Không có chuyện sử dụng cát biển làm đường cao tốc khiến lúa chết

Ngày 15/6, Bộ Giao thông vận tải cho biết, thông tin phản ánh một số diện tích lúa đông-xuân ở xã Vị Thắng (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) bị chết, giảm năng suất do việc sử dụng cát biển nhiễm mặn thi công đường cao tốc bắc-nam phía đông đoạn Cần Thơ-Cà Mau (giai đoạn 2021-2025) là không có cơ sở.

Dự án đường cao tốc bắc-nam đoạn Cần Thơ-Cà Mau đang sử dụng duy nhất nguồn vật liệu cát đắp từ các mỏ cát sông.

Dự án đường cao tốc bắc-nam đoạn Cần Thơ-Cà Mau đang sử dụng duy nhất nguồn vật liệu cát đắp từ các mỏ cát sông.

Về sử dụng cát biển để thi công thí điểm mở rộng cho các tuyến đường cao tốc, hiện nay, Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận, các nhà thầu đang làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng để hoàn thiện thủ tục cấp phép khai thác để thi công các đoạn tuyến tại các khu vực có điều kiện môi trường tương đồng với khu vực đã thí điểm, dự kiến đến cuối tháng 6/2024 mới có thể bắt đầu khai thác.

Thời gian gần đây, dư luận xã hội và một số cơ quan báo chí phản ánh việc một số một số diện tích lúa đông-xuân của các hộ dân tại ấp 9, xã Vị Thắng bị chết và giảm năng suất do dự án đường cao tốc thi công sử dụng cát biển nhiễm mặn.

Bộ Giao thông vận tải khẳng định, dự án đường cao tốc bắc-nam đoạn Cần Thơ-Cà Mau đang sử dụng duy nhất nguồn vật liệu cát đắp từ các mỏ cát sông được Ủy ban nhân dân các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long cấp cho dự án theo cơ chế đặc thù.

“Quá trình khai thác, vận chuyển để đưa vật liệu cát về thi công công trình được kiểm soát hết sức nghiêm ngặt, chặt chẽ bởi nhiều cơ quan, đơn vị liên quan. Về phía các đơn vị của địa phương đã kiểm soát việc đăng ký phương tiện vận chuyển của nhà thầu, lắp đặt định vị hành trình phương tiện vận chuyển, lắp đặt, định vị camera giám sát thiết bị khai thác”, ông Uông Việt Dũng, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.

Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu phía chủ đầu tư, tư vấn giám sát, các nhà thầu phải thực hiện thí nghiệm vật liệu trước khi chấp thuận nguồn; khi đưa cát về công trường đều được thí nghiệm thành phần hạt, các chỉ tiêu cơ-lý theo quy định của chỉ dẫn kỹ thuật và phải đáp ứng yêu cầu mới được tư vấn giám sát, chủ đầu tư chấp thuận; công tác thí nghiệm, kiểm tra đều được thực hiện theo tần suất. Ngoài ra còn có sự kiểm soát của các cơ quan khác về nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn chứng từ,…

Quá trình khai thác, vận chuyển để đưa vật liệu cát về thi công công trình được kiểm soát hết sức nghiêm ngặt, chặt chẽ bởi nhiều cơ quan, đơn vị liên quan.

Chánh Văn phòng Bộ Giao thông vận tải Uông Việt Dũng

Vì vậy, các thông tin như một số báo chí phản ánh là thiếu cơ sở. Để đánh giá một cách toàn diện, khoa học, khách quan, Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các địa phương tổ chức kiểm tra, xác định nguyên nhân theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến thứ 12 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, diễn ra sáng 14/6, về thông tin nghi sử dụng cát biển thi công dự án đường cao tốc làm lúa chết, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng khẳng định khu vực lúa chết “chưa sử dụng một hạt cát biển nào cả”, nguồn cát sử dụng cho dự án được kiểm soát chặt chẽ, không “làm dối” được.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng khẳng định khu vực lúa bị chết “chưa sử dụng một hạt cát biển nào".

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng khẳng định khu vực lúa bị chết “chưa sử dụng một hạt cát biển nào".

Người đứng đầu ngành giao thông kiến nghị báo chí đưa thông tin cần chính xác, “hết sức thận trọng về nội dung này để không ảnh hưởng tới chủ trương lớn, đúng đắn về phát triển hạ tầng giao thông của Đảng, Nhà nước”.

Theo khẳng định của đại diện lãnh đạo Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận, dự án đường cao tốc Cần Thơ-Cà Mau được khởi công từ ngày 1/1/2023, tổng chiều dài tuyến hơn 110km, qua 5 tỉnh, thành phố Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau.

Dự án hiện đang sử dụng duy nhất nguồn vật liệu cát đắp từ các mỏ cát sông được chính quyền các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long cấp cho dự án theo cơ chế đặc thù. Nguồn vật liệu cát về đến công trình được tư vấn giám sát kiểm soát chặt chẽ tại hiện trường, cùng với sự giám sát của các sở, ngành địa phương có mỏ vật liệu.

Theo kế hoạch, dự án đường cao tốc Cần Thơ-Cà Mau sẽ sử dụng khoảng 6 triệu m3 cát biển.

Theo kế hoạch, dự án đường cao tốc Cần Thơ-Cà Mau sẽ sử dụng khoảng 6 triệu m3 cát biển.

Theo kế hoạch, dự án sẽ sử dụng khoảng 6 triệu m3 cát biển. Hiện nay, Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận, nhà thầu đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của tỉnh Sóc Trăng, Bộ Tài nguyên và Môi trường để triển khai các thủ tục khai thác cát biển làm vật liệu san lấp cho dự án và dự kiến trong tháng 6/2024 mới hoàn thành các thủ tục khai thác cát biển.

Việc sử dụng cát biển đến nay chỉ thực hiện thi công thí điểm (khoảng 300m) trên tuyến đường tỉnh 978 (thuộc địa bàn xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu và đã hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 8/2023). Đến nay, tại khu vực thí điểm, người dân tại khu vực này vẫn sản xuất, canh tác bình thường.

Khai thác cát sông đắp nền đường cao tốc.

Khai thác cát sông đắp nền đường cao tốc.

Kết quả kiểm tra thực tế hiện trường một số diện tích lúa bị chết tại ấp 9, xã Vị Thắng do chủ đầu tư, nhà thầu thi công phối hợp với các cấp chính quyền địa phương thực hiện, kết quả kiểm tra ngày 17/5/2024 cho thấy, độ nhiễm mặn tại khu vực kiểm tra dao động từ 0,2 đến 2,7 phần nghìn.

Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang thông tin, thời gian qua, nồng độ mặn xâm nhập từ triều biển Tây theo con nước sông Cái Lớn và kênh Chắc Bang vào các tuyến kênh chính ở thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ tăng cao.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khong-co-chuyen-su-dung-cat-bien-lam-duong-cao-toc-khien-lua-chet-post814452.html