Không có đội Nga tại Olympic, nhưng người Nga thống trị khắp giải

Dù chính thức bị cấm tham dự Thế vận hội Tokyo do bê bối doping, nước Nga vẫn hiện diện đáng kể ở đại hội thể thao lần này dưới màu cờ Olympic.

New York Times miêu tả sự hiện diện của nước Nga có thể nhận thấy ngay từ lễ khai mạc. Dưới lá cờ Olympic và tên gọi ROC - viết tắt của cụm từ “Ủy ban Olympic Nga”, đoàn vận động viên Nga tự hào diễu hành cùng hơn 200 đoàn thể thao đến từ 5 châu lục.

Ngay sau lễ khai mạc, các vận động viên Nga tham gia tranh tài ở hàng loạt môn thể thao, từ bắn cung, lặn, đấu kiếm đến taekwondo. Tính đến hết ngày 26/7, đoàn thể thao Nga tạm xếp thứ 4 trên bảng tổng sắp huy chương Olympic Tokyo, sau hai cường quốc Mỹ, Trung Quốc và chủ nhà Nhật Bản.

Với hơn 330 vận động viên, Ủy ban Olympic Nga là một trong những đoàn thể thao đông nhất tại Olympic năm nay. Con số này đáng ra còn lớn hơn nếu không có lệnh cấm vận được đưa ra năm 2019, sau vụ bê bối doping lịch sử của thể thao Nga.

Sự hiện diện không thể chối bỏ

Lệnh cấm vận đối với thể thao Nga có nguồn gốc từ vụ bê bối doping lớn nhất trong lịch sử thể thao thế giới. Theo kết luận điều tra, giới chức thể thao Nga đã tráo đổi các mẫu thử dương tính với doping và các mẫu thử “sạch” của vận động viên nước này khi tranh tài tại đấu trường quốc tế.

Theo Japan Times, hơn 1.000 vận động viên, hàng chục huấn luyện viên và quan chức thể thao Nga có liên quan tới vụ việc. Thậm chí một vài nhân viên của cơ quan an ninh quốc gia Nga cũng bị liên lụy.

 Đoàn thể thao Ủy ban Olympic Nga diễu hành tại lễ khai mạc Olympic Tokyo. Ảnh: Moscow Times.

Đoàn thể thao Ủy ban Olympic Nga diễu hành tại lễ khai mạc Olympic Tokyo. Ảnh: Moscow Times.

Ban đầu, Nga bị cấm thi đấu 4 năm tại tất cả sự kiện thể thao ở tầm thế giới. Tháng 12/2020, án phạt này được Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS) giảm xuống còn hai năm.

CAS cũng giảm bớt một số hạn chế đối với vận động viên Nga tham dự Olympic mà Cơ quan Phòng chống Doping Thế giới (WADA) đề xuất. Kết quả là số lượng vận động viên Nga đến Tokyo năm nay còn đông hơn Olympic Rio năm 2016.

Bên cạnh đó, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) cho phép các nước thành viên tự giải thích những hướng dẫn về biện pháp cấm vận. Một trong số đó quy định tên hiển thị công khai của đoàn thể thao Nga luôn là “ROC”, không phải tên đầy đủ “Ủy ban Olympic Nga”.

Quy định này nhanh chóng bị các đơn vị tổ chức Olympic 0 bao gồm cả IOC - phá vỡ. Khi các vận động viên Nga diễu hành trong lễ khai mạc, tên nước Nga được hô vang bằng ba thứ tiếng Anh, Nhật Bản và Pháp. Một ngày sau, khi đội bóng chuyền nam Nga ra sân, họ tiếp tục được giới thiệu là “Ủy ban Olympic Nga”.

Đối với những người quan sát bên ngoài, ít có dấu hiệu cho thấy các vận động viên Nga đại diện cho một đất nước bị cấm vận. Một nhà báo người Kenya từng hỏi lớn “ROC” nghĩa là gì khi thấy cái tên này trên bảng điện tử.

Đây là tình trạng phổ biến tại các nhà thi đấu: tên trên bảng điện tử là “ROC” nhưng trong các tuyên bố chính thức lại là “Ủy ban Olympic Nga”. Sự phức tạp này cũng khiến các quan chức thể thao nhầm lẫn. Liên đoàn Thể dục dụng cụ châu Âu hôm 24/7 phải xóa một bài đăng trên Twitter khi nói về kết quả của “đoàn thể thao Nga”.

“Luật lệ được thực thi dựa trên những tình huống cụ thể”, ông Mark Adams, người phát ngôn của IOC, nói hôm 24/7. “Theo chúng tôi, luật lệ đang được giải thích chính xác”.

