Không có đất hiếm, Đà Nẵng làm gì để phát triển công nghiệp bán dẫn?

'Đà Nẵng tập trung ở khâu đào tạo nhân lực, hệ sinh thái - môi trường sống thuận lợi để thu hút chuyên gia, đồng thời cam kết xây dựng các chính sách phát triển dựa trên nhu cầu của nhà đầu tư, doanh nghiệp', Chủ tịch Lê Trung Chinh cho biết.

Ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng

Đà Nẵng đang đi rất nhanh trong hành trình vào hệ sinh thái vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Để rõ hơn về những việc TP đã làm được và định hướng trong thời gian tới, VietTimes đã có cuộc phỏng vấn đối với ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

- Đà Nẵng xác định vi mạch bán dẫn là động lực tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ. Nhiều địa phương cũng đề ra tham vọng này. Vậy TP có giải pháp gì khác biệt.

Ông Lê Trung Chinh: Đà Nẵng xác định công nghệ cao, trong đó có ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo là một bộ phận quan trọng trong 5 nhóm ngành đột phá, tạo xung lực phát triển nhanh và bền vững cho TP.

Để tăng tốc, UBND TP đã chỉ đạo Sở TT&TT xây dựng đề án phát triển chip bán dẫn và vi mạch. Trong 5 năm qua, Đà Nẵng đã hoàn thiện về cơ sở hạ tầng phục vụ cho hệ sinh thái bán dẫn gồm 1 khu công nghệ cao, 6 khu công nghiệp và chế xuất, 3 khu công nghệ thông tin, công viên phần mềm đang hoạt động và 1 khu công viên phần mềm số 2 đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để đưa vào vận hành, khai thác cuối năm nay.

Đại diện UBND TP Đà Nẵng ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Synopsys về thiết kế vi mạch, bán dẫn

Bên cạnh đó, Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp để phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn. Đặc biệt, ngày 26/1/2024, Đà Nẵng thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) và liên kết với các trường đại học trên địa bàn triển khai các chương trình đào tạo nâng cao năng lực của các kỹ sư vi mạch bán dẫn.

Ngoài ra, Đà Nẵng còn tập trung xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn với các chính sách hỗ trợ thu hút chuyên gia, người dạy, người học, chính sách về sử dụng cơ sở hạ tầng, chính sách ưu đãi về thuế.

- Để phát triển công nghiệp bán dẫn, yếu tố con người rất quan trọng. Đà Nẵng sẽ làm gì để có đủ nhân lực cho lĩnh vực này?

Ông Lê Trung Chinh: Về nhân lực, TP có khoảng 250 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, sản xuất, gia công, lắp ráp các thiết bị linh kiện điện tử và các giải pháp tích hợp với gần 10.500 lao động, trong đó có khoảng 6-7 doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực vi mạch bán dẫn với 550 kỹ sư vi mạch bán dẫn.

Trên địa bàn có một số công ty hoạt động về thiết kế vi mạch như: Synopsys, Uniquify, Savarti, Renesas, LG, Synapse, Fptsemi, Sannei Hytechs,…

Lãnh đạo TP Đà Nẵng bấm nút khởi động Chương trình đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn trên địa bàn

Các trường đại học trên địa bàn TP cũng đang xây dựng các chương trình đào tạo, khóa đào tạo ngành vi mạch bán dẫn. Từ tháng 3, các trường đại học này đã tổ chức 3 khóa đào tạo chuyển đổi sang chuyên ngành thiết kế vi mạch cho 41 sinh viên năm cuối ngành điện tử viễn thông, tự động hóa.

DSAC cũng phối hợp với Synopsys, Đại học CNTT-TT Việt Hàn tổ chức lớp đào tạo giảng viên nguồn cho 25 giảng viên của các trường đại học và cao đẳng trên địa bàn. Bên cạnh đó, có 34 giảng viên các trường Đại học Bách khoa, Đại học CNTT-TT Việt Hàn và Sư phạm Kỹ thuật cũng đã tham gia 3 lớp đào tạo thiết kế vi mạch.

Để có đủ nguồn nhân lực cho lĩnh vực vi mạch, chip bán dẫn, Đà Nẵng đang xây dựng, tiến tới thể chế hóa thành văn bản cụ thể về đề án phát triển chip, vi mạch với cách tiếp cận trọng tâm là phát triển nhân lực gắn với thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp và hệ sinh thái thuộc lĩnh vực vi mạch, bán dẫn.

- Có ý kiến cho rằng nhiều địa phương đang phát triển công nghiệp bán dẫn theo phong trào. Với đặc điểm hiện tại, Đà Nẵng sẽ làm gì để trở thành điểm đến thu hút các doanh nghiệp FDI về bán dẫn?

Ông Lê Trung Chinh: Phát triển vi mạch, trí tuệ nhân tạo rất dễ trở thành “phong trào” nếu như chỉ dừng lại ở lời nói, nêu quyết tâm, hô khẩu hiệu. Khác với điều đó, Đà Nẵng đã có những động thái hành động khá cụ thể để triển khai việc phát triển hệ sinh thái đầu tư, doanh nghiệp, nguồn nhân lực cho lĩnh vực vi mạch, bán dẫn đã đề cập ở trên.

Cụ thể, để thu hút doanh nghiệp FDI, Đà Nẵng đã chọn hướng hợp tác với các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực EDA (gồm một số ít công ty hàng đầu cung cấp công cụ thiết kế chip như Synopsys) để tiếp cận các thông tin về nhu cầu mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp thiết kế chip (vốn là khách hàng của doanh nghiệp EDA).

Đà Nẵng tập trung phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp vi mạch, bán dẫn

Đà Nẵng có cách tiếp cận phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn dựa trên phát triển nguồn nhân lực, tập trung vào các giải pháp chính để thu hút đầu tư FDI như: Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và xây dựng cơ chế đặc thù về sử dụng tài sản công là kết cấu hạ tầng thông tin để thu hút nhà đầu tư, hỗ trợ nghiên cứu, đào tạo vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; nghiên cứu cơ chế hợp tác với nhà trường, doanh nghiệp (đổi bản quyền phần mềm thiết kế lấy nhân sự) để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng tiêu chuẩn yêu cầu nguồn nhân lực của các doanh nghiệp FDI.

- Để sản xuất được chip bán dẫn, đất hiếm là một yếu tố quan trọng. Đà Nẵng chưa phát hiện khoáng sản quý này, vậy thế mạnh của TP là gì khi phát triển đề án này?

Ông Lê Trung Chinh: Đến nay, chưa có thông tin về việc sở hữu đất hiếm ở Đà Nẵng. Tuy nhiên thế mạnh của Đà Nẵng tập trung ở khâu đào tạo nhân lực, hệ sinh thái - môi trường sống và vị trí địa lý thuận lợi để thu hút Việt kiều, chuyên gia; cơ sở hạ tầng có tính kết nối và cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin để thu hút các doanh nghiệp và đầu tư vào lĩnh vực vi mạch, bán dẫn như đã đề cập ở các trả lời trên.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng có cam kết của lãnh đạo TP trong xây dựng các chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo từ cách tiếp cận cụ thể, dựa trên nhu cầu của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và có sự chỉ đạo quyết liệt trong chuẩn bị các điều kiện cụ thể về hạ tầng, nhân lực, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư trong lĩnh vực quan trọng này.

- Cám ơn ông!

Hồ Xuân Mai

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/khong-co-dat-hiem-da-nang-lam-gi-de-phat-trien-cong-nghiep-ban-dan-post173910.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat