Không chủ quan với mưa lũ, sạt lở
Mưa lớn kéo dài những ngày vừa qua trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc khiến nước lũ dâng cao, đất đá sạt lở làm ách tắc nhiều tuyến giao thông. Trên địa bàn tỉnh, mưa lớn kèm gió lốc khiến nhiều ngôi nhà bị tốc mái, hàng trăm héc-ta ngô hè thu, lúa mùa bị thiệt hại; nhiều điểm trên tuyến quốc lộ 4H, 12 bị ách tắc do sạt lở đất đá; Trường mầm non Na Tông (huyện Điện Biên) đất đá sạt lở lớn, bùn đất tràn vào trong lớp học…
Mưa lớn kèm gió lốc những ngày qua trên địa bàn tỉnh tuy chưa thiệt hại về người song sạt lở ách tắc giao thông nhiều điểm, thiệt hại nhiều tài sản, rau màu của nhân dân. Hiện nay, tại các điểm sạt lở, lực lượng chức năng, bộ đội, biên phòng, dân quân… tập trung nhân lực, máy móc san gạt để các phương tiện lưu thông. Một số tuyến đường liên xã, đường vào bản bị sạt lở lớn, giao thông tê liệt, không thể đi lại, chính quyền huy động người dân cùng các lực lượng hót đất thông tuyến tạm thời. Với diện tích lúa, ngô bị ngập úng, lũ quét hoặc đổ gẫy, cán bộ nông nghiệp cùng chính quyền địa phương kiểm tra, đánh giá xem có thể khắc phục phần nào. Tại các điểm sạt trượt, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, chính quyền địa phương tổ chức di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Chúng ta đều biết, mưa lũ, sạt lở là loại hình thiên tai nguy hiểm, thường diễn ra nhanh, gây thiệt hại nghiêm trọng, ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất của người dân. Sạt lở đất đá thường diễn ra sau những ngày mưa, đất đá ngấm nước, liên kết không còn chặt chẽ dễ dẫn đến sụt sạt, trượt lở. Mưa lũ cũng là tác động của biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino đã được dự báo. Tuy nhiên, mưa lũ, sạt lở đất còn là hậu quả của việc con người phá rừng, khai thác khoáng sản… phá vỡ sự cân bằng của tự nhiên, tác động đến sườn dốc núi đồi khiến hậu quả thêm nặng nề. Nguy cơ từ mưa lũ, sạt lở đất đá vẫn tiềm ẩn, không chỉ gây hậu quả to lớn về người và tài sản mà còn làm suy giảm sự phát triển của mỗi địa phương, đất nước.
Chủ động phòng tránh, giảm thiểu tác động của thiên tai, nước ta đã ban hành nhiều chương trình, chính sách, như: Luật Phòng chống thiên tai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Lâm nghiệp,… Các địa phương từ Trung ương tới cấp xã đều có lực lượng phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, kịp thời tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai. Nhận thức của cộng đồng về phòng chống lũ quét, sạt lở đất cũng được nâng lên thông qua các buổi tuyên truyền, phổ biến kiến thức. Rõ ràng các giải pháp phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai đã được triển khai song hậu quả do mưa lũ, sạt lở đất đá ngày càng nặng nề, khó lường. Điều này cần sự chủ động, cảnh giác hơn nữa trước những biến đổi của khí hậu, thiên nhiên.
Liên tiếp những ngày vừa qua, Chính phủ đã có chỉ đạo khẩn cấp về khẩn trương ứng phó với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo an toàn hồ đập… Trong công điện số 726/CĐ-TTg, ngày 6/8/2023, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương cần triển khai lực lượng rà soát ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở, sụt lún đất, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn dân cư, an toàn hồ đập trên địa bàn nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động triển khai công tác ứng phó mưa lũ theo phương châm “bốn tại chỗ”. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 8/8/2023, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành công văn số 3366/UBND-KTN về tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, nêu cao tinh thần cảnh giác, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động triển khai công tác ứng phó mưa lũ, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ.
Mưa lớn được dự báo vẫn tiếp tục tại các tỉnh miền núi phía Bắc nên nguy cơ về sạt lở, lũ quét luôn thường trực với địa bàn Điện Biên. Vì vậy, ngoài khẩn trương thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, lực lượng chức năng và nhân dân các địa phương trong tỉnh không được chủ quan với mưa lũ, sẵn sàng di dời khỏi khu vực nguy hiểm. Chỉ khi chúng ta chủ động các biện pháp phòng tránh, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân mới có thể hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ, sạt lở đất gây ra.