Ông Adams cũng cho biết việc tên đoàn thể thao “Ủy ban Olympic Nga” được xướng lên là quyết định của “cơ quan trung gian”. “Chúng tôi thấy thoải mái với những gì đang diễn ra”, ông nói.

 Các vận động viên thể dục dụng cụ Nga vui mừng khi giành huy chương vàng tại Olympic Tokyo. Ảnh: New York Times.

Các vận động viên thể dục dụng cụ Nga vui mừng khi giành huy chương vàng tại Olympic Tokyo. Ảnh: New York Times.

Hạn chế và thỏa hiệp

Một số cơ quan không mấy thích thú với sự hiện diện của Nga tại Olympic Tokyo. WADA không hài lòng với quyết định giảm án cho Nga của CAS. Theo quyết định ban đầu của cơ quan này, đoàn thể thao Nga tại Olympic sẽ có ít vận động viên hơn và không được sử dụng màu đồng phục thể hiện nguồn gốc của đoàn.

“Những gì đang diễn ra không đúng với điều chúng tôi yêu cầu, đặc biệt về đồng phục”, Tổng giám đốc WADA Olivier Niggli nói với báo giới. Đồng phục của đoàn thể thao Ủy ban Olympic Nga tại Olympic Tokyo vẫn gồm ba màu trắng, xanh và đỏ như trên quốc kỳ nước này.

“Tuy vậy, điều này thỏa mãn quyết định của CAS. Đây không phải điều chúng tôi mong muốn, nhưng có thể chấp nhận”, ông Niggli nói.

Trước Olympic, các vận động viên Nga được hướng dẫn cách trả lời những câu hỏi khó tại Olympic Tokyo, đặc biệt về chính trị, các vấn đề xã hội hay án phạt do doping. Cách trả lời tốt nhất là ngó lơ câu hỏi, theo bản hướng dẫn.

Không phải người Nga nào cũng cảm thấy thoải mái với những hạn chế đối với họ tại Olympic lần này. Các quan chức và vận động viên Nga thất vọng khi quốc kỳ nước này bị cấm sử dụng.

Đội trưởng đội bóng bầu dục Nga Alena Tiron cam kết “thể hiện chất Nga nhiều nhất có thể”.

“Nếu lá cờ bị cấm, bản thân chúng tôi sẽ là lá cờ”, cô nói với hãng thông tấn Nga RIA Novosti. “Chúng tôi biết bản thân đại diện cho đất nước nào”.

Bài hát được cử trong lễ trao huy chương cũng là một vấn đề mà Nga và IOC phải thỏa thuận. Khi quốc ca Nga bị cấm, Ủy ban Olympic nước này đề xuất phát bài Katyusha khi vận động viên Nga được huy chương vàng. Tuy vậy, đề xuất này không được IOC đồng ý vì “gắn liền với nước Nga”.

Do đó, Ủy ban Olympic Nga lựa chọn bản Concerto số 1 của nhà soạn nhạc người Nga Tchaikovsky để thay thế. Bản nhạc này vang lên lần đầu hôm 24/7, khi vận động viên Vitalina Batsarashkina giành huy chương vàng đầu tiên cho Nga tại Olympic Tokyo ở nội dung 10 m súng ngắn hơi nữ.

 Vận động viên bắn súng Vitalina Batsarashkina, người đầu tiên giành huy chương vàng cho Nga tại Olympic Tokyo. Ảnh: Moscow Times.

Vận động viên bắn súng Vitalina Batsarashkina, người đầu tiên giành huy chương vàng cho Nga tại Olympic Tokyo. Ảnh: Moscow Times.

Sự phức tạp này sẽ không kéo dài. Sau Olympic Tokyo và Olympic mùa Đông tại Bắc Kinh năm 2022, nước Nga sẽ dần quay trở lại cộng đồng thể thao thế giới. Giải vô địch bóng chuyền thế giới năm 2022 sẽ được tổ chức tại 10 thành phố của Nga.

Bên cạnh đó, ngay trong khi bị cấm vận, người Nga vẫn gia tăng ảnh hưởng trong lĩnh vực thể thao. Người Nga đang lãnh đạo ba liên đoàn thế giới của các bộ môn Olympic mùa hè: bắn súng, boxing và đấu kiếm. Đây là con số lớn nhất trong lịch sử.

“Thực chất, chúng ta không cảm thấy mình đang bị cấm vận”, một nhà báo Nga thừa nhận.

Việt Hà

Theo Japan Times

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khong-co-doi-nga-tai-olympic-nhung-nguoi-nga-thong-tri-khap-giai-post1243994.html