Không có bảng xếp hạng nào là 'chiếc áo đồng phục' để các CSGDĐH 'mặc chung'
Cái hay của xếp hạng ĐH đến từ việc nó giúp cơ sở GDĐH thấy rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình để có kế hoạch cho việc cải thiện, nâng cao chất lượng của đơn vị.
Trong bối cảnh phát triển và hội nhập giáo dục ngày càng sâu rộng, xếp hạng đại học có vai trò và ý nghĩa quan trọng, giúp cho các cơ sở giáo dục đại học định hướng được mục tiêu phát triển và có những chiến lược nhằm cải thiện chất lượng giáo dục và đào tạo của mình.
Mới đây, tổ chức Times Higher Education (THE) đã công bố bảng xếp hạng đại học châu Á năm 2024. Một số cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam có tên bảng xếp hạng này giữ nguyên thứ hạng hoặc bị tụt hạng so với năm ngoái.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, lợi ích của việc tham gia các bảng xếp hạng đại học không chỉ nằm ở thứ hạng cao – thấp, mà các cơ sở giáo dục đại học nên lấy bảng xếp hạng làm thước đo tự đánh giá chất lượng của đơn vị.
Bảng xếp hạng là thước đo đánh giá chất lượng đào tạo
Đánh giá về tầm quan trọng của việc xếp hạng đại học, Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), nguyên Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, xếp hạng đại học mang lại lợi ích cho cả nhà trường, người học và xã hội.
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC.
Đây thực sự là một sân chơi giúp các cơ sở giáo dục đại học có khả năng đối sánh chất lượng với các cơ sở giáo dục đại học khác ở trong nước, trong khu vực và trên quốc tế.
Nhờ xếp hạng đại học, các cơ sở này biết được điểm mạnh, điểm yếu của mình, nhận thức được vị trí của mình đang ở đâu so với các trường đại học khác trong khu vực và trên thế giới. Từ đó, có kế hoạch cải tiến chất lượng, nâng cao vị thế.
Điều 9 Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 (Luật số 34/2018/QH14) có quy định về Xếp hạng cơ sở giáo dục đại học như sau:
1. Xếp hạng cơ sở giáo dục đại học nhằm đánh giá uy tín, chất lượng, hiệu quả hoạt động theo tiêu chí nhất định, đáp ứng nhu cầu thông tin cho cá nhân, tổ chức có liên quan.
2. Cơ sở giáo dục đại học chủ động lựa chọn, tham gia các bảng xếp hạng có uy tín trong nước, quốc tế.
3. Pháp nhân phi thương mại Việt Nam được thực hiện xếp hạng cơ sở giáo dục đại học; phải bảo đảm trung thực, khách quan, minh bạch, có trách nhiệm công khai, giải trình về phương pháp, tiêu chí và kết quả xếp hạng.
Mặt khác, xếp hạng đại học còn là thực hiện theo đúng tinh thần của Luật Giáo dục đại học hiện hành.
Sau nhiều năm đổi mới, ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới (như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…) đã có thêm nhiều trường đại học lọt top các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của thế giới.
Theo Giáo sư Nguyễn Đình Đức, xếp hạng đại học là một chỉ số quan trọng đánh giá chất lượng giáo dục đại học và hội nhập quốc tế, khẳng định uy tín và vị thế của nhà trường. Đạt vị trí cao trong các bảng xếp hạng sẽ là niềm tự hào của cơ sở giáo dục đại học và là động lực để các cơ sở này tiếp tục phấn đấu.
“Thủ đô của tất cả các nước phát triển trên thế giới đều có những đại học hàng đầu.
Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đề ra mục tiêu, đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực; và đến 2045 có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Để đạt được mục tiêu này, Thủ đô Hà Nội cũng cần phải phấn đấu để có cơ sở giáo dục đại học lọt vào top đại học hàng đầu thế giới.
Vì thế, các trường đại học Việt Nam phải lựa chọn để tham gia các bảng xếp hạng đại học. Đây là điều hết sức cần thiết đối với các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam trong việc hội nhập quốc tế và thực hiện quy định của Luật Giáo dục đại học”, Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức nhận định.
Bàn luận về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiên Phúc – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đối với nền giáo dục đang trên đà phát triển như ở Việt Nam, tham gia các bảng xếp hạng đại học cũng như một thước đo để đánh giá về chất lượng đào tạo, giúp các đơn vị tự hoàn thiện mình.
