Không chủ quan với dịch bệnh trên gia súc

Những ngày gần đây, bệnh chướng hơi dạ cỏ xuất hiện sau thời gian dài được kiểm soát đã gây thiệt hại cho người chăn nuôi ở một số địa phương trên địa bàn huyện Bù Gia Mập. Điều đáng quan tâm là số trâu, bò chết đều rơi vào trường hợp chưa tiêm ngừa vắc xin; khi dịch bệnh xảy ra, người chăn nuôi thường tự điều trị bằng phương pháp truyền thống.

Có 10 con trâu, cũng như một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khác trên địa bàn, gia đình chị Thị Thảo ở thôn Đắk Son 2, xã Phú Văn không tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn trâu mà thường sử dụng cây thuốc sẵn có xung quanh nhà để chữa trị khi trâu bị bệnh. Vài ngày trước, khi 1 con trâu hơn 2 năm tuổi bỏ ăn, chị dùng cây thuốc để chữa trị nhưng trâu không qua khỏi chỉ sau thời gian ngắn. Chị Thảo cho biết: Trước đây, gia đình thường không chích ngừa cho trâu, giờ thấy trâu chết, mất bao nhiêu tiền của, xót lắm. Gia đình cũng mới gọi cán bộ thú y vào chích ngừa cho mấy con còn lại để phòng ngừa dịch bệnh lây lan.

Cộng tác viên thú y xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập phun thuốc tiêu độc, khử khuẩn khu vực chăn thả gia súc của các hộ đồng bào DTTS ở thôn Đắk Son 1

Cộng tác viên thú y xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập phun thuốc tiêu độc, khử khuẩn khu vực chăn thả gia súc của các hộ đồng bào DTTS ở thôn Đắk Son 1

Ông Điểu Bưu ở cùng thôn Đắk Son 2 cho biết thêm: Dịch bệnh trên đàn trâu lâu nay vẫn có, nhưng năm nay rất lạ, trâu chết nhanh, buổi chiều trâu bỏ ăn thì nửa đêm đã chết. Không chỉ ở thôn này mà một số thôn lân cận cũng có trâu, bò chết.

Trên địa bàn xã Phú Văn hiện có hơn 1.500 con trâu, bò, người chăn nuôi phần lớn là các hộ DTTS. Cuối năm 2021, trên địa bàn xã có 8 con trâu, bò chết do bệnh viêm da nổi cục, tụ huyết trùng. Với sự vào cuộc của ngành chức năng, dịch bệnh đã được khống chế, kiểm soát trong thời gian dài, tuy nhiên chỉ vài ngày gần đây, đã có 4 con trâu, bò chết do bệnh chướng hơi dạ cỏ.

Ông Điểu Quốc, cộng tác viên thú y xã Phú Văn chia sẻ: Hằng năm, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn cho bà con về chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn với dịch bệnh nhưng công tác tuyên truyền cho đồng bào DTTS rất khó khăn. Bà con vẫn giữ thói quen nuôi nhốt trâu, bò trong các bãi sình lầy, rất dễ lây lan khi có dịch bệnh hoặc chăn thả nhiều nơi nên rất khó kiểm soát để phòng ngừa.

Chăn thả, nuôi nhốt gia súc tập trung là thói quen của các hộ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Bù Gia Mập. Ngoài ra, bà con thường sử dụng các loại cây thuốc để tự chữa trị cho trâu, bò, một bộ phận thì không tuân thủ việc tiêm vắc xin phòng ngừa nên rất dễ dẫn đến nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng.

Ông Đỗ Văn Tình, cộng tác viên thú y xã Phú Nghĩa cho biết: Ban thôn và hội, đoàn thể địa phương đã vào vận động, tuyên truyền nhưng một số hộ dân dứt khoát không cho chích ngừa trâu, bò, nhân viên thú y không biết phải làm thế nào bởi không thể áp dụng chế tài xử phạt. Đa phần bà con vẫn giữ quan điểm trâu, bò bị bệnh chỉ cần sử dụng cây thuốc nam như chanh, sả tắm là khỏi. Điều này khiến địa phương rất bất an bởi đó là tài sản lớn của các hộ dân và một khi dịch bệnh xảy ra thì kéo theo nhiều hệ lụy.

Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Gia Mập vẫn duy trì các giải pháp phòng chống, ngăn ngừa dịch bệnh, trong đó có việc quản lý chặt các khu vực chăn nuôi tập trung; thường xuyên triển khai tiêu độc, khử trùng đồng thời tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân cải tạo chuồng trại để đảm bảo môi trường chăn nuôi. Tuy nhiên, ý thức người chăn nuôi trong việc chủng ngừa đầy đủ gắn với bảo vệ tài sản kinh tế của chính mình mới là yếu tố quyết định sự thành công trong công tác phòng, chống dịch bệnh lâu dài.

Trần Cảnh - Công Minh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/136445/khong-chu-quan-voi-dich-benh-tren-gia-suc