Không có lý do để chậm trễ!

Phát biểu tại phiên họp tổ mới đây của Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, bên cạnh ghi nhận các địa phương rất nỗ lực, quyết liệt để triển khai chủ trương này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng thẳng thắn chỉ rõ, vẫn còn một số địa phương có dấu hiệu chần chừ, chậm chạp, chưa thật sự quyết tâm, quyết liệt thực hiện yêu cầu này.

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là chủ trương lớn nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước. Qua đó, bảo đảm hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Báo cáo của Bộ Nội vụ gửi đến Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy cũng cho biết, hiện nay có 53 tỉnh, thành phố thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 đã hoàn thành phương án tổng thể. Tổng số đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp là 49 đơn vị, dự kiến, sau sắp xếp dự kiến giảm 13 đơn vị. Đối với cấp xã, tổng số đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp là 1.247 đơn vị, sau sắp xếp dự kiến giảm 624 đơn vị.

So với giai đoạn 2019 - 2021, thì giai đoạn 2023 - 2025 số lượng tài sản, tài chính, trụ sở dôi dư sau sắp xếp là rất lớn. Và số cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách cấp xã dôi dư ở giai đoạn này cũng rất lớn, dự kiến 21.700 người. Không phủ nhận rằng, việc sắp xếp các đơn vị hành chính là một việc khó. Khó bởi tâm lý “ngại thay đổi” của người dân khi gắn bó rất lâu với các đơn vị hành chính này, bởi truyền thống văn hóa, bởi tính cộng đồng làng xã ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Khó bởi sắp xếp cũng đồng nghĩa với việc một số lượng cán bộ, công chức sẽ thuộc diện dôi dư. Theo đó, xác định ai sẽ thuộc diện dôi dư; chế độ chính sách sẽ như thế nào cũng là một thách thức không nhỏ. Đó là chưa kể khó khăn trong việc xử lý tài sản, trụ sở dôi dư sau sắp xếp.

Cũng bởi không ít khó khăn, vướng mắc và những “rào cản vô hình” này mà việc sắp xếp các đơn vị hành chính thời gian qua của chúng ta có nơi vẫn còn chậm trễ.

Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 đã nêu rõ, khi xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, UBND cấp tỉnh phải chỉ đạo rà soát, dự kiến phương án bố trí, phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với vị trí việc làm, xác định rõ số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư gắn với việc thực hiện tinh giản biên chế. Căn cứ phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của địa phương, UBND cấp tỉnh lập danh sách và dự kiến phương án xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương thuộc phạm vi quản lý kèm theo đề án.

Liên quan đến vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa có Thông báo Kết luận của UBTVQH về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương tổng hợp, rà soát các khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; kịp thời hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền để đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các quy trình, thủ tục liên quan đến công tác sắp xếp đơn vị hành chính để sớm hoàn thành các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 trình UBTVQH xem xét, quyết định trong năm 2024. Đối với những nội dung cần có sự điều chỉnh, hướng dẫn khác với các nghị quyết của UBTVQH về phân loại đô thị, về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, trình UBTVQH xem xét, ban hành nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Điều đó cho thấy, việc sắp xếp các đơn vị hành chính luôn nhận được sự quan tâm sát sao, đặc biệt của UBTVQH. UBTVQH sẵn sàng lắng nghe, tháo gỡ những vướng mắc từ thực tiễn để tạo điều kiện cho Chính phủ, các địa phương trong công tác chỉ đạo và triển khai việc sắp xếp các đơn vị hành chính đạt hiệu quả cao nhất.

Chủ trương về sắp xếp các đơn vị hành chính đã rõ. Số lượng các đơn vị phải sắp xếp cũng đã được lượng hóa bởi những con số cụ thể. Việc triển khai nhanh hay chậm, về đích đúng hạn hay không phụ thuộc vào chỉ đạo của Chính phủ và phối hợp triển khai thực hiện của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là sự quyết liệt của người đứng đầu địa phương trong triển khai nhiệm vụ này.

Song Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/khong-co-ly-do-de-cham-tre-i372879/