Đối với một số trường đại học, nhờ dựa trên những tiêu chí của bảng xếp hạng mà họ có thể đề ra kế hoạch phát triển của đơn vị trong khoảng thời gian ngắn (kế hoạch phát triển trước mắt trong 5 – 10 năm).
Nói thêm về thứ hạng cao – thấp của các đơn vị khi tham gia các bảng xếp hạng đại học trong nước và quốc tế, Phó Giáo sư Trần Thiên Phúc chia sẻ: “Không có bảng xếp hạng nào đánh giá toàn diện được một cơ sở giáo dục đại học và cũng không có bảng xếp hạng nào trở thành “chiếc áo đồng phục” để các trường đại học “mặc chung”. Mỗi bảng xếp hạng đại học sẽ có những tiêu chí/tiêu chuẩn đánh giá riêng và có sự thay đổi theo thời gian.
Trên thực tế, hiện nay, chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam có một khoảng cách khá rõ ràng. Vì thế, dựa trên những tiêu chuẩn/tiêu chí đánh giá của từng bảng xếp hạng, các trường có thể tự chọn cho mình một bảng xếp hạng để đánh giá”.
Thầy Phúc cũng khẳng định lại, cái hay của các bảng xếp hạng đại học đến từ việc nó giúp cơ sở giáo dục đại học thấy rõ mình là ai và mình đang ở đâu, từ đó có kế hoạch cho việc cải thiện để nâng cao chất lượng của đơn vị. Vì thế, không nên quá nặng nề về thứ hạng cao – thấp khi xếp hạng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiên Phúc – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: website nhà trường.
Nói thêm về vấn đề xếp hạng của đơn vị mình, thầy Phúc cũng cho biết, theo chủ trương chung của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, việc xếp hạng đại học được đánh giá chung trong toàn đơn vị. Vì thế, các trường thành viên sẽ không tham gia đánh giá xếp hạng lại ở những bảng xếp hạng mà Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã tham gia.
“Tuy nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng rất hiểu và tạo điều kiện để các trường thành viên được quyền sử dụng chuẩn kiểm định/bảng xếp khác để đánh giá.
Hiện nay, Trường Đại học Bách Khoa cũng đang chuẩn bị tham gia một bảng xếp hạng của Nga. Dựa trên tiêu chí của bảng xếp hạng này, trường sẽ có những mục tiêu trong kế hoạch chiến lược phát triển của trường trường;
Đồng thời, tiến hành tự đánh giá theo chu kỳ 3 tháng/lần để nắm bắt được hiệu quả hoạt động của các kế hoạch mà trường đề ra" - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ thêm.
Xếp hạng đại học phải trung thực, không thể để hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”
Tuy nhiên, vấn đề về xếp hạng đại học hiện nay cũng nhận về một số ý kiến trái chiều. Bày tỏ trăn trở của mình về vấn đề này, Giáo sư Nguyễn Đình Đức cho biết, điều đáng buồn là nhiều trường đại học Việt Nam hiện nay chưa dám đặt ra mục tiêu tham gia xếp hạng.
Bên cạnh đó, có hiện tượng về việc một số cơ sở giáo dục đại học vì muốn đạt thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng mà gây ra tranh cãi về vi phạm liêm chính học thuật.
“Đại học là nơi sáng tạo tri thức, đỉnh cao của tri thức. Trong đó, các nghiên cứu, công bố quốc tế là một chỉ số được đánh giá rất cao, thể hiện năng lực dẫn dắt, đổi mới sáng tạo của trường đại học. Công bố quốc tế cũng là một chỉ số rất quan trọng trong tất cả các bảng xếp hạng.
Cũng chính vì sự quan trọng ấy mà đã xảy ra có hiện tượng một số trường đại học mua bài báo, khai man, tạo nên thứ hạng xếp hạng không đúng với thực lực. Đây là hiện tượng "con sâu làm rầu nồi canh". Tôi cực kỳ phản đối việc a dua, khai man và bằng mọi cách để xếp hạng.
Nhưng nếu không xếp hạng, không tham gia vào các sân chơi của thế giới, theo các tiêu chuẩn quốc tế, giáo dục sẽ khó hội nhập, thậm chí mất phương hướng. Nếu không có đối sánh sẽ không biết mình đang ở đâu, đi đâu, về đâu” – Giáo sư Nguyễn Đình Đức nêu quan điểm.
Ảnh minh họa: Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tuy còn một số bất cập, nhưng theo thầy Đức, điều này không có nghĩa là chúng ta tẩy chay xếp hạng đại học. Mà hơn hết, đòi hỏi các tổ chức xếp hạng phải không ngừng cải tiến trong cách đo lường và đánh giá, giúp cho việc xếp hạng ngày càng phản ánh được tính trung thực, chính xác trong thời gian tới.
