phố; 34 tỉnh, thành phố phát hiện động vật nghi mắc bệnh dại; trên 60 xã của 9 tỉnh có dịch viêm da nổi cục… Ngoài ra, có 7 tỉnh đã xảy ra dịch cúm gia cầm A/H5N1, buộc tiêu hủy trên 12.000 con gia cầm và có 2 người chết liên quan đến nhiễm vi rút A/H5N1, A/H9N2.

Nguy hiểm hơn, tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, nhất là nhập lậu con giống gia cầm vào Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp, chưa được kiểm soát triệt để, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh sang những vật nuôi khác ở trong nước.

Từ nay đến cuối năm, thời tiết trên cả nước dự báo diễn biến rất khó lường. Nắng nóng gay gắt kết hợp với những trận mưa lớn khiến khí hậu thay đổi đột ngột là môi trường lý tưởng cho các loại mầm bệnh trên đàn gia súc, gia cầm lưu hành, phát triển. Như vậy, nguy cơ dịch bệnh luôn hiện hữu và có thể bùng phát bất cứ lúc nào, đặt ra cho các địa phương không được phép lơ là, chủ quan, phải có biện pháp phòng tránh hiệu quả ngay từ cơ sở và từ trong mỗi cơ sở, hộ chăn nuôi.

Theo đó, các cấp, ngành, địa phương và mỗi người dân cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được nêu ra trong Công điện số 58/CĐ-TTg ngày 16-6-2024 về việc tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Một trong những giải pháp quan trọng được Thủ tướng yêu cầu phải thực hiện ngay trước mắt là người đứng đầu các tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo, huy động các nguồn lực hợp pháp để xử lý dứt điểm ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh; chủ động triển khai các biện pháp, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp mua bán, vận chuyển động vật bệnh, vứt xác động vật chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

Cùng với đó, tổ chức triển khai việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi, bảo đảm đạt tối thiểu trên 80% tổng vật nuôi hiện có được tiêm phòng trong thời gian sớm nhất có thể…

Bên cạnh các giải pháp nêu trên, về lâu dài, ngành chăn nuôi cùng các địa phương cần có chiến lược, đầu tư đúng mức để xây dựng cơ sở, chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật; bố trí nguồn lực tổ chức có hiệu quả các chương trình, kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật. Đặc biệt, các địa phương cần khẩn trương kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp để bảo đảm triển khai có hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật, ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật.

Hơn hết, người chăn nuôi phải thường xuyên nâng cao nhận thức, trách nhiệm về nguy cơ xảy ra dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; không hoang mang và luôn chủ động áp dụng biện pháp phòng bệnh trên đàn gia súc, gia cầm theo hướng dẫn của ngành Y tế và thú y.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/khong-chu-quan-voi-dich-benh-669549.html