Không có khái niệm sách bổ trợ, cấm ép buộc, khuyến khích mua sách tham khảo

ng Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, giáo viên không được ép, không được khuyến khích học sinh mua sách tham khảo dưới bất cứ hình thức nào.

Hiện nay, vấn đề sách giáo khoa, sách bổ trợ lớp cho học sinh lớp 1 đang có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Trong đó, Gs. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: "Chủ trương không cho học sinh viết vào sách giáo khoa là chủ trương sai. Vì học sinh bị cấm viết vào sách giáo khoa nên buộc phải mất thêm mấy chục nghìn mua sách bổ trợ.

Tự nhiên vừa làm phụ huynh tốn tiền vừa khiến học sinh phải đeo cặp nặng hơn".

Quan điểm của Gs. Nguyễn Minh Thuyết đã được phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đặt ra tại cuộc họp báo quý III của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Trả lời về vấn đề trên ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết, việc không được viết vào sách giáo khoa là để hướng dẫn, giáo dục các em tinh thần tiết kiệm, bảo vệ tài sản.

Hiện nay ma trận sách tham khảo, sách bổ trợ đang bủa vây phụ huynh học sinh (ảnh Trinh Phúc).

Việc không viết vào sách giáo khoa là nội dung trong quá trình hoạt động giáo dục và lấy việc đó để hình thành đức tính tốt đẹp của các em ngay từ đầu. Chúng ta phải hướng dẫn các em.

Sách giáo khoa lớp 1 vừa rồi hội đồng quốc gia thẩm định thì việc viết vào sách giáo khoa hay những sách có yếu tố tạo điều kiện viết vào sách giáo khoa được hội đồng quốc gia cực kỳ chú ý và cố gắng khắc phục triệt để.

Liên quan đến câu chuyện sách tham khảo, sách bổ trợ ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, sách giáo khoa là tài liệu chính thức dạy học trong nhà trường. Ngoài ra không có quy định nào khác.

Sách tham khảo được xuất bản theo Luật xuất bản, phát hành ngoài thị trường. Để sách tham khảo đưa vào trong thư viện của các nhà trường thì Bộ GD&ĐT đã có Thông tư 21/2014 quy định.

Khi đưa sách tham khảo vào hiệu trưởng phải tổ chức cho tổ chuyên môn lựa chọn. Giáo viên có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất.

Giáo viên không được đưa vào bài dạy các nội dung vượt quá yêu cầu chương trình. Vì nếu các cháu biết nội dung nằm trong sách nào sẽ tìm mua.

Giáo viên không được ép, không được khuyến khích học sinh mua sách tham khảo dưới bất cứ hình thức nào.

Nhà trường, thầy cô nào thực hiện sai quy định thì cơ quan quản lý địa phương phải có trách nhiệm quản lý. Đặc biệt quy trách nhiệm cho hiệu trưởng.

Hiện nay không có khái niệm nào quy định sách bổ trợ.

Để đáp ứng yêu cầu các bài học theo hướng hiện đại như quốc tế thì đã có giải pháp. Thầy cô hướng dẫn học sinh ghi và vở ghi. Ghi vào cũng là phát triển năng lực. Chứ không phải in sẵn đề bài.

Hiện có nhiều thầy cô còn in phiếu học tập để bớt đi thời gian chép bài nhưng Bộ GD&ĐT đã nhắc nhiều. Việc in phiếu học tập học sinh bớt đi thời gian làm bài nhưng lại không được rèn luyện sâu sắc như các ẹm tự viết.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khong-co-khai-niem-sach-bo-tro-cam-ep-buoc-khuyen-khich-mua-sach-tham-khao-post99357.html