Nhiều cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đã tham gia và chuẩn bị tham gia vào các bảng xếp hạng
Năm 2018, lần đầu tiên ở Việt Nam, 2 đơn vị là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh lọt top 1000 đại học thế giới theo bảng xếp hạng Quacquarelli Symonds (QS World University Rankings).
Sau đó, cùng với 2 Đại học Quốc gia, một số đại học lớn ở Việt Nam tiếp tục lọt vào các bảng xếp hạng khó hơn như Times Higher Education (THE), hay Webometrics và ARWU của Trường Đại học Giao thông Thượng Hải. Đây đều là những bảng xếp hạng được đánh giá có uy tín và ảnh hưởng hàng đầu thế giới.
Bên cạnh đó, giáo dục đại học của Việt Nam cũng tiếp tục ghi nhận các lĩnh vực được xếp hạng.
“Lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ của Đại học Quốc gia Hà Nội đã lọt top 386 thế giới theo bảng xếp hạng QS năm 2022. Năm 2023, 8/10 lĩnh vực của Đại học Quốc gia Hà Nội lọt top 1000 trong bảng xếp hạng THE. Đơn vị này đề ra mục tiêu lọt top xếp hạng 500 thế giới vào năm 2030 và top xếp hạng 300 đến năm 2045.
Riêng với Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng mạnh dạn đề ra mục tiêu một số lĩnh vực lọt top xếp hạng 200 thế giới vào năm 2045” – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội thông tin thêm.
Trong công bố bảng xếp hạng đại học châu Á năm 2024 của THE mới đây cho 739 trường, đến từ 31 quốc gia, vùng lãnh thổ, Việt Nam có 6 đại diện lọt vào bảng xếp hạng chính thức, đó là: Trường Đại học Tôn Đức Thắng (top 200), Trường Đại học Duy Tân (nhóm 251 – 300), Đại học Bách khoa Hà Nội (nhóm 501 – 600), Đại học Quốc gia Hà Nội (nhóm 501 – 600), Đại học Huế (nhóm 601+), Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (nhóm 601+).
Chia sẻ về niềm vui này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Phương – Giám đốc Đại học Huế cho biết, từ năm 2023, đơn vị này đã tham gia vào hai bảng xếp hạng là THE và QS và đã có được những vị trí nhất định trong các bảng xếp hạng này.
Năm 2024, đơn vị này vẫn giữ vững vị trí ở top 601+ trong bảng xếp hạng đại học châu Á (THE). Trong đó, có 2 tiêu chí mà Đại học Huế đã vượt lên mạnh mẽ là về hợp tác quốc tế và chất lượng giảng dạy.
Đại học Huế giữ vị trí ở top 601+ trong bảng xếp hạng đại học châu Á (THE) năm 2024.
Theo Giám đốc Đại học Huế: “Một trong các mục tiêu phát triển chiến lược của Đại học Huế là lọt top 300 cơ sở giáo dục đại học được tốt nhất châu Á – theo bảng xếp hạng QS (hiện nay, đơn vị đang đứng ở vị trí 351).
Dựa trên những tiêu chuẩn, tiêu chí của các bảng xếp hạng, Đại học Huế cũng luôn cố gắng phát triển, nhằm đáp ứng những tiêu chuẩn, tiêu chí đó. Điều này cũng một lần nữa khẳng định vị thế, chất lượng của đơn vị. Đồng thời, thúc đẩy sự hợp tác quốc tế, đẩy mạnh ký kết các hợp tác với các cơ sở sở giáo dục đại học nước ngoài.
Thông qua việc xếp hạng đại học, nhiều sinh viên, chuyên gia nước ngoài cũng muốn được học tập, làm việc tại đơn vị hơn. Đây là một điều rất tốt nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, làm việc của đơn vị; xây dựng môi trường học tập, làm việc tốt cho học viên, giảng viên”.
Bên cạnh đó, chia sẻ về kinh nghiệm của đơn vị khi tham gia các bảng xếp hạng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Phương cho biết, các bảng xếp hạng quốc tế yêu cầu rất cao yếu tố định lượng. Nên muốn đạt được thứ hạng cao ở các bảng xếp hạng này, cơ sở giáo dục đại học cần chú ý, làm rõ số liệu cụ thể.
Ví dụ như số lượng bài báo quốc tế, trích dẫn, hay cụ thể về số lượng sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp, nội dung về hợp tác quốc